Việt Nam tiên phong với sức mạnh kết nối bộ ba KHCN - ĐMST - CĐS

Việt Nam tiên phong với sức mạnh kết nối bộ ba KHCN - ĐMST - CĐS
một ngày trướcBài gốc
Báo VietNamNet xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng về mối quan hệ giữa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Lê Anh Dũng
Mối quan hệ của bộ ba: KHCN - ĐMST - CĐS
Chuyển đổi số (CĐS) là môi trường, là mảnh đất mới để phát triển nhanh khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Phát triển KHCN chúng ta đã nói nhiều nhiệm kỳ, nhưng chưa đặt nó trong đúng ngữ của cảnh thời đại để biết cách làm và tận dụng lợi thế Việt Nam. Bối cảnh phát triển KHCN/ĐMST lúc này là CĐS: KHCN/ĐMST trong kỷ nguyên số, trong môi trường số. Cuộc CMCN lần thứ tư thì công nghệ số (CNS) là chính: 50% công nghệ 4.0 là CNS, 50% còn lại thì dựa trên CNS để phát triển. ĐMST thì 70-80% là ĐMST số (82% kỳ lân công nghệ là kỳ lân công nghệ số). CNS thì rất phù hợp với người Việt Nam và tiềm năng Việt Nam, chúng ta có thể đi nhanh hơn người khác về CNS. Phải đẩy nhanh CĐS, đưa mọi hoạt động lên môi trường số nhanh nhất có thể, để tạo môi trường phát triển KHCN, và ngược lại, KHCN/ĐMST lúc này cũng tập trung để đẩy nhanh CĐS, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Như vậy, CĐS vừa là môi trường phát triển, vừa là mục tiêu của KHCN/ĐMST.
ĐMST để phát huy hết năng lực của KHCN, để sáng tạo trong quá trình ứng dụng KHCN, tạo ra các giá trị thực tế cho phát triển kinh tế - xã hội. KHCN thời 4.0 phải đi với ĐMST thành một cặp. ĐMST để đưa KHCN vào cuộc sống, là sự ứng dụng KHCN một cách sáng tạo. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
ĐMST để phát huy hết năng lực của KHCN, để sáng tạo trong quá trình ứng dụng KHCN, tạo ra các giá trị thực tế cho phát triển kinh tế - xã hội. KHCN thời 4.0 phải đi với ĐMST thành một cặp. ĐMST để đưa KHCN vào cuộc sống, là sự ứng dụng KHCN một cách sáng tạo. ĐMST có thể tạo ra giá trị có khi còn lớn hơn bản thân KHCN. ĐMST có khi làm kinh ngạc chính người phát triển ra KHCN. ĐMST cũng rất phù hợp với người Việt Nam, đó là năng lực vận dụng. Vận dụng của người Việt Nam chính là sự ứng dụng có sáng tạo. Về vận dụng thì không có dân tộc nào bằng Việt Nam. Vận dụng là năng lực cốt lõi của ĐMST.
KHCN Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ và đột phá, đóng góp cao vào tăng trưởng GDP nếu nó đi cùng với CĐS và ĐMST.
Luật KH&CN mới tạo ra sự kết nối KHCN và ĐMST
Luật Khoa và Công nghệ năm 2013 sẽ được sửa đổi để trở thành Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Lần đầu tiên, ĐMST được đặt ngang với KHCN. Nhấn mạnh ĐMST là nhấn mạnh khía cạnh ứng dụng của KHCN. Đây là thay đổi quan trọng.
Khoa học tạo ra tri thức mới. Từ tri thức mới thì công nghệ được phát triển. ĐMST là ứng dụng công nghệ mới để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, quy trình mới, mô hình kinh doanh mới. Chỉ đến lúc này, KHCN mới thực sự tạo ra giá trị thực tiễn, góp phần vào phát triển KT-XH, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Từ một công nghệ có thể ra hàng ngàn ứng dụng/sản phẩm mà nhà phát triển công nghệ cũng không biết đến, đây là đặc điểm rất quan trọng của các công nghệ thời 4.0 (trước đây một công nghệ thường chỉ có một sản phẩm), bởi vậy mà cần ĐMST để từ một công nghệ nền tảng sẽ ra các ứng dụng khác nhau cho các lĩnh vực khác nhau, cho các doanh nghiệp khác nhau, cho các tổ chức khác nhau.
