Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị thu hút gần 300 doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia tham dự, với các hoạt động giao thương trực tiếp, trưng bày sản phẩm, giới thiệu dịch vụ trong nhiều lĩnh vực như: nông sản, thủy sản, vật tư nông nghiệp, dệt may, bao bì, thực phẩm, mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, thiết bị điện, máy móc, phân bón, ngân hàng, bất động sản, vận tải và logistics; trong đó, các khu trưng bày sản phẩm với gần 25 gian hàng đã giới thiệu các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, có thế mạnh cạnh tranh của cả hai nước, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu, nhà phân phối và đơn vị bán lẻ.
Các doanh nghiệp cho rằng, hội nghị là cơ hội quảng bá thương hiệu, nắm bắt xu hướng tiêu dùng, yêu cầu kỹ thuật và thị hiếu thị trường; qua đó điều chỉnh chiến lược tiếp cận thị trường hiệu quả hơn. Với doanh nghiệp Campuchia, đây là dịp quan trọng để tìm hiểu năng lực sản xuất, tiềm lực phát triển của Việt Nam, góp phần đa dạng hóa nguồn cung và nâng cao giá trị chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt; trong đó, kinh tế - thương mại là lĩnh vực được lãnh đạo hai nước ưu tiên thúc đẩy. Do đó, Hội nghị nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước trao đổi thông tin thị trường, tìm hiểu nhu cầu, năng lực sản xuất, khả năng cung ứng hàng hóa – dịch vụ, từ đó mở rộng mạng lưới đối tác và khai thác hiệu quả các ưu đãi thương mại song phương.
Theo ông Đỗ Quốc Hưng, trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động, việc tăng cường kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò thiết yếu nhằm duy trì chuỗi cung ứng ổn định, khai thác tối đa các hiệp định thương mại hiện có và hỗ trợ doanh nghiệp hai nước nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội nghị lần này là một trong những hoạt động cụ thể, thiết thực, không chỉ góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kim ngạch song phương bền vững, mà còn tạo tiền đề xây dựng một hệ sinh thái hợp tác thương mại hiện đại, hiệu quả và cân bằng hơn giữa hai nền kinh tế.
Ông Oknha Leng Rity, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia cho rằng, các doanh nghiệp Campuchia đang ngày càng quan tâm đến việc tiếp cận hàng hóa, công nghệ và mô hình quản trị từ Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ logistics. Thông qua Hội nghị lần này, nhiều doanh nghiệp Campuchia đã có cơ hội khảo sát thực tế, tìm kiếm nhà cung cấp đáng tin cậy, hướng tới xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược lâu dài.
Lễ ký kết giữa phòng Thương mại Campuchia (CCC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia (VCBA).
Ông Oknha Leng Rity cũng bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các hoạt động xúc tiến thương mại thường kỳ, có chiều sâu, đi vào thực chất; đồng thời thiết lập cơ chế hợp tác linh hoạt giữa các hiệp hội doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, chia sẻ thông tin thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp cùng phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập khu vực ngày càng sâu rộng.
Dịp này, Phòng Thương mại Campuchia (CCC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Campuchia (VCBA) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác, thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy chia sẻ thông tin thị trường và triển khai các chương trình xúc tiến chung trong thời gian tới.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Campuchia đạt 6,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến Campuchia đạt 2,7 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2024; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 3,5 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Tin, ảnh: Thu Hương (TTXVN)