Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu
16 giờ trướcBài gốc
Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI toàn cầu vốn đang suy giảm và cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các quốc gia. Thu hút FDI 11 tháng ước gần 31,4 tỷ USD, vốn FDI thực hiện ước khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Chính phủ và tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhận định ngành đã đóng góp quan trọng vào giữ vững ổn định về kinh tế, chính trị, xã hội…, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng, môi trường kinh doanh của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài với sự phát triển của Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo ông Dũng, đất nước ta đã gặt hái được những thành tựu nổi bật, mang tính lịch sử trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước; tạo cơ đồ, vị thế, thời cơ, cơ hội để đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hướng tới mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Có được thành tựu này, trước hết là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp, nhân dân cả nước; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng.
Trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành kế hoạch - đầu tư và thống kê nói chung và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói riêng, khẳng định sứ mệnh, vai trò, vị thế của một cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược của Đảng và Nhà nước trên mỗi chặng đường phát triển của đất nước.
Trong năm 2024, ngành đã ghi dấu nhiều điểm sáng. Trong đó, nỗ lực không ngừng để hình thành một hệ tư duy mới, tầm nhìn chiến lược mới về kỷ nguyên phát triển vươn mình, trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Đó là tư duy chủ động kiến tạo, tăng trưởng bứt tốc, phát triển đột phá, quyết định tương lai, lấy phát triển để duy trì ổn định, ổn định để thúc đẩy phát triển; tầm nhìn về thời điểm "hội tụ" các lợi thế, sức mạnh để cất cánh, phát triển mạnh mẽ và toàn diện, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Đáng chú ý, nhiều chính sách, giải pháp được triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.
Việc xử lý các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đạt kết quả tích cực. Tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng thành lập các ban chỉ đạo, tổ công tác, đoàn làm việc của Thành viên Chính phủ, các tổ công tác tại địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư phát triển, nhất là các dự án hạ tầng trọng điểm, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Dũng cũng nhấn mạnh vai trò của ngành trong thực hiện ngoại giao kinh tế, nhất là ngoại giao về công nghệ đạt được nhiều thành tựu quan trọng; đẩy mạnh đối thoại kinh tế với các nước đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, các doanh nghiệp lớn toàn cầu… nâng cao vị thế, uy tín đất nước và mở ra các cơ hội, thời cơ, thuận lợi mới cho phát triển.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, tổ chức bộ máy của cơ quan sẽ có sự thay đổi nhưng chức năng, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực kế hoạch, đầu tư, thống kê không thay đổi, thậm chí còn nhiều hơn với yêu cầu, đòi hỏi cao hơn.
Minh Đức
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/viet-nam-tiep-tuc-la-diem-den-hap-dan-cua-dong-von-fdi-toan-cau-ar916824.html