ĐMST là dành cho tất cả, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức, mọi người. ĐMST thì đại chúng hóa được. Việt Nam muốn phát triển đột phá thì phải đại chúng hóa về ĐMST. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Đổi mới có thể chỉ đơn giản là mua một cái mới về dùng. Còn ĐMST là mang cái mới về dùng nhưng có sáng tạo dựa trên thực tiễn của mình để tạo ra cái mà ngay cả người bán cái mới ấy cho mình cũng không biết. Hơn thế nữa, có nhiều công nghệ mang về mà không phát triển thêm là không dùng được. Chúng ta phải hiểu rất đúng về ĐMST: Mang cái mới về nhưng sáng tạo thêm cái mới nữa trên cái mới đó.
Nghiên cứu phát triển KHCN thì dành cho nhóm nhỏ. Nhưng ĐMST là dành cho tất cả, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức, mọi người. ĐMST thì đại chúng hóa được. Việt Nam muốn phát triển đột phá thì phải đại chúng hóa về ĐMST.
Bác Hồ đã dạy, cái gì mà kết hợp được cả 3, dân tộc, khoa học và đại chúng, thì sẽ thành công.
Hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN để kết nối tiếp KHCN, ĐMST với CĐS
Thế giới có chưa tới 5% các quốc gia nối bộ ba này với nhau và đưa về 1 bộ quản lý. Việt Nam là nhóm đi đầu. Đẩy mạnh CĐS để phát triển KHCN/ĐMST, và phát triển KHCM/ĐMST để thúc đẩy nhanh CĐS.
Thế giới thì nói nhiều về phát triển dựa trên KHCN. Không nhiều nước nhấn mạnh KHCN đi với ĐMST. Rất ít nước tuyên bố về kết nối bộ 3 này, tuyên bố về phát triển đất nước dựa trên bộ 3 động lực KHCN/ĐMST/CĐS. Việt Nam là nước tiên phong. Việt Nam đã đến lúc phải tiên phong về quan điểm phát triển phù hợp với văn hóa Việt Nam, đúng xu thế thời đại và đại chúng hóa được tư tưởng của mình.
Tuyên bố về phát triển đất nước dựa trên bộ 3 động lực KHCN/ĐMST/CĐS. Việt Nam là nước tiên phong. Việt Nam đã đến lúc phải tiên phong về quan điểm phát triển phù hợp với văn hóa Việt Nam, đúng xu thế thời đại và đại chúng hóa được tư tưởng của mình. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Sự kết hợp bộ ba này còn là nối ông trên Trời với ông dưới Đất. KHCN là trên Trời. CĐS là dưới Đất. ĐMST nối hai ông này với nhau. Sự kết hợp Thiên-Địa-Nhân này là cái đặc biệt nhất của bộ 3. KHCN là lấy tri thức từ Trời (Trời đã có sẵn những quy luật, những tri thức, chúng ta lấy ra được thôi, chứ không sáng tạo ra được). ĐMST là sử dụng tri thức của Trời ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày của con người, cái này thì chỉ có con người làm và làm được, Trời Đất không có sẵn cái này.
Một thí dụ về KHCN, ĐMST và CĐS
KH: Công ty Hachi nghiên cứu ra chất dinh dưỡng cho vào nước để trồng rau, không cần đất. Nghiên cứu ra chất dinh dưỡng là KH.
CN: Công ty Hachi dùng cảm biến IoT (đi mua) để đo nồng độ dinh dưỡng trong nước, gửi thông tin qua mạng điện thoại di động về máy chủ, phần mềm máy chủ ra quyết định khi nào thì bơm thêm chất dinh dưỡng vào nước. Hachi cũng phát triển một ứng dụng (App) để người trồng rau xem được tình trạng của rau, nhiệt độ nước, nồng độ dinh dưỡng, nhận được cảnh báo, can thiệp khi cần. Hachi kết nối nước, dinh dưỡng, cảm biến, bơm, phần mềm thành một hệ thống trồng rau hoàn chỉnh. Đây là công đoạn biến công nghệ thành một một thiết bị (sản phẩm) trồng rau thông minh, là quá trình phát triển công nghệ.
