Việt Nam trúng thầu 3 lô
Chuyên trang thị trường lúa gạo SSRicenews cho biết, tại kết quả gói thầu gạo khổng lồ của Indonesia tháng 10, các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu 3 lô với số lượng 85.000 tấn (chiếm tỷ lệ 17%).
Ấn Độ tham gia lại thị trường xuất khẩu gạo cũng trúng thầu 3 lô với số lượng 80.500 tấn (chiếm tỷ lệ 16%). Còn các doanh nghiệp sử dụng gạo có nguồn gốc từ Thái Lan và Campuchia trúng thầu tới 200.500 tấn chiếm tỷ lệ 40%.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Được biết, các thông tin chi tiết về giá trúng thầu, tên doanh nghiệp vẫn chưa được công bố đầy đủ. Trong đợt mở thầu lần này, Indonesia mua được gạo với giá tốt hơn khá nhiều so với những lần trước nhờ sự tham gia của Ấn Độ. Tuy vậy, do chất lượng gạo Ấn Độ không tốt bằng các nguồn cung khác như Việt Nam hay Thái Lan chính vì thế lượng gạo trúng thầu không cao. Đối với Việt Nam, do nguồn cung hạn chế do đó không có nhiều doanh nghiệp tham gia dự thầu. Kết quả thầu gạo lần này sẽ giúp ngăn giá gạo thế giới lao dốc sau khi Ấn Độ bỏ giá sàn xuất khẩu gạo trắng non-basmati.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay, tính tới trước khi có kết quả thầu gạo của Indonesia, giá gạo 5% tấm của nước ta là 534 USD/tấn, Thái Lan 506 USD/tấn, Pakistan 474 USD/tấn và Ấn Độ 453 USD/tấn.
Nước ta xuất khẩu 1,98 tỷ USD gạo vào Philippines
Trong những năm gần đây gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Philippines và dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong năm nay.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, xuất khẩu gạo của nước ta sang Philippines hiện vẫn giữ được đà tăng trưởng cao.
Tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường này trong 9 tháng đầu năm nay đạt 1,98 tỷ USD, chiếm 42,86% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Philippines.
Dự báo trong 3 tháng cuối năm, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines tiếp tục tăng cao do nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trong khi mùa vụ cuối năm của Philippines bị thiệt hại do thiên tai.
Tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines trong năm nay có thể đạt 4 triệu tấn, thậm chí 4,5 triệu tấn. Philippines là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của nước ta.
Gạo của Việt Nam có phẩm cấp chất lượng vừa phải, phù hợp với thị hiếu, thói quen tiêu dùng và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân Philippines, từ số lượng lớn dân số có thu nhập trung bình và thấp cho đến các tầng lớp giàu có, giá cả phải chăng nên có tính cạnh tranh.
Nguồn cung gạo Việt Nam cũng ổn định cả về số lượng và giá cả, có thể đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu hàng năm của Philippines. Khoảng cách địa lý gần nên chi phí thấp và thuận tiện trong chuyên chở.
Bên cạnh đó, gạo Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai bên tham gia, như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP)... trong khi các đối tác ngoài ASEAN của Philippines (như Ấn Độ, Pakistan) không có.
Hiện có khoảng 34 mặt hàng/ngành hàng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Philippines; Trong đó có 20 mặt hàng/ngành hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng xuất khẩu dương so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể là gạo tăng 53,3%; cà phê tăng 120,7%; hạt tiêu tăng 37,6%; phân bón các loại tăng 21,6%; sản phẩm từ sắt thép tăng 71,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 42,8%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 64,6%.
Trong 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa Việt Nam và Philippines đạt gần 6,5 tỷ USD, tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt trên 4,6 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2023 và nhập khẩu đạt gần 1,9 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2023.
Thương vụ dự báo rằng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Philippines trong năm nay sẽ lần đầu tiên vượt mức 8 tỷ USD, đạt khoảng 8,5 tỷ USD, trong đó xuất siêu trên 3 tỷ USD.
Bích Ngọc