Việt Nam – Sức hút tháng Tư trong mắt bạn bè bốn phương

Việt Nam – Sức hút tháng Tư trong mắt bạn bè bốn phương
11 giờ trướcBài gốc
Trên những chặng đường xuyên Việt, chúng tôi bắt gặp nhiều ánh nhìn vừa thích thú, vừa xúc động từ những người bạn đến từ bên kia bán cầu. Mỗi người có một lý do đặt chân đến Việt Nam, nhưng tất cả đều mang về nhiều hơn những tấm ảnh – đó là trải nghiệm, là cảm nhận sống động về một đất nước mang nhiều sắc thái.
Di tích nhà và hầm D67 (nằm trong Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội) - căn cứ cách mạng tuyệt mật, là trung tâm của Tổng hành dinh, cơ quan đầu não - nơi đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hiện thu hút sự quan tâm của khách quốc tế Ảnh: Trường Hùng
Từ ký ức lịch sử đến những trải nghiệm bất ngờ
Chiều Hà Nội, phố cổ thênh thang gió, ánh nắng xuyên qua tán cây trên phố Phan Đình Phùng. Trong một quán cà phê nhỏ, Anna – du khách đến từ Đức – ngồi lặng yên bên ly cà phê trứng, ánh mắt xa xăm. "Tôi từng nghĩ Việt Nam là đất nước ồn ào, có phần hỗn loạn. Nhưng khi ngồi đây, nghe tiếng chuông nhà thờ vọng lại, tôi thấy một vẻ bình yên rất riêng".
Anna đến Việt Nam vì tò mò sau những lời kể của bạn bè – về phở, về cafe trứng, về chiến tranh, về những khu chợ đầy màu sắc. Nhưng chỉ sau ba ngày ở Hà Nội, điều khiến cô ấn tượng nhất lại là nhịp sống và con người nơi đây.
"Mọi người không vội vã như tôi tưởng. Họ có thể ngồi hàng giờ bên ly cà phê, trò chuyện, ngắm phố xá. Tôi cảm thấy mình đang sống lại – thật sự sống lại – sau nhiều năm chỉ biết đến công việc và deadline".
Cô đặc biệt yêu thích không gian phố đi bộ Hồ Gươm – nơi cô cảm nhận được "sự tự do trong cách người Việt tận hưởng không gian công cộng". Những buổi biểu diễn đường phố, trẻ con đá bóng, người già đánh cờ, tập thể dục – tất cả mang đến cho cô một cảm giác gần gũi, ấm áp. "Ở châu Âu, chúng tôi có quảng trường, nhưng có lẽ không có nhiều niềm vui đời thường như ở đây".
Tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, nơi mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách trong và ngoài nước, chúng tôi gặp ông John P. Taylor, 68 tuổi, đến từ bang Oregon (Mỹ) – một cựu lính thủy đánh bộ từng đóng quân tại Việt Nam năm 1972.
"Tôi đã do dự rất lâu trước khi quay lại. Một phần vì sợ ký ức, phần khác vì sợ không được chào đón. Nhưng tất cả ở đây khiến tôi nhẹ lòng".
Ông bước chậm qua từng mô hình, hiện vật, dừng lại thật lâu trước chiếc mũ tai bèo, túi cứu thương của nữ biệt động Nguyễn Thị Trung Kiên – người đã dẫn đường cho Sư đoàn 10 tiến vào Sài Gòn trong ngày 30/4/1975.
"Cách các bạn kể lại chiến tranh khiến tôi xúc động. Không đổ lỗi, không oán hận. Chỉ có sự thật và khát vọng hòa bình".
John không phải trường hợp hiếm. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong tháng Tư, lượng khách đến từ Mỹ tăng đáng kể, nhiều người chọn tham quan các di tích lịch sử. "Đây là nơi lưu giữ ký ức – thứ không phải điểm đến nào cũng có thể tái hiện bằng cảm xúc chân thật như Việt Nam", một đại diện hãng lữ hành nhận xét.
Lượng khách đến từ nước ngoài trong tháng Tư tăng đáng kể. Nhiều người trong số họ lựa chọn các tour du lịch tham quan Bảo tàng Lịch sử và Bảo tàng Dân tộc Việt Nam. Ảnh: Diệu Linh
Anh Brayan Landinez ( Venezuela ) - một travel blogger - chia sẻ: "Tôi thường xuyên quay video, chụp ảnh các sự kiện lớn trên thế giới. Tôi cũng biết về lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam Việt Nam từ mạng xã hội nên quyết định đến đây. Thật sự choáng ngợp! Tôi ấn tượng cảnh người dân đứng chờ cả đêm chỉ để được xem các khối diễu hành. Không khí thật tuyệt vời, vừa trang nghiêm, vừa sôi động. Họ hồ hởi chia sẻ với tôi niềm tự hào dân tộc. Tôi sẽ đưa những hình ảnh này lên Instagram để thế giới biết thêm về Việt Nam, về chiến thắng của các bạn 50 năm trước".
Cũng có mặt tại Việt Nam vào những ngày tháng Tư, nhưng Miguel (Tây Ban Nha) và Alice (Anh) lại quan tâm đến những khía cạnh khác.