ĐMST: Công ty Hachi có thể kinh doanh theo cách truyền thống là dùng sản phẩm mới này để trồng rau bằng nước và bán rau thu tiền. Nhưng Hachi lại chọn cách kinh doanh khác là cho thuê các hệ thống trồng rau này để các gia đình tự trồng sau. Các gia đình sẽ trả tiền thuê hệ thống theo tháng (500.000 đ/tháng), sau đó mua giống, mua chất dinh dưỡng từ Hachi. Hachi không trồng rau, không bán rau mà bán công nghệ và các thứ tạo ra rau, các hộ gia đình mới là người trồng rau và tiêu thụ rau. Đây là quá trình đổi mới mô hình kinh doanh. Với mô hình kinh doanh mới này thì có hàng chục ngàn hộ gia đình trồng rau, tiêu thụ rau. Hachi vì thế mà lớn mạnh nhanh chóng. ĐMST trong câu chuyện này là đổi mới mô hình kinh doanh.
CĐS: Thiết bị trồng rau thông minh được số hóa toàn diện, một máy chủ, một trung tâm dữ liệu, một App ứng dụng, một đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ nhưng hàng chục ngàn hộ sử dụng, có thể nhân rộng ra toàn quốc mà vẫn duy trì được chất lượng, không những thế, vì nhiều người dùng, hệ thống thu thập được nhiều thông tin hơn và vì thế lại thông minh hơn. CĐS là môi trường để đổi mới mô hình kinh doanh, nhân rộng sản phẩm. Không có CĐS thì Cty Hachi phải có nhân viên kỹ thuật đi đến hàng chục ngàn hộ gia đình để hỗ trợ kỹ thuật và điều này tốn kém và không khả thi.
Đảo chiều
Truyền thống của KHCN là đi từ nghiên cứu khoa học, từ khoa học đến công nghệ, đến ĐMST và đến CĐS. Nay, phải thêm chiều ngược lại, đi từ cuộc sống, từ CĐS đến ĐMST, đến công nghệ và cuối cùng đi đến khoa học. CĐS tạo ra môi trường tốt, mảnh đất tốt cho ĐMST. ĐMST tạo ra nhu cầu về phát triển CN. Phát triển CN đặt ra bài toán về nghiên cứu KH, nghiên cứu cơ bản. Tức là, thay vì đi từ trên Trời xuống dưới Đất thì đi từ dưới Đất lên trên trời nhiều hơn. 70% là đi từ dưới Đất đi lên, 30% là đi từ trên Trời đi xuống.
Mối quan hệ 3 nhà: Nhà nước - Viện, Trường - Doanh nghiệp, cũng phải thêm một chiều nữa: Doanh nghiệp - Viện, Trường - Nhà nước. Doanh nghiệp phát sinh nhu cầu về KHCN/ĐMST thì chủ động mang bài toán, vấn đề của mình tìm đến viện trường và hợp tác với viện trường. Nhà nước hỗ trợ mối quan hệ này.
KHCN/ĐMST/CĐS phải đóng góp cho sự phát triển KT-XH và đo lường được sự đóng góp này
Quản lý KHCN thì đầu tiên phải đo lường được sự đóng góp của chi KHCN tới tăng trưởng kinh tế. Không đo lường, đánh giá được thì không quản lý được, không thúc đẩy được và không biết được hiệu quả, rất dễ dẫn đến lãng phí. Nhiều quốc gia chi rất nhiều cho KHCN những vẫn không thoát được bẫy thu nhập trung bình là do không quan tâm đo lường đầu ra. Bộ KHCN sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN/ĐMST/CĐS.
Việt Nam tăng trưởng 10% thì KHCN/ĐMST/CĐS phải đóng góp trên 5%. Phát triển dựa trên KHCN/ĐMST/CĐS là chính thì tăng trưởng chính phải dựa trên KHCN/ĐMST/CĐS.
