Việt Nam trong dòng chảy thương mại của khối BRICS

Việt Nam trong dòng chảy thương mại của khối BRICS
2 giờ trướcBài gốc
BRICS bắt đầu từ sáng kiến của Goldman Sachs vào đầu những năm 2000, khi chứng kiến sự trỗi dậy của các quốc gia có tiềm năng phát triển vượt bậc gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Đến năm 2009, BRICS chính thức ra đời, đại diện cho chữ cái đầu của bốn nước thành viên đầu tiên. Một năm sau, Nam Phi gia nhập, tạo nên khối BRICS với năm thành viên.
Trong hơn một thập kỷ qua, BRICS không chỉ phát triển về kinh tế mà còn trở thành một liên minh chính trị có tiếng nói mạnh mẽ, đóng góp vào các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là những cải cách tài chính nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nền kinh tế đang phát triển.
Đến năm 2024, BRICS chào đón thêm sáu thành viên mới gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Xê Út và UAE, nâng tổng số thành viên lên 11 nước.
Tầm ảnh hưởng đa chiều của BRICS
Không chỉ giới hạn ở lĩnh vực kinh tế, BRICS hiện đang mở rộng ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực, bao gồm ngoại giao và an ninh quốc tế, góp phần định hình lại trật tự tài chính toàn cầu. Các doanh nghiệp hiểu rõ vai trò của BRICS sẽ nắm bắt được những cơ hội kinh doanh và đầu tư lớn.
BRICS hiện đang thúc đẩy xu hướng phi đô la hóa, đa phương hóa trong thanh toán thương mại quốc tế, tạo ra đối trọng với các tổ chức tài chính phương Tây như IMF và Ngân hàng Thế giới.
Với sự thành lập của Ngân hàng Phát triển mới (NDB), BRICS đã xây dựng nên một cơ chế tài chính tự chủ, giảm phụ thuộc vào các tổ chức tài chính phương Tây và tăng cường quyền tự chủ kinh tế của khối.
Thị trường tiêu dùng khổng lồ
BRICS chiếm 50% dân số toàn cầu, tạo nên một thị trường tiêu dùng khổng lồ. Ấn Độ và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn nhất BRICS – đang dẫn đầu về công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và hàng tiêu dùng cơ bản.
Mỗi quốc gia BRICS có đặc thù dân số riêng. Ấn Độ với dân số trẻ là động lực lớn cho ngành công nghệ và dịch vụ, trong khi Trung Quốc đối mặt với giai đoạn già hóa dân số. Sự khác biệt này là yếu tố quan trọng khi các doanh nghiệp định hướng chiến lược đầu tư và phát triển sản phẩm.
BRICS sở hữu 50% dân số toàn cầu, tạo nên một thị trường tiêu dùng khổng lồ. Ảnh: Hoàng Anh
Với tổng GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD (theo số liệu của IMF năm 2023), BRICS chiếm hơn 30% GDP toàn cầu.
Trong đó, GDP của Trung Quốc đạt hơn 17,9 nghìn tỷ USD, đóng góp hơn 60% tổng GDP của BRICS và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhờ vào sản xuất, công nghệ và thương mại quốc tế, Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng cao, trở thành đầu tàu kinh tế của BRICS.
Với GDP 3,7 nghìn tỷ USD, Ấn Độ duy trì tốc độ tăng trưởng 6-7%/năm, là nền kinh tế lớn thứ hai trong BRICS, với lợi thế dân số trẻ và lĩnh vực công nghệ phát triển, thu hút đầu tư quốc tế.
Trong khi đó, với GDP 2,1 nghìn tỷ USD, Brazil dẫn đầu về nông sản và tài nguyên thiên nhiên, là nhà cung cấp cà phê, đậu nành và đường lớn của thế giới.
Nga có GDP 1,8 nghìn tỷ USD, nổi bật với thế mạnh năng lượng, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, giữ vai trò lớn trong BRICS và trên thị trường năng lượng quốc tế.
Còn Nam Phi với GDP 420 tỷ USD, đang là cửa ngõ của BRICS vào châu Phi, nhờ nguồn khoáng sản phong phú và một số ngành công nghiệp dịch vụ phát triển.
BRICS là thị trường quan trọng hàng đầu của hàng hóa Việt
Kể từ khi BRICS thành lập, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các quốc gia trong khối đã đạt được những bước tiến lớn, đóng góp tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình 16% mỗi năm, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước BRICS đã đạt 198 tỷ USD vào năm 2023, tăng 7,7 lần so với thời điểm BRICS mới thành lập, số liệu được TheLEADER thống kê từ Tổng cục Hải quan.
Không chỉ là khối kinh tế mới nổi, các quốc gia BRICS còn sở hữu thị trường tiêu dùng khổng lồ và đa dạng, từ nhu cầu về hàng tiêu dùng đến công nghệ, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho hàng hóa Việt Nam.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, đồng thời các thị trường như Nga, Ấn Độ và Brazil cũng đang dần khẳng định vai trò là điểm đến chiến lược cho hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, tiềm năng của nhóm kinh tế này sẽ ngày càng lớn đối với hàng hóa Việt khi có thêm sáu nước mới gia nhập từ năm 2024.
Xuất khẩu từ Việt Nam vào BRICS đã tăng trưởng trung bình 21% mỗi năm, đạt 74,7 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Ở chiều ngược lại, hàng hóa nhập khẩu từ BRICS cũng chiếm tới 38% tổng giá trị nhập khẩu của Việt Nam, minh chứng cho tầm quan trọng của khối BRICS trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa.
Hai nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang nhóm này gồm điện thoại, linh kiện điện tử, máy tính, đã duy trì mức tăng trưởng ổn định trong suốt 15 năm qua, thể hiện nhu cầu tiêu dùng lớn và ổn định từ các nền kinh tế BRICS.
Với những bước tiến vững chắc trong hợp tác, BRICS không chỉ là thị trường kinh tế năng động mà còn là cánh cửa mở ra nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam.
Nhật Hạ
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/viet-nam-trong-dong-chay-thuong-mai-cua-khoi-brics-d37635.html