"Tôi rất yêu đồ ăn Việt Nam. Nhưng tôi cũng để ý đến tình trạng ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ở các khu biển. Dù vậy, tôi đã thấy rất nhiều bạn trẻ Việt Nam đang hành động – điều đó cho tôi hy vọng", Alice nói.
"Bạn bè tôi mách rằng Hà Nội có món nem cuốn rất ngon nên lần đầu đến Hà Nội tôi nhất định phải thử", cô Alice đến từ Anh vui vẻ chia sẻ. Ảnh: L.A.
Còn Miguel, anh kể về một bữa ăn khó quên trong một gia đình đồng bằng Bắc Bộ: "Không ai nói tiếng Anh, tôi không biết tiếng Việt, nhưng chúng tôi hiểu nhau qua ánh mắt, nụ cười và cử chỉ".
Với họ, hành trình không chỉ là du lịch, mà là tiếp xúc văn hóa, là khám phá một đất nước chân thực và đang thay đổi theo hướng bền vững.
Việt Nam trong ánh nhìn sâu hơn
Không chỉ mang đến những trải nghiệm tươi mới, Việt Nam còn hấp dẫn du khách bởi chiều sâu văn hóa, lịch sử và cách người dân hòa giải với quá khứ.
Với cô Laura D'Amico (Ý), chuyên gia văn hóa, bị cuốn hút bởi cách người Việt sống "chậm và sâu". "Người dân gìn giữ quá khứ không phải để hoài niệm, mà để sống cùng nó. Di tích, lăng tẩm, chùa chiền không chỉ là điểm tham quan, mà là một phần của đời sống thường nhật".
Với nhiều du khách, đến Việt Nam là hành trình khám phá, nhưng cũng là hành trình chữa lành. Họ cảm nhận được sự tử tế, lòng hiếu khách, và nhất là tinh thần yêu chuộng hòa bình.
Tại phố đi bộ thành phố Cao Bằng, du khách nước ngoài thoải mái giao tiếp, trao đổi với thanh niên Việt Nam về trải nghiệm văn hóa và lịch sử Ảnh: Trường Hùng
Ông René Michel – nhà báo Pháp từng đưa tin chiến tranh Đông Dương – quay lại Việt Nam sau hơn 40 năm. "Tôi ngỡ ngàng trước một đất nước trẻ trung, đầy sức sống. Nhưng điều khiến tôi xúc động nhất là cách người Việt đối xử với quá khứ – không cay nghiệt, mà thấu hiểu".
Không ít cựu binh Mỹ chọn tháng Tư để quay lại Việt Nam, như một cách hành hương ký ức. Nhưng họ được đón bằng những cái bắt tay, ly trà, và câu chuyện đời thường – khiến nhiều người bất ngờ và xúc động.
PGS.TS Vũ Minh Giang nhận định: "Việt Nam có tài sản mềm rất lớn – đó là ký ức lịch sử, lòng nhân hậu và sự linh hoạt của người dân. Nếu biết chuyển hóa thành thế mạnh văn hóa – du lịch, Việt Nam không chỉ hút khách, mà còn truyền cảm hứng".
Thực tế đang chứng minh điều đó. Theo bảng xếp hạng Best in Travel 2025 của Lonely Planet, Việt Nam được chọn là điểm đến châu Á "đáng ghé thăm nhất" nhờ sự kết hợp giữa văn hóa, thiên nhiên và chi phí hợp lý.
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I/2025, Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay tính theo quý. Sự gia tăng này được cho là nhờ chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình quảng bá du lịch hiệu quả và sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không.
Những sản phẩm thủ công được du khách quan tâm. Ảnh: L.A.
Thống kê từ Tổng cục Du lịch cũng cho thấy, khách Nhật Bản và Hàn Quốc – là những nhóm du khách có thời gian lưu trú lâu và chi tiêu cao nhất – chọn Việt Nam không vì nghỉ dưỡng hay mua sắm, mà vì văn hóa. Một nhóm bạn trẻ Hàn Quốc học chuyên ngành thiết kế đô thị đã chọn Hà Nội làm nơi thực tập vì muốn "sống chậm", theo lời của Min-joo – trưởng nhóm. "Chúng tôi quan sát cách người Hà Nội sử dụng không gian công cộng: sân chung, vỉa hè, vườn hoa – đó là bài học mà sách vở không dạy được".
Du khách đến Việt Nam, nhất là vào tháng Tư – thời điểm lịch sử sống dậy qua từng địa danh – không chỉ để nghỉ ngơi, mà để hiểu. Hiểu về một đất nước từng qua chiến tranh nhưng không nuôi hận thù, một dân tộc từng chịu nhiều đau thương nhưng chọn cách sống hiền hòa, tử tế.
Có người rời Việt Nam với hành lý đầy đồ lưu niệm. Có người mang về những bức ảnh chụp giữa rừng núi, chợ phiên, phố cổ.... Nhưng có lẽ, thứ đáng nhớ nhất chính là những điều không thể đóng gói: sự mến khách, lòng chân thành và cảm giác được lắng nghe một câu chuyện rất cũ – nhưng vẫn đang tiếp tục viết.
Dương Thy
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/viet-nam-suc-hut-thang-tu-trong-mat-ban-be-bon-phuong-192250502013024563.htm