Trong 5% tăng trưởng GDP của giai đoạn 2025-2030 thì ĐMST phải đóng góp 3%, CĐS 1-1,5% và KHCN 1%. Có nghĩa là ĐMST phải đóng góp chính, 60%, CĐS là 25%, KHCN giai đoạn này là 15%.
Có đo lường được đầu ra thì mới chuyển quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, chuyển từ quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra (từ đếm hóa đơn chứng từ sang đếm kết quả nghiên cứu), từ quản lý quá trình sang quản lý mục tiêu, từ không chấp nhận rủi ro của từng dự án nghiên cứu sang đánh giá hiệu quả tổng thể của các dự án nghiên cứu và chấp nhận rủi ro của một dự án nghiên cứu, từ chi rón rén cho KHCN/ĐMST/CĐS sang chi nhiều hơn (từ 1% ngân sách sang 3% ngân sách, từ 0,5% GDP sang 2-4% GDP), từ kiểm soát chi phí nghiên cứu sang khoán chi, từ trả lại kết quả nghiên cứu cho Nhà nước sang để lại cho cơ sở nghiên cứu để thương mại hóa, từ người nghiên cứu chỉ nhận được tiền công nghiên cứu sang người nghiên cứu được hưởng một phần kết quả nghiên cứu, và giàu lên chính đáng.
Đo lường được kết quả đầu ra của KHCN/ĐMST/CĐS là then chốt, mang tính quyết định để chúng ta chuyển đổi cách làm, cách quản lý và tạo ra sự đột phá.
Về thu nhập cao và phát triển
35 năm qua, tính từ 1990, có 34 quốc gia từ thu nhập trung bình trở thành thu nhập cao. Nhưng chỉ có 10-12 quốc gia được coi là nước phát triển, thí dụ như Hàn Quốc, Israel, Cộng hòa Séc, Ba Lan. Đó là những quốc gia đạt thu nhập cao thông qua KHCN/ĐMST/CĐS, có trình độ CNH cao, có NSLĐ cao, có thể chế ổn định, hạ tầng hiện đại, hệ thống giáo dục, y tế phát triển.
Việt Nam hướng tới cả 2 mục tiêu: Thu nhập cao và phát triển. Để trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì đóng góp vào tăng trưởng GDP của KHCN/ĐMST/CĐS phải trên 50%. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Ngưỡng thu nhập cao năm 2023 là 13.800 USD, ngưỡng này tăng trung bình 2-3%/năm, nên ngưỡng thu nhập cao năm 2045 sẽ là 20-25.000 USD. Nếu tính cả tăng dân số, thì để đạt ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045, GDP Việt Nam phải tăng ít nhất 5 lần trong 20 năm tới. Nếu 10 năm đầu tăng trưởng 10% thì 10 năm tiếp theo vẫn phải tăng trưởng 7% thì mới đạt mục tiêu trăm năm thứ 2. Tăng trưởng 2 con số liên tục trong 10 năm tới là bắt buộc.
Việt Nam hướng tới cả 2 mục tiêu: Thu nhập cao và phát triển. Để trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì đóng góp vào tăng trưởng GDP của KHCN/ĐMST/CĐS phải trên 50%.
Về đổi mới sáng tạo
ĐMST thì đổi mới công nghệ (Tech Innovation) là chính. Đây là đầu tư mua sắm công nghệ mới, thiết bị công nghệ mới. Thay thế thiết bị cũ, công nghệ cũ. Ứng dụng công nghệ mới phải đi với các xúc tác mềm như chuyên gia, đào tạo, tư duy lãnh đạo và quản trị hiện đại, cải tiến các quy trình để tạo ra sản phẩm tốt hơn, năng suất cao hơn (đây là nâng cao hiệu suất). Chuyển giao công nghệ từ nước ngoài. Kết hợp công nghệ mới vào mô hình kinh doanh. Đây là việc dễ làm nhưng hiệu quả cao. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp, chủ yếu thông qua hỗ trợ lãi suất vay. Lập quỹ đổi mới công nghệ để hỗ trợ. Quỹ này nên chiếm tới 30-40% chi KHCN và ĐMST. Và cần 5% của quỹ này chi cho việc thành lập các trung tâm hỗ trợ đổi mới công nghệ của các ngành, chi cho tư vấn, đào tạo, đặc biệt là để giúp các doanh nghiệp phát huy hết hiệu quả của công nghệ đã mua sắm. Khảo sát giai đoạn 2015-2020 cho thấy, các công nghệ được mua sắm đã chưa phát huy hết hiệu quả, ít quá trình cải tiến nên GDP bị giảm mất 1,3%.
