Khát vọng đưa “tổ đại bàng” về Việt Nam
“Chúng tôi sẽ không chỉ làm tổ đón đại bàng, mà muốn di dời cả tổ đại bàng về Việt Nam”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chia sẻ trong một cuộc trò chuyện khá đặc biệt vào cuối năm 2024. Xung quanh ông là đội ngũ nhân sự chủ chốt của VIMC và một số đồng nhiệm, nhưng ở khu vực kinh tế tư nhân.
Trước đó, ông Tĩnh đã nhắc đến khát vọng đưa ngành hàng hải Việt Nam lên tầm cao mới, tham vọng cạnh tranh trực tiếp với Singapore, Malaysia và xa hơn, với quyết định bắt tay với Mediterranean Shipping Company (MSC), hãng tàu biển lớn bậc nhất thế giới, có trụ sở tại Geneva (Thụy Sỹ). Chiến lược là phát triển đội tàu container quốc tế của Việt Nam và đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ USD.
“MSC có năng lực chuyên chở của đội tàu đạt trên 23 triệu Teu/năm, chiếm 18% tổng năng lực vận tải đội tàu thế giới. Các tuyến dịch vụ của MSC đang kết nối tới hơn 500 cảng biển toàn cầu. Quyết định đầu tư cảng Cần Giờ, họ sẽ di dời một phần hoạt động trung chuyển của hãng tàu về Việt Nam. Nghĩa là “tổ đại bàng” về Việt Nam, sẽ kéo theo nhiều đại bàng đến Việt Nam. Tất nhiên, còn rất nhiều việc phải làm, nhưng con đường đã rất rõ”, ông Tĩnh chia sẻ bài toán chiến lược của VIMC.
Mọi việc có lẽ sẽ không quá đặc biệt nếu khoảng chục năm trước, VIMC - khi đó là Vinalines đứng trước bờ vực phá sản sau chặng đường vinh quang, là niềm tự hào của Việt Nam trước đó. Ông Tĩnh vẫn nhớ những ngày đầu tiên khi bắt đầu hành trình tái cơ cấu, chuyển thành VIMC cách đây 4 năm, dòng chữ được dán ở thang máy, nơi tất cả cán bộ, nhân viên đều phải đi qua là “thay đổi hay là chết”. Thoái vốn ngoài ngành, cắt giảm, giải thể, sáp nhập, phá sản nhiều doanh nghiệp thành viên là giải pháp mà Công ty đã làm, để giảm từ 83 đầu mối còn 34 và sẽ thu hẹp tiếp. Văn phòng từng có 400 người, 31 phòng ban, giờ còn 130 người, 10 phòng ban; đang áp dụng hệ thống quản lý hiện đại, với sự tư vấn chiến lược của chuyên gia hàng đầu thế giới...
Nhiều việc rất khó, với doanh nghiệp nhà nước còn khó hơn do cơ chế, chính sách và lịch sử 30 năm hình thành, phát triển, nhưng ông Tĩnh cho biết, mọi người đều đồng lòng làm không chỉ vì kế hoạch được giao, mà còn vì khát khao thay đổi, làm sống lại doanh nghiệp, có mặt trong sự phát triển của đất nước.
“Hiện giờ, dòng chữ chúng tôi chọn để chạy ở thang máy là kết nối thế giới”, ông Tĩnh nói, với sự tự hào không che giấu.
Tâm thế trong thời điểm “ngàn năm có một”
Khi chia sẻ câu chuyện hồi sinh của VIMC với lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Hồng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Eurowindow nói, không phải để so sánh doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân.
Là Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ, nơi tập hợp những doanh nhân tiêu biểu, được Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam bình chọn trong 25 năm qua, kể từ năm 1999 đến nay, ông Hồng có một “liên minh Sao Đỏ” với nhiều tên tuổi lớn, như ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Geleximco; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thaco; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả… Chiến lược trọng yếu của liên minh này là hóa giải thách thức khó liên kết của doanh nghiệp Việt. Câu lạc bộ đang đỡ đầu nhiều dự án khởi nghiệp, là đầu mối của nhiều cơ hội đầu tư - kinh doanh, nhất là sau hàng loạt cuộc tiếp xúc, làm việc với các địa phương khi tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vẫn rất khó khăn sau dịch bệnh...
