Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Hoa Kỳ

Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Hoa Kỳ
6 giờ trướcBài gốc
Đó là chia sẻ của đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) Bùi Thị Việt Lâm bền lề Diễn đàn hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ với chủ đề “Đổi mới sáng tạo hướng tới phát triển bền vững”, do Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Đại học Troy (Hoa Kỳ) vừa phối hợp tổ chức.
- Ngoài các lợi thế về vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do, chúng ta còn những điểm gì hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hoa Kỳ, thưa bà?
Theo tôi, ngoài những điểm hấp dẫn nói trên, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn với doanh nghiệp Hoa Kỳ vì Việt Nam là quốc gia có nền chính trị ổn định. Thứ hai là sức hấp dẫn của thị trường hơn 100 triệu dân. Thứ ba là những chính sách, môi trường đầu tư ổn định và những nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn cho các nhà đầu tư.
Đại diện Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) Bùi Thị Việt Lâm
Bên cạnh đó, sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam chưa thể nói hết qua các con số. Như chúng ta thấy, năm 2023 Việt Nam là điểm đến của rất nhiều những lãnh đạo doanh nghiệp lớn, những tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn hàng đầu của Hoa Kỳ, ví dụ như: Google, Apple, Meta… Chúng ta cũng thấy, đã có nhiều dự án rất lớn của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam. Đây là các dự án có tính dẫn dắt về mặt công nghệ, ví dự như dự án của tập đoàn Amkor Technology đầu tư về thiết kế, đóng gói chip bán dẫn.
Có nhiều doanh nghiệp Mỹ kinh doanh bày tỏ ý định mở rộng sự hiện diện của họ, hoặc đầu tư các dự án mới về mặt công nghệ tại Việt Nam hay đầu tư về dịch vụ công nghệ mới nổi như: điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu…
Ngài ra, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hoa Kỳ họ cũng quan tâm đến các lĩnh vực khác như: hạ tầng và năng lượng… Họ đã và đang đầu tư ở Việt Nam và họ cũng có mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư ở những lĩnh vực này tại Việt Nam.
- Ngoài những tiềm năng như đã nói, theo bà chúng ta cần làm gì để các nhà đầu tư mạnh tay xuống vốn tại Việt Nam?
Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng thứ nhất là chúng ta phải tháo gỡ được những điểm nghẽn về mặt thể chế. Trong những năm vừa qua, Việt Nam đang nỗ lực rất mạnh mẽ trong quá trình xây dựng các luật mới, sửa đổi, bổ sung các luật, bộ luật cũ. Cải cách thủ tục hành chính, có những quy định nhằm tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư, kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những điểm nghẽn cần tham vấn chặt chẽ hơn và nâng cao hiệu quả thực thi, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thật sự thông thoáng. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Thực tế, Chính phủ và các bộ, ngành đã lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp rất nhiều. Chúng tôi mong rằng, việc cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được thực hiện hiệu quả trong thời gian tới.
Chúng ta cần nhìn sang các nước trong khu vực, họ cũng nỗ lực để tạo môi trường đầu tư thông thoáng, có những chiến lược nhằm thu hút những doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ và các nước khác vào đầu tư. Cần có sự so sánh, đối chiếu để có thêm động lực đổi mới hơn nữa các chính sách, tinh gọn các thủ tục hành chính… nhằm thu hút đầu tư nước ngoài một cách mạnh mẽ.
- Cụ thể, theo bà chúng ta nên điều chỉnh những chính sách nào, tinh gọn thủ tục hành chính ở những khâu nào để tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn?
Chúng tôi thấy rằng, trong các luật có những điều rất thông thoáng về mặt chủ trương. Tuy nhiên, những nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành và trong quá trình thực thi lại có những khâu, đoạn vướng mắc. Ví như trong các thủ tục cấp phép… đơn của như việc xin cấp phép chuyển dữ liệu ra nước ngoài, hay việc phải xin các giấy phép con…
Mặc dù vậy, chúng tôi cũng thấy rất mừng vì ý kiến của các doanh nghiệp đã được Chính phủ và các bộ, ngành lắng nghe. Bởi vì để duy trì sự lưu chuyển tự do của dòng chảy thông tin, dữ liệu xuyên biên giới đóng vai trò cốt yếu đối với những ngành kinh tế mũi nhọn mới nổi hiện nay như: trí tuệ nhân tạo, kinh tế dữ liệu…
Sự lắng nghe ấy đã được cụ thể hóa bằng việc xây dựng các luật mới rất quan trọng. Ví dụ như, hiện nay, dự án Luật Dữ liệu đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
Tôi cho rằng, Chính phủ cũng như các bộ, ngành cũng đã rất nỗ lực trong việc cải cách thủ tục hành chính, rà soát, cắt giảm các loại giấy phép con nhằm tạo môi trường thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
- Xin cảm ơn bà!
Đức Hiệp lược ghi
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/viet-nam-van-la-diem-den-hap-dan-voi-doanh-nghiep-hoa-ky-post396767.html