Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25 đến 27/5/2025.
Sau nửa thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Pháp có nhiều bước phát triển rất hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Vào tháng 10/2024, nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Với quyết định này, Pháp trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu thiết lập mối quan hệ này với Việt Nam.
Ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyến thăm
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Emmanuel Macron kể từ khi nhậm chức năm 2017 và tái đắc cử năm 2022.
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với quan hệ song phương, đặc biệt sau khi hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng và cam kết mạnh mẽ của lãnh đạo cấp cao Pháp đối với việc củng cố và phát triển quan hệ với Việt Nam, đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất và hiệu quả.
Đây là cơ hội tuyệt vời để lãnh đạo hai nước cùng thống nhất những bước đi mới từ chính trị, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục để cụ thể các khuôn khổ đã định ra trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Nhiều lĩnh vực cụ thể đang được hai bên bàn thảo sâu như thúc đẩy các ưu tiên kinh tế-thương mại-đầu tư, tăng cường hợp tác quốc phòng-an ninh, đổi mới sáng tạo, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế. Việc ký kết các thỏa thuận hợp tác mới trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ tạo động lực và cơ sở pháp lý quan trọng cho các hoạt động hợp tác những năm tới.
Chuyến thăm cũng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu nhân dân, tăng cường trao đổi văn hóa và hữu nghị truyền thống giữa nước.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng phát biểu tại Tọa đàm xúc tiến đầu tư Việt-Pháp được tổ chức ngày 15/5.
Những bước phát triển nổi bật trong quan hệ song phương
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam-Pháp đã chính thức được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 10/2024, đánh dấu một cột mốc to lớn sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược. Việc nâng cấp này đã tạo nền tảng quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả.
Về chính trị-ngoại giao, trao đổi giữa hai nước tăng mạnh và thắt chặt hơn. Các cơ chế hợp tác được mở rộng như việc tổ chức phiên Đối thoại Biển lần đầu tiên giữa hai Bộ Ngoại giao. Chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là sự tiếp nối quan trọng chuyến thăm Pháp và dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là dịp để tăng cường tin cậy chính trị ở cấp cao nhất giữa hai bên, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của Việt Nam và Pháp trong việc hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng
Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, hai nước tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hợp tác trong các vấn đề toàn cầu, như tại Hội nghị Thượng đỉnh về Trí tuệ nhân tạo tại Paris (2/2025), Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu P4G (4/2025) và sắp tới là Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc ở Nice (6/2025).
Về quốc phòng-an ninh, đây tiếp tục được coi là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện sự tin cậy chiến lược giữa hai nước. Chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh gần đây của Tàu hộ tống đa nhiệm Provence thuộc Nhóm tác chiến tàu sân bay Pháp thăm khu vực (3/2025) thể hiện sự tiếp nối các trao đổi giữa hai nước trên tinh thần cùng nhau hợp tác đóng góp cho hòa bình và bảo đảm an ninh, tự do hàng hải tại khu vực, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về kinh tế-thương mại-hợp tác phát triển, có thể ghi nhận sự gia tăng quan tâm từ các đối tác, doanh nghiệp Pháp đối với hợp tác với Việt Nam. Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đang thúc đẩy nhiều dự án mới với Việt Nam, trong đó có các dự án liên quan đến phát triển năng lượng sạch và bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Nhiều đoàn đại biểu doanh nghiệp và bộ, ngành kinh tế Pháp, trong đó có Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp đã đến Việt Nam trao đổi, tìm hiểu khả năng hợp tác trong những lĩnh vực chiến lược và dự án hàng đầu của Việt Nam về năng lượng và cơ sở hạ tầng, giao thông. Kim ngạch thương mại song phương cả năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 11%, đạt hơn 5,4 tỷ USD.
Hợp tác y tế ngày càng khẳng định vai trò quan trọng và trở thành điểm sáng trong quan hệ Việt-Pháp với việc thúc đẩy hợp tác sản xuất một số loại vaccine tại Việt Nam giữa Trung tâm Tiêm chủng VNVC và Tập đoàn Sanofi được tiến hành ngay sau khi hai nước chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Hợp tác giữa các địa phương cũng tiếp tục có những kết nối mới. Tháng 2/2025, thành phố Đà Nẵng và thành phố Le Havre chính thức ký kết thỏa thuận thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển cảng biển, chuyển dịch sinh thái, đổi mới số. Việt Nam và Pháp cũng đang xúc tiến công tác chuẩn bị cho Hội nghị hợp tác giữa các địa phương lần thứ 13 dự kiến tổ chức vào năm 2026 tại Pháp.
Giai đoạn mới của quan hệ hợp tác và hữu nghị
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy sự phát triển của quan hệ Việt Nam-Pháp trong thời gian tới.