Các doanh nghiệp sử dụng công nghệ (ăn), hiểu và cải tiến (tiêu hóa) để sử dụng công nghệ một cách sáng tạo, và sau đó là sáng tạo công nghệ (sáng tạo) - công đoạn cuối của ĐMST. Vậy là đi từ sử dụng đến nhu cầu sáng tạo, đến nghiên cứu phát triển công nghệ. Nhà nước hỗ trợ hoạt động này, thông qua khấu trừ thuế các khoản chi nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, tài trợ (cấp thêm tiền) cho hoạt động này của doanh nghiệp.
ĐMST còn là khởi nghiệp sáng tạo (KNST). KNST của chúng ta được định nghĩa là doanh nghiệp mới và phát triển nhanh. Không chú trọng đến sự phát triển mang tính đột đột phá, cách mạng, đến giải quyết các bài toán lớn của KT-XH, đến sự phá hủy các đế chế cũ - sự phá hủy mang tính sáng tạo. Phải thay đổi khái niệm này thì mới sinh ra được các startup lớn, các Unicorn. KNST thì cần đến quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia làm mồi, theo cơ cấu nhà nước 30, xã hội 70 và thuê doanh nghiệp chuyên nghiệp vận hành.
KNST sẽ bùng nổ nếu cho phép các doanh nghiệp lớn được sử dụng quỹ phát triển KHCN để đầu tư startups. Sẽ có hàng trăm quỹ, mỗi quỹ sẽ hàng ngàn tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn thì lựa chọn đầu tư, mở rộng quy mô thành công của startup sẽ tốt hơn rất nhiều. Luật KH, CN và ĐMST sắp tới sẽ thiết kế nội dung này.
ĐMST cần được đại chúng hóa. Nếu chúng ta xây dựng được tinh thần ĐMST ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, đến từng người dân thì ĐMST sẽ tạo ra tăng trưởng GDP mạnh mẽ hơn nữa. Có thể không phải 3%, mà ĐMST sẽ tạo ra 4% tăng trưởng GDP.
Về chuyển đổi số
CĐS tạo ra 1-1,5% GDP thì không khó. Chỉ một việc tăng gấp đôi tốc độ di động thì đã làm tăng 1% GDP. Hạ tầng số phải được đặt ngang hàng với hạ tầng giao thông, nhà nước phải tham gia đầu tư để hạ tầng này vượt trội, đi trước. Phát triển kinh tế số, tạo ra giá trị từ dữ liệu, chấp nhận và phát triển tài sản số thì còn tăng nữa.
Cuộc cách mạng số tạo ra khá nhiều sự phá hủy mang tính sáng tạo và tạo ra sự phát triển đột phá. Bởi vậy, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) trong lĩnh vực công nghệ số có ý nghĩa quyết định. Nhà nước vẫn đang loay hoay về cơ chế sandbox. Hiện nay là nhà nhà làm cơ chế sandbox. Bộ KH&CN đề xuất, một luật sẽ ra nguyên tắc về sandbox, rồi giao Chính phủ làm 1 nghị định khung về sandbox, sau đó các bộ ngành, địa phương ra hướng dẫn làm sandbox.
