Việt Nam và Australia hợp tác thúc đẩy ứng dụng năng lượng hydrogen. Ảnh minh họa
Hydrogen đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế phi carbon
Việc phi carbon hóa nền kinh tế để đạt được trạng thái trung hòa khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt trong những thập kỷ tới. Điều này có thể đạt được bằng cách chuyển sang năng lượng tái tạo và liên kết các lĩnh vực năng lượng, công nghiệp, xây dựng và giao thông.
Do việc sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời không ổn định nên cần có các lựa chọn lưu trữ và vận chuyển đáng tin cậy và tiết kiệm chi phí cho lượng năng lượng lớn.
Phi carbon hóa trên quy mô lớn chỉ có thể thành công nếu đáp ứng được các yêu cầu cơ bản này. Và hydrogen (H2) xanh hay H2 phát thải thấp (do sử dụng nguồn năng lượng tái tạo) cung cấp các khả năng này theo cách gần như lý tưởng và cũng có thể được sử dụng làm vật liệu cơ bản hoặc đối tác phản ứng trong ngành công nghiệp chế biến.
Tại Việt Nam, H2 được sử dụng trong vai trò nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ở các ngành công nghiệp lọc dầu, hóa chất, sản xuất phân đạm và gang thép. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Dầu khí, năm 2020, các nhà máy sản xuất phân đạm sử dụng khoảng 316.000 tấn H2, các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn tiêu thụ lần lượt là 39.000 tấn và 139.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đây là H2 xám do được sản xuất nhiên liệu hóa thạch.
Ngành vận tải, đặc biệt là vận tải đường dài, thải ra lượng khí thải lớn và H2 có thể đóng vai trò tốt trong việc giảm phát thải đối với vận tải đường dài và nặng trên đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Hay như với dự án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, H2 có thể đóng vai trò chính trong việc cung cấp năng lượng cho dự án quốc gia này.
Kết quả nghiên cứu của Viện Năng lượng Việt Nam cho thấy, nhu cầu sử dụng H2 phát thải thấp cho phát triển các ngành kinh tế là rất cao. Việt Nam có công suất năng lượng tái tạo lớn và do đó có điều kiện lý tưởng để sản xuất H2 phát thải thấp. Việt Nam cũng có tiềm năng khai thác H2 tự nhiên.
Theo ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Câu lạc bộ Hydrogen Việt Nam ASEAN (VAHC), nhu cầu H2 phát thải thấp sẽ thay đổi tùy theo sự phát triển của công nghệ sản xuất, lưu trữ, sử dụng và phân phối. Hiện công nghệ sản xuất và ứng dụng của H2 phát thải thấp chưa hoàn thiện và còn nhiều rào cản về cơ sở hạ tầng, cần sự đầu tư lớn, chi phí cao, rủi ro về môi trường liên quan đến chất tồn dư, những yêu cầu khắt khe trong việc vận chuyển để đảm bảo an toàn...
Việt Nam không có cơ sở hạ tầng khí đốt tự nhiên như châu Âu hoặc Nhật Bản, cho nên đây sẽ là một thách thức rất lớn nhưng đồng thời lĩnh vực này có không gian lớn để phát triển và mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế.
Hợp tác quốc tế về hydrogen mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam
VAHC, Câu lạc bộ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu về H2 phát thải thấp, đã lên kế hoạch tổ chức một chuỗi diễn đàn, hội thảo song phương với các đối tác quốc tế như Đức (tháng 8/2024), Nhật Bản (tháng 9/2024) và trong thời gian tới là Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada.
Ngày 9/12 tới đây, VAHC phối hợp cùng PV Gas và Công ty Pure Hydrogen (Australia) tổ chức Hội thảo Hydrogen Việt Nam - Australia với chủ đề "Ứng dụng H2 trong vận tải và các hệ thống cung ứng H2 phân tán".
Những chương trình này mang đến cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ, hợp tác chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm phát triển, mở rộng mạng lưới đối tác, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tiếp cận các cơ chế hỗ trợ đầu tư, thực hiện dự án trình diễn ở các lĩnh vực ứng dụng H2 như phát điện, vận tải, hóa chất, lọc dầu, sản xuất thép, thủy tinh, xi măng…
Từ đó hình thành nhu cầu về H2 phát thải thấp tại Việt Nam, tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dự án H2, sản xuất và thương mại trang thiết bị H2 sử dụng trong nước và xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản, EU, Bắc Mỹ.
“Trong chương trình tới đây, chúng tôi sẽ thảo luận về H2 phục vụ giao thông vận tải và các hệ thống cung ứng H2 phi tập trung phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Mục tiêu là thiết lập một loạt các dự án trình diễn vận tải sử dụng năng lượng H2 và hệ thống cung ứng H2 phi tập trung tại Việt Nam để các bên tham gia chính trong lĩnh vực vận tải và cung ứng H2 từ Australia và Việt Nam cũng như khu vực có thể nhìn thấy một thị trường tiềm năng và có thể có động lực truyền cảm hứng để hợp tác cùng nhau.
Dự án trình diễn có thể được thực hiện tại TP HCM hoặc Cam Ranh (Nha Trang) hay Vũng Tàu cùng đối tác Australia. Đồng thời giới thiệu các hệ thống H2 phân tán có thể tích hợp vào cơ sở sản xuất kinh doanh như nhà máy, tòa nhà giúp doanh nghiệp giảm phát thải đến mức thấp nhất.
Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhằm mục đích tìm kiếm sự hỗ trợ từ Australia trong giáo dục và đào tạo về tiêu chuẩn an toàn và thực hành an toàn cho ngành công nghiệp H2”, ông Minh cho biết thêm.
Các diễn giả là chuyên gia đến từ Australia và Việt Nam sẽ chia sẻ lộ trình phát triển H2 tại Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, cũng như lộ trình H2 đến năm 2050 do Chính phủ Australia công bố.
Các cơ hội kinh doanh H2, đặc biệt là khai thác năng lượng H2 trong vận tải và các hệ thống cung ứng phi tập trung của hai nước cũng được chia sẻ, hướng tới khởi tạo quan hệ đối tác giữa công ty Việt Nam và công ty Australia để nắm bắt cơ hội này ở cả khu vực công và tư nhân.
Ngoài ra, hội thảo cũng tập trung thảo luận các nội dung về khả năng thiết lập chuỗi cung ứng H2 giữa Việt Nam và Australia bằng cách khai thác thế mạnh của công nghệ Australia, tài chính xanh và nguồn lực của Việt Nam, cũng như khuyến khích tinh thần đổi mới và khởi nghiệp H2 của doanh nghiệp hai nước có thể mang lại sự hợp tác giữa hai bên.
Tham gia hội thảo, ngoài các thành viên VAHC còn có Tổng lãnh sự Australia tại TP HCM và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Australia tại Việt Nam. Các đại diện đến từ Hội đồng Hydrogen Australia (AHC) và Hội đồng Năng lượng Thông minh (SEC) tham gia theo hình thức trực tuyến.
Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, giao thông vận tải, du lịch, hàng không, tài chính xanh và quỹ khí hậu, các đơn vị quan tâm đến H2 trong nước và quốc tế.
Ngọc Linh