Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những phân tích về giá trị cốt lõi của Phật giáo đang được thể hiện trong nhiều chính sách Việt Nam, trong đó có từ bi, bác ái, công bằng xã hội với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại phiên toàn thể diễn ra tại hội trường chính, các đại biểu lắng nghe thông điệp của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, cùng nhiều phát biểu từ các vị Tăng thống, Tăng vương, Chủ tịch Giáo hội các nước, dưới sự điều phối của Hòa thượng Chao Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tăng-già Phật giáo thế giới.
Đại diện các tổ chức Phật giáo quốc tế như Ấn Độ, Hàn Quốc, Brazil, Hungary, Na Uy… nhấn mạnh vai trò của đoàn kết, bao dung, và lòng từ bi trong việc thúc đẩy hòa bình, tôn trọng nhân phẩm con người và hướng đến phát triển bền vững toàn cầu.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: “Nhìn chung chủ đề rất đa dạng, phù hợp với 5 chủ đề nhánh, nhưng nguyện vọng chính tập trung vào ba thứ. Thứ nhất là nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các học giả đã tìm kiếm những lời Phật dạy về chủ nghĩa yêu nước. Thứ hai là đề nghị tiếng nói Phật giáo lan tỏa trong các diễn đàn quốc tế. Thứ ba là nhân dịp Vesak Liên hợp quốc, các học giả cũng rất quan tâm và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm việc trong 7 ngày qua để hồi đáp lại những chủ trương của Liên hợp quốc đối với những vấn đề, vấn nạn con người đang gặp phải và cần có giải pháp mang tính thực tiễn”.
Các học giả Việt Nam tại hội thảo cũng nêu bật vai trò của đạo Phật trong thúc đẩy công bằng xã hội. Nhiều mô hình “chùa xanh, cộng đồng bền vững” đã được giới thiệu, trong đó nhà chùa trở thành trung tâm phân phối lương thực, tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, chăm lo người khuyết tật và người già neo đơn là một phần của thông điệp “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thế Bình
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/viet-nam-the-hien-nhieu-gia-tri-cot-loi-cua-phat-giao-327879.htm