Cách thúc đẩy nhanh CĐS là bằng các quyết định mạnh mẽ và có cách làm đúng. CĐS không phải vấn đề công nghệ. Cũng không phải vấn đề đầu tư, vì CĐS không tốn kém nếu dùng các nền tảng số dùng chung. Nếu quyết định 100% địa phương phải cung cấp dịch vụ công trực tuyến và giao người đứng đầu trực tiếp chịu trách nhiệm, cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp môi trường số, quyết định dùng hợp tác công tư để cung cấp dịch vụ (doanh nghiệp đầu tư, vận hành hệ thống CNTT, liên tục hoàn thiện trải nghiệm người dùng, hợp tác với chính quyền cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp môi trường số, thuận tiện cho người dân), thì 1-2 năm là xong vấn đề dịch vụ công trực tuyến. Nhưng do không có quyết định mạnh mẽ nên 25 năm nay làm mãi chưa xong.
Về khoa học công nghệ
KHCN là để mở rộng đường biên công nghệ (Tech frontier). Đây là đầu tư cho R&D. Vượt qua giới hạn của công nghệ mà chúng ta mua về. Tạo ra công nghệ, giải pháp, quy trình, sản phẩm mới có tính độc đáo, vượt khỏi mức hiện có trong ngành hoặc khu vực, vượt khỏi mức mà Việt Nam mua được. Nó không nhất thiết phải to tát, nó có thể là một giải pháp kỹ thuật độc đáo tăng năng suất 30% so với tiêu chuẩn ngành, một sáng chế nhỏ nhưng hữu ích có thể đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa được, một quy trình sản xuất sạch hơn, rẻ hơn. Quan trọng là doanh nghiệp không còn đi sau, mà bắt đầu tạo ra khác biệt.
Mở rộng đường biên công nghệ là con đường KHCN/ĐMST/CĐS của Việt Nam. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Mở rộng đường biên công nghệ để thoát bẫy gia công, phụ thuộc, nâng cao giá trị gia tăng, tăng lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, vươn ra thế giới, nâng cao vị thế công nghệ quốc gia.
Mở rộng đường biên công nghệ là con đường KHCN/ĐMST/CĐS của Việt Nam.
Cách để làm KHCN dễ đi và hiệu quả là đi từ Đất lên Trời. Giảm đi từ trên Trời xuống Đất.
Làm KHCN thì hãy đi từ Đất lên Trời nhiều hơn. Doanh nghiệp khi phát triển nghiên cứu thì phát sinh các bài toán về nghiên cứu cơ bản. Mang những bài toán này đặt hàng các cơ sở nghiên cứu cơ bản (gọi là nghiên cứu ứng dụng). Nhà nước tài trợ cho các nghiên cứu ứng dụng này. Nhà phát triển công nghệ đặt hàng nhà nghiên cứu khoa học một nghiên cứu cụ thể là đã làm cho bài toán của nhà khoa học dễ đi rất nhiều rồi.
Chuyển toàn bộ nghiên cứu cơ bản về đại học, vì nơi đây tập trung nguồn lực lớn nhất về nghiên cứu, đó là các giáo sư, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên. Phát triển công nghệ thì dựa vào viện và doanh nghiệp nhiều hơn, nhưng doanh nghiệp là chính. Giao phát triển làm chủ các công nghệ chiến lược cũng chọn doanh nghiệp lớn mà giao. Và không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
Về vai trò của tiêu chuẩn trong phát triển KHCN/ĐMST/CĐS
Tiêu chuẩn là nền tảng kỹ thuật cho các hoạt động KT-XH. Tiêu chuẩn đóng vai trò nền tảng và dẫn dắt trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong hệ thống quản trị quốc gia và năng lực quản trị quốc gia.
Tiêu chuẩn là công cụ quan trọng, động lực thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS. Quốc gia muốn phát triển theo hướng nào thì dùng tiêu chuẩn để dẫn dắt quốc gia theo hướng đó. Lâu nay chúng ta bỏ quên mất công cụ này. Bây giờ muốn phát triển số thì ra tiêu chuẩn số. Muốn ĐMST thì ra tiêu chuẩn về ĐMST. Muốn phát triển KHCN thì ra các tiêu chuẩn về KHCN.
Khi nào thì cần đẩy mạnh sở hữu trí tuệ?
Đẩy mạnh sở hữu trí tuệ khi một đất nước muốn phát triển dựa trên KHCN/ĐMST và GDP/người đã đạt 3-4.000 USD. Phải đẩy mạnh sở hữu trí tuệ thì công nghệ nước ngoài mới vào Việt Nam.
