Quy mô xuất nhập khẩu gần 800 tỷ USD, Việt Nam nằm trong top 20 nền kinh tế hàng đầu về quy mô thương mại.
Đến nay, Việt Nam đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác, hầu hết là những nền kinh tế lớn phủ rộng khắp các Châu lục, chiếm gần 90% GDP toàn cầu, đưa nước ta trở thành một trong 20 quốc gia dẫn đầu thế giới về quy mô thương mại quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định và liên tục đạt kỷ lục về xuất siêu.
Theo Cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 786 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 105 tỷ USD so với năm 2023. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp với 24,7 tỷ USD.
Đặc biệt, Việt Nam tiếp tục là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng thương mại, vượt qua nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực.
Việc khai thác hiệu quả FTA thời gian qua đã giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa nước ta tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu
Việt Nam đã tập trung phát triển các ngành hàng có thế mạnh nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giúp Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao bao gồm: Điện thoại và linh kiện, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dệt may, nông sản, thủy sản, cà phê, hạt điều và gạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Sự đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu giúp Việt Nam hạn chế rủi ro phụ thuộc vào một số ngành nhất định và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Nhấn mạnh dấu ấn tăng trưởng kinh tế, thương mại tại Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: "Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu bị chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây, cô lập, đến nay Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập tiệm cận trung bình cao, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, có vai trò chủ động, tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương quan trọng".
Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% (theo chuẩn đa chiều) so với mức hơn 60% năm 1986. Tiềm lực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng; vị thế, uy tín của đất nước không ngừng được nâng cao.
Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ, và năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.
Đà tăng trưởng của thương mại hàng hóa vẫn được giữ vững trong những tháng đầu năm 2025, bất chấp những biến động về địa chính trị, rào cản thương mại và tiêu chuẩn hàng hóa từ nhiều thị trường nhập khẩu được thắt chặt.
Tính đến giữa tháng 4/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt xấp xỉ 120 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu đạt 118,35 tỷ USD, tăng 16,68%
Với kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 4 đã đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước từ đầu năm đến ngày 15/4 đạt 237,97 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ, cán cân thương mại thặng dư 1,27 tỷ USD.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong nước trên 8% và hướng tới mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, xác định xuất khẩu là một trong ba động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế.
Bộ Công thương dự báo, thời gian tới, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do tác động của thuế quan từ Mỹ/, cạnh tranh với nhiều quốc gia cùng mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới gay gắt hơn.
Tại cuộc họp thứ 6 về thuế đối ứng của Mỹ ngày 29/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam nhờ thực hiện nhiều giải pháp, kết quả đàm phán thương mại bước đầu theo chiều hướng tích cực, song vẫn còn thách thức. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan bám sát, nắm chắc tình hình và phản ứng kịp thời, chủ động.
Một trong những giải pháp cụ thể được Thủ tướng nêu là các bộ ngành, cơ quan liên quan phải sớm đàm phán ký hợp đồng mua bán, nhập khẩu các mặt hàng từ Mỹ như khí hóa lỏng (LNG), máy bay, thuốc, vật tư y tế, nông sản.., nhằm đảm bảo cân bằng thương mại bền vững.
Việt Nam cũng đang phối hợp với ASEAN và các nước trong khu vực tiến hành đàm phán, bảo đảm hài hòa lợi ích, cân bằng thương mại bền vững và tương xứng với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN - Mỹ.
Thế Hoàng