Việt Nam tham dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Việt Nam tham dự Phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị
11 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh.
+ Phóng viên: Thưa ông, được biết thời gian qua Việt Nam rất tích cực trong việc thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR), ông có thể cho biết Việt Nam tham gia Công ước này từ thời điểm nào?
+ Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) là điều ước quốc tế đa phương quan trọng với số lượng các quốc gia tham gia đông đảo (173 quốc gia). Nội dung Công ước quy định các quyền gắn liền với các cá nhân từ khi sinh ra đến hết cuộc đời (quyền sống, quyền được bảo đảm an ninh, an toàn cá nhân, quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tham gia quản lý xã hội…). Một số quyền trong Công ước ICCPR sau này được Liên hợp quốc phát triển thành những điều ước quốc tế riêng như quyền không bị tra tấn, quyền bình đẳng giới... Việt Nam đã gia nhập Công ước ICCPR vào ngày 24-9-1982.
Tại Phiên đối thoại lần thứ 3 giữa Việt Nam và Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc về việc thực thi Công ước ICCPR đã diễn ra vào ngày 11-12 tháng 3 năm 2019 tại Geneva (Thụy Sĩ), Việt Nam đã trình bày Báo cáo thực thi Công ước ICCPR lần thứ 3 (giai đoạn 2002-2017). Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc đã đưa ra các khuyến nghị sau phiên đối thoại và Việt Nam đã có những nỗ lực trong việc thực hiện các khuyến nghị này, đồng thời tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật và thực tiễn thực hiện các quyền dân sự, chính trị.
+ Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết thêm về mục tiêu, những dự định của Đoàn Việt Nam tại Phiên đối thoại?
+ Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh: Chúng tôi xác định việc đối thoại về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tại Phiên họp thứ 144 của Ủy ban Nhân quyền tại Geneva tới đây là cơ hội để Việt Nam báo cáo những nỗ lực cũng như những kết quả của Việt Nam trong việc thực hiện Công ước.
Chính vì vậy, Đoàn Việt Nam sẽ tham gia phiên đối thoại trên tinh thần cởi mở, chân thành, hợp tác và xây dựng. Trong Phiên đối thoại, chúng tôi sẽ tập trung vào một số thông điệp như Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện nhiều đột phá có tính cách mạng để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trong đó có việc đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Việc mở rộng dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lý nhà nước ngày càng được chú trọng hơn, bảo đảm và bảo vệ tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân. Khẳng định Việt Nam luôn dành sự quan tâm và ưu tiên nguồn lực tốt nhất có thể và sẽ tiến hành các biện pháp đồng bộ để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn việc thụ hưởng các quyền dân sự, chính trị… Những thông tin, bằng chứng được đưa ra tại Báo cáo cũng như Phiên đối thoại sẽ là câu trả lời rõ ràng, phản bác những thông tin còn sai lệch về tình hình quyền con người tại Việt Nam.
Với những vấn đề được đề cập nhưng chưa chính xác, chưa khách quan về tình hình quyền con người tại Việt Nam, chúng tôi sẽ thẳng thắn đối thoại, không né tránh. Đối với những nội dung đã rõ, chúng tôi sẽ thông tin ngay; với vấn đề chưa đủ thông tin, chúng tôi sẽ đề nghị cung cấp thông tin để kiểm tra và trả lời sau.
Chúng tôi cũng xác định tham gia Phiên đối thoại trên tinh thần cầu thị, cởi mở đối với các vấn đề được đề cập để tiếp thu, tiếp tục thúc đẩy những nội dung chúng ta đã thực hiện tốt. Đồng thời, cũng có cách tiếp cận phù hợp để thúc đẩy thực thi Công ước một cách hiệu quả hơn nữa.
+ Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Đỗ Phương Bình (thực hiện)
Nguồn CAĐN : https://cadn.com.vn/viet-nam-tham-du-phien-doi-thoai-ve-bao-cao-quoc-gia-thuc-thi-cong-uoc-quoc-te-ve-cac-quyen-dan-su-va-chinh-tri-post315679.html