Ngành chăn nuôi đang phụ thuộc ngày càng nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập để sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi như bắp. Hình ảnh có tính minh họa. Ảnh: TL.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, năm 2024, trong các thị trường mà Việt Nam đang nhập khẩu bắp nguyên liệu, Argentina là thị trường nhập khẩu bắp lớn nhất của Việt Nam với hơn 51% tổng sản lượng nhập khẩu và chiếm hơn 50% tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này. Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước đã nhập từ quốc gia Nam Mỹ này khoảng 6,4 triệu tấn, giá trị là 1,53 tỉ đô la Mỹ.
Thị trường cung cấp bắp nguyên liệu cho Việt Nam đứng sau Argentina là Brazil với sản lượng là 4,9 triệu tấn, giá trị tương đương gần 1,2 tỉ đô la Mỹ, chiếm 39% tổng lượng và tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2024.
Năm 2023, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn, với giá trị là 2,87 tỉ đô la Mỹ. Như vậy, so sánh với năm 2024 thì lượng bắp nhập khẩu của Việt Nam đang có xu hướng tăng.
Theo Cục chăn nuôi, bắp là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Mặt hàng này thường chiếm khoảng 25-40% trong khẩu phần ăn của gia súc, gia cầm.
Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam dự đoán nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam tăng trưởng trung bình 11-12%/năm và đạt khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là do nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm, gia súc của người dân có xu hướng tăng sau mỗi năm.
Theo số liệu được Cục chăn nuôi đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Cục chăn nuôi tổ chức trong tháng 1-2025, tính đến thời điểm cuối tháng 12-2024, tổng đàn heo của cả nước ước đạt 26,6 triệu con, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm 2023; tổng đàn gia cầm khoảng 575,1 triệu con, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2023. Sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,26 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2023.
Nam Nguyên