Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề cập những thế mạnh nổi bật của Việt Nam về nguồn nước. Trong đó, Việt Nam có hơn 830 tỷ m3 nước mặt hàng năm, nhưng đã phát triển kỹ thuật sử dụng hiệu quả trong điều kiện phân bổ không đồng đều theo địa lý, mùa vụ trong năm và biển đổi khí hậu. Diện tích tưới tiêu có kiểm soát đạt hơn 7,8 triệu ha, tương đương khoảng 25% diện tích đất nông nghiệp, với hơn 100 công trình thủy lợi lớn và hàng nghìn công trình quy mô nhỏ, đa chức năng phục vụ trồng trọt và dân sinh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long làm việc với Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Nước sạch Senegal Cheikh Tidiane Dieye
Thời gian qua, Việt Nam đã triển khai các mô hình tưới nước tiết kiệm như: tưới luôn phiên cho lúa nước, giúp giảm 30% lượng nước sử dụng và tăng 15-20% năng suất. Việt Nam có kinh nghiệm thực tiễn và chi phí hợp lý trong xây dựng, vận hành hệ thống cấp nước nông thôn, xử lý nước ngầm nhiễm mặn, nước mưa… thích ứng điều kiện thực tế “sống chung với lũ” tại những địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu tác động của sông Mekong, hoặc các địa phương miền Bắc ảnh hưởng từ sông Hồng...
Phó Thủ tướng Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Nước sạch Senegal đã trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm mở rộng không gian hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thủy lợi và nguồn nước.
Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Senegal để chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực như quy hoạch thủy lợi và quản lý nguồn nước, xây dựng dự án, đào tạo nâng cao năng lực. Cụ thể, về chuyển giao công nghệ và mô hình tiết kiệm nước, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ thí điểm mô hình tưới luân phiên cho vùng canh tác nông nghiệp; áp dụng công nghệ lọc nước đơn giản, chi phí thấp, phù hợp vùng sâu, vùng nông thôn.
Hai bên cũng đề cập cơ hội hợp tác nâng cao năng lực và đào tạo. Việt Nam sẵn sàng cử chuyên gia sang hỗ trợ kỹ thuật ngắn hạn; trao đổi chuyên gia, sinh viên Senegal sang nghiên cứu, học tập tại các viện, trường học của Việt Nam. Phó Thủ tướng cho rằng, cơ sở chính trị tin cậy, mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước là nền tảng thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực sắp tới.
Hai bên xem xét hợp tác nghiên cứu và ứng phó với biến đổi khí hậu: cùng nghiên cứu, chia sẻ dữ liệu và triển khai hệ thống giám sát nguồn nước, cảnh báo hạn, lũ. Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường làm đầu mối thống nhất để thiết lập nhóm công tác song phương trong lĩnh vực thủy lợi và quản lý nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ làm việc với các bộ, ngành tương ứng của Senegal để cụ thể hóa từng hạng mục hợp tác; phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal duy trì liên lạc, giám sát tiến độ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Nước sạch Senegal Cheikh Tidiane Dieye cùng các đại biểu tham dự cuộc làm việc chụp ảnh lưu niệm
Nhóm công tác Nam – Nam của Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét đề xuất đưa hợp tác Senegal vào kế hoạch ưu tiên xây dựng dự án vận động tài trợ trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị hai bên chỉ định đầu mối liên lạc để xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể trình Chính phủ hai nước.
Theo Phó Thủ tướng, việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thủy lợi và nguồn nước giữa hai bên đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông thôn và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bày tỏ thống nhất cao những ý kiến và đề nghị của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi và Nước sạch Senegal Cheikh Tidiane Dieye bày tỏ tin tưởng cơ hội thiết lập đối tác về lĩnh vực thủy lợi và chia sẻ kinh nghiệm quản lý nguồn nước mà hai nước có tiềm năng, thế mạnh; qua đó học hỏi lẫn nhau, góp phần nâng cao năng lực quản trị nguồn nước xuyên biên giới.
Cho rằng, vấn đề này đem lại nhiều cơ hội và thách thức, Bộ trưởng Cheikh Tidiane Dieye nhấn mạnh, hai bên cần tăng cường hợp tác về quản trị nguồn nước. Senegal mong muốn Việt Nam có thể chia sẻ kinh nghiệm trong tham gia hoạt động tại Ủy ban Sông Mekong. Senegal cũng sẵn sàng chia sẻ những thành công trong ngoại giao về quản trị nước.
Senegal nằm ở Tây Phi, có hệ thống sông ngòi quan trọng, đặc biệt là sông Senegal, chảy qua nhiều quốc gia; vì thế Senegal trở thành một quốc gia trung tâm trong việc quản trị các lưu vực sông xuyên quốc gia. Senegal nhiều năm qua rất tích cực trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực để đảm bảo an ninh nguồn nước lâu dài.
Phạm Thúy (Từ Thủ đô Dakar, Senegal)