Thứ nhất, nhân tố mới từ việc nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm mức chiến lược toàn diện đang mở ra không gian hợp tác rộng lớn hơn, sâu sắc hơn, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và mang tính chiến lược, phù hợp với lợi ích và tiềm năng của cả Việt Nam và Pháp. Các trao đổi cấp cao và ở các cấp khác nhau giữa hai nước đang tiếp tục tạo điều kiện triển khai và khai thác quyết tâm chính trị này.
Thứ hai, trong một thế giới đang có nhiều biến chuyển hiện nay, hai nước tiếp tục chia sẻ một sự tương đồng về tầm nhìn trên nhiều vấn đề quan trọng. Đó là phải tăng cường hợp tác để đem lại thịnh vượng chung. Đó là cùng theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững. Đó là phải nỗ lực để ứng phó với các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh phi truyền thống và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, gìn giữ hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Thứ ba, hai nước tiếp tục có nhiều thế mạnh để tương tác, tạo thuận lợi, hỗ trợ cho nhau trong việc thực hiện các chiến lược phát triển và nâng cao vị thế của mỗi nước. Các doanh nghiệp, tập đoàn Pháp có thế mạnh về công nghệ cao, năng lượng, hạ tầng, y tế, dược phẩm, hàng không vũ trụ, trong khi Việt Nam có thị trường nội địa tiềm năng, nguồn nhân lực dồi dào và đang hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Không chỉ dừng ở quan hệ song phương, Pháp còn là một trong những đối tác ủng hộ mạnh mẽ quan hệ của Việt Nam với EU, trong khi Việt Nam là một nước mà Pháp có quan hệ chặt chẽ trong khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa ảnh hưởng về chính trị và kinh tế trong ASEAN cũng như tại châu Á-Thái Bình Dương.
Thứ tư, tất cả các nhân tố truyền thống vẫn thực sự là nền tảng quan trọng cho duy trì và thắt chặt quan hệ giữa hai nước, từ sự chia sẻ lịch sử và giao thoa văn hóa sâu sắc, từ sự gần gũi và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc, đến sự tích cực của cộng đồng người Việt Nam và bạn bè Việt Nam tại Pháp như nêu ở trên và đặc thù của mối quan hệ lan tỏa đến từng địa phương, vùng miền, con người hai bên.
Tăng cường hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo
Trong bối cảnh khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là ưu tiên hàng đầu cho sự vươn lên của Việt Nam thể hiện của qua Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Pháp cũng xác định đây là lĩnh vực có tính đột phá cho việc duy trì và phát triển của nước Pháp thời gian tới.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng nhận định: Cùng với việc hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với những nội dung toàn diện, Pháp và Việt Nam hoàn toàn có thể tăng cường hợp tác một cách hiệu quả để phát huy tiềm năng và thế mạnh của cả hai bên trong thời gian tới thông qua các hướng sau:
Thứ nhất, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu chung, khuyến khích và tạo điều kiện cho các trường đại học, viện nghiên cứu và trung tâm khoa học của hai nước thiết lập các chương trình nghiên cứu chung trong các lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu phát triển như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc cùng nhau giải quyết các thách thức khoa học sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai quốc gia. Đặc biệt, hai bên dự kiến ký kết Hiệp định hợp tác về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực này.
Thứ hai, tăng cường trao đổi chuyên gia và sinh viên thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học, kỹ sư, nhà nghiên cứu và sinh viên trao đổi, học tập và làm việc tại các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp của nhau. Như vậy Việt Nam có thể tiếp cận được kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của Pháp. Đồng thời, điều này cũng tạo cơ hội cho Pháp hiểu rõ hơn về tiềm năng và nhu cầu phát triển khoa học-công nghệ của Việt Nam.
Tôi tin rằng, với sự cam kết và nỗ lực từ cả hai phía, sự hợp tác mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ đóng góp quan trọng vào việc phát huy thế mạnh của Pháp và tạo ra những bước phát triển đột phá, toàn diện cho Việt Nam trong tương lai.
Đại sứ Đinh Toàn Thắng
Thứ ba, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Pháp có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển với nhiều vườn ươm khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm và các khu công nghệ cao.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Pháp trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái của mình, thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Hai bên cần khuyến khích sự hợp tác giữa các vườn ươm, khu công nghệ cao và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của hai nước.
Thứ tư, chuyển giao công nghệ nghệ tiên tiến từ Pháp sang Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường, sẽ giúp Việt Nam rút ngắn quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Cùng với đó, cần chú trọng đến việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và quản lý công nghệ của Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo và tư vấn từ các chuyên gia Pháp.
Thứ năm, thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, tạo cầu nối và khuyến khích sự hợp tác giữa các doanh nghiệp công nghệ của Pháp và Việt Nam, từ các tập đoàn lớn đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như công nghệ số và các giải pháp thông minh. Việc hợp tác kinh doanh sẽ thúc đẩy quá trình ứng dụng và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Và cuối cùng, hai nước cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các hoạt động hợp tác khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và cung cấp các chính sách ưu đãi phù hợp.
KHẢI HOÀN - MINH DUY Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Pháp