Diễn đàn thu hút hơn 140 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà quản lý và cộng đồng doanh nghiệp đến từ hai quốc gia, như Bộ Công Thương Việt Nam, Đoàn lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các doanh nghiệp địa phương, Bộ Thương mại Campuchia, Ủy ban Đầu tư thuộc Hội đồng Phát triển Campuchia, Phòng Thương mại Campuchia.
Sự kiện do Cơ quan Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia phối hợp Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam-Campuchia (VCBA) đồng tổ chức nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương ngày càng phát triển.
Phát biểu tại đây, Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng nêu rõ, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có chung biên giới, có mối quan hệ hữu nghị truyền thống từ lâu đời. Việc không ngừng củng cố và tăng cường mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp, hợp tác toàn diện cùng có lợi, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm và là nhiệm vụ trọng tâm của Đại sứ quán.
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng: “Đây là diễn đàn có nhiều ý nghĩa, giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tại thị trường mỗi nước trong lĩnh vực thương mại điện tử và kinh tế số, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế ngày càng phát triển giữa Việt Nam và Campuchia trong thời gian tới”.
Năm 2024 là năm kỷ niệm 57 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam Campuchia. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước thời gian qua đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương toàn diện, nhất là trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.
“Chính phủ Hoàng gia Campuchia khóa 7 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Samdech Moha Borvor Thipadei Hun Manet cũng rất quan tâm đến việc thúc đẩy, khai thác tiềm năng, cơ hội hợp tác, kết nối giao thương giữa Campuchia và Việt Nam. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trong thời gian tới”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng cho biết.
Hiện nay, Chính phủ Campuchia coi lĩnh vực kinh tế số là một trọng tâm cần thúc đẩy trong Chiến lược Ngũ giác giai đoạn I nhiệm kỳ 2023-2028. Qua đó, đã thành lập Tổng cục Kinh tế số trực thuộc Bộ Kinh tế-Tài chính từ tháng 6/2023; ban hành Chính sách về phát triển kinh tế số giai đoạn 2021-2035 nhằm tạo khuôn khổ cho sự phát triển của nền kinh tế số quốc gia.
Ông Leng Rithy, Chủ tịch VCBA: “Chúng ta đang sống trong thời đại mà thông tin được chia sẻ với tốc độ nhanh như ánh sáng. Thương mại điện tử là cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Việt Nam và Campuchia có nhiều tiềm năng to lớn trong hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới và kinh tế số”.
Lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới cũng được Campuchia chú trọng thúc đẩy, thông qua hợp tác với Trung Quốc và các nước ASEAN nhằm tận dụng những lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như xu hướng phát triển kinh tế số và thương mại điện tử trên thế giới.
Tại Việt Nam, kinh tế số và thương mại điện tử ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của đất nước. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng trên lĩnh vực này năm 2023 đạt trên 25% so năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025 và định hướng năm 2030 xác định mục tiêu phát triển kinh tế số đến năm 2025 tỷ trọng kinh tế số trên GDP cả nước đạt khoảng 20%.
Tại diễn đàn, các đại biểu thuộc Bộ Công thương Việt Nam, VCBA, Ủy ban Đầu tư thuộc Hội đồng Phát triển Campuchia, Bộ Thương mại và Tổng cục Thuế Campuchia và một số doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều ý kiến nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước láng giềng trong bối cảnh phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông Chea Vuthy, Tổng Thư ký Ủy ban Đầu tư thuộc Hội đồng Phát triển Campuchia: “Trong 11 tháng đầu năm 2024, lượng vốn của Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước đầu tư vào Campuchia, trị giá 557 triệu USD. Trong đó, Công ty Viettel (Cambodia) PTE., LTD đã phát triển thêm các dự án đầu tư dịch vụ viễn thông, điều đó cho thấy sự thành công và niềm tin trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại Campuchia”.
Trong đó bao gồm vấn đề: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về ưu đãi thương mại song phương; Yêu cầu phát triển hệ thống logistics trong bối cảnh hiện nay; Tăng cường kết nối hạ tầng, đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông; Phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và kinh tế số; Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào thương mại điện tử; Tăng cường hợp tác với các đối tác phát triển để tiếp cận công nghệ và dịch vụ tiên tiến.
Theo các số liệu thống kê, trong năm 2024, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia tiếp tục đà tăng trưởng. Kim ngạch thương mại song phương 11 tháng đầu năm đạt 9,2 tỷ USD, tăng 18% so cùng kỳ năm 2023 và dự kiến cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD.
Nguyễn Hiệp - Huy Vũ Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Campuchia