Khi GDP đã 3-4.000 USD/người và Nhà nước có định hướng phát triển dựa trên KHCN/ĐMST thì các doanh nghiệp trong nước bắt đầu sáng tạo nhiều, họ cũng cần bảo vệ sở hữu trí tuệ.
Một quốc gia không phát triển KHCN/ĐMST thì có thể để việc ăn cắp sở hữu trí tuệ tràn lan. Việt Nam đã đến lúc phải làm tốt sở hữu trí tuệ để phát triển KHCN/ĐMST.
Sở hữu trí tuệ biến kết quả nghiên cứu thành tài sản để có thể giao dịch, khi đó mới có thị trường KHCN/ĐMST. Chuyển dịch quan trọng nhất của sở hữu trí tuệ là chuyển dịch từ bảo vệ quyền sang tài sản hóa, thương mại hóa và thị trường hóa các kết quả nghiên cứu.
Cơ hội cho KHCN/ĐMST/CĐS là khi đất nước có việc rất khó hoặc do lãnh đạo đặt ra mục tiêu rất cao, việc rất khó
Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức rất lớn, đang làm những việc rất khó, chưa từng có, có cái chưa từng có tại Việt Nam, có cái chưa từng có trên thế giới. Đó là: Tăng trưởng 2 con số khi GDP/người đã 5.000 USD, tinh gọn bộ máy (nhập bộ, nhập tỉnh, nhập xã và bỏ huyện), giải quyết các vấn đề của 2 đô thị siêu nén là Hà Nội và TPHCM,...
KHCN/ĐMST/CĐS vốn là việc khó, rất ít nước thành công. Mọi người chỉ làm và có thể làm được khi bị bắt buộc phải làm, khi không có lựa chọn nào khác. Những việc mà Việt Nam đang đối mặt thì không có lựa chọn nào khác là KHCN/ĐMST/CĐS. Đây là cái may cho lĩnh vực này. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
KHCN/ĐMST/CĐS vốn là việc khó, rất ít nước thành công. Mọi người chỉ làm và có thể làm được khi bị bắt buộc phải làm, khi không có lựa chọn nào khác. Những việc mà Việt Nam đang đối mặt thì không có lựa chọn nào khác là KHCN/ĐMST/CĐS. Đây là cái may cho lĩnh vực này. Đảng và Nhà nước đã xác định, KHCN/ĐMST/CĐS là lựa chọn bắt buộc, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu để đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao.
Ở một góc nhìn khác, chính những khó khăn mà Việt Nam đang đối mặt lại là bài toán cho KHCN/ĐMST/CĐS. Trong khi nguồn lực của Việt Nam đang có hạn thì việc tập trung vào giải quyết các bài toán có tính ưu tiên này lại là việc không dàn trải, có tập trung. Trọng tâm vốn là cái mà chúng ta lâu nay chưa làm được. Vậy, KHCN/ĐMST/CĐS hãy tập trung vào giải quyết những bài toán cấp bách này. Tính khả thi sẽ tăng lên. Có ngân sách chi cho các việc lớn này, các doanh nghiệp Việt Nam khi làm có thể phải cần đến hợp tác quốc tế, sẽ phải thu hút tinh hoa và nhân tài thế giới. Giống như các nước Ả Rập đã làm được, thuê cả thế giới làm thuê cho mình.
Sức mạnh của chế độ là sức mạnh lớn nhất của Việt Nam
Chúng ta có một Đảng lãnh đạo. Đảng của ta có uy tín lớn có thể hiệu triệu được toàn dân, có thể ra những quyết định lớn, đột phá.
Quyết định lớn mà đúng, hiệu triệu, huy động được toàn dân, thì việc gì cũng thành. Nghị quyết 57 là một quyết định đúng và lớn, rất phù hợp với văn hóa, bối cảnh và khát vọng Việt Nam, phù hợp với xu thế. Bây giờ là biết cách làm và quyết tâm làm thôi.
Nguyễn Mạnh Hùng
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/viet-nam-tien-phong-voi-suc-manh-ket-noi-bo-ba-khcn-dmst-cds-2386425.html