Nhưng lần này, cơ hội được nhìn nhận với tâm thế mới, là sự hợp tác giữa các doanh nghiệp lớn trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân; trên cùng một mục tiêu, là tạo nên các chuỗi giá trị của người Việt, xây dựng các liên minh của người Việt để đi ra nước ngoài, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Phải cùng nhau làm ra miếng bánh to hơn, tạo thêm nhiều lợi ích hơn, thay vì chen nhau trông vào thị trường trong nước, vào miếng bánh hiện hữu đang bị cạnh tranh gay gắt”, ông Hồng chia sẻ.
Đây là điều giới kinh doanh đang nói, thay vì những so bì lâu nay giữa 2 khu vực doanh nghiệp trong nước. Như vậy, các kế hoạch nhiều tâm sức, nguồn lực để đủ điều kiện tham gia các dự án, công trình lớn của quốc gia đã, đang thành hình, như sân bay Long Thành, các tuyến đường cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II, dự án đường sắt tốc độ cao... cũng như các dự án công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao... sẽ không chỉ là của doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước.
Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse còn khẳng định, đây là thời cơ “ngàn năm có một” của những doanh nhân sinh ra ở thời đại này.
“Tôi vừa đi Hàn Quốc, họ muốn bán nhà máy bán dẫn với mức giá chỉ khoảng 50 triệu USD, trong khi nếu đầu tư mới là 150-200 triệu USD. Tôi cũng vừa sang Trung Quốc, thăm 1 nhà máy sản xuất màn hình Oled, họ đang muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam... Đây là thời cơ của các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ thay thế sản phẩm từ Trung Quốc, đón nhận được dòng vốn đang dịch chuyển. Đón được cơ hội này, các doanh nghiệp Việt sẽ lột xác”, ông Phú nói.
Những điểm nhấn của “cơ hội ngàn năm” này rất rõ, gồm xu thế chuyển đổi kép, vị trí địa chính trị của Việt Nam và đặc biệt là những dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể phức tạp hơn.
“Miếng bánh lớn hơn” được hình dung là sẽ không chỉ đến cho các doanh nghiệp lớn. Vì sau những cái bắt tay giữa Vingroup, FPT, Vietel với NVIDIA trong lĩnh vực AI, bán dẫn, hay quyết định đi ra nước ngoài nghiên cứu công nghệ liên quan đến đường sắt, chuẩn bị mọi nguồn lực để đáp ứng các tiêu chí lựa chọn làm nhà thầu cho dự án đường sắt cao tốc..., các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các mối liên kết đều được hưởng lợi. Các mô hình kinh doanh mới, dựa trên công nghệ, Internet, sáng tạo trên nền tảng số... đều có chỗ.
“Không thể có lần hai nếu muốn góp mặt vào sự thay đổi mang tính bước ngoặt của kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi thực sự, với tốc độ rất nhanh để không bị bỏ qua”, ông Phú tin tưởng.
Sự phồn vinh đến sớm
Trong nhìn nhận của TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đang đứng trước những cơ hội lớn từ sự chuyển dịch dòng vốn hay các xu thế phát triển.
“Sự thay đổi rất lớn trong tư duy xây dựng thể chế theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhất là quyết tâm bỏ tư duy không quản được thì cấm trong tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, trong hoàn thiện cơ chế, chính sách, doanh nghiệp sẽ có môi trường để lớn mạnh, chắc chắn như vậy”, ông Cung khẳng định.
Không thể có lần hai nếu muốn góp mặt vào sự thay đổi mang tính bước ngoặt của kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi thực sự, với tốc độ rất nhanh để không bị bỏ qua.
Phải nhắc lại, 25 năm trước, khi Luật Doanh nghiệp 1999 với tư duy “doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm” có hiệu lực, số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2000 đã tương đương số lượng doanh nghiệp của 10 năm trước đó. Chính đội ngũ này đã tạo sinh khí phát triển mới, mang lại cho nền kinh tế một tư thế mới, đĩnh đạc và tự tin trong hệ thống kinh tế thế giới mà Việt Nam vừa nhập cuộc.
Nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn của Việt Nam ra đời chính trong thời điểm này.
Tuy nhiên, vẫn còn tới 96% doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa. Thậm chí, xu hướng li ti hóa, thiếu doanh nghiệp cỡ vừa, tâm lý “ngại lớn, không dám lớn” vẫn đang tồn tại, thể hiện rõ ở tốc độ chậm lại trong đầu tư của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong vài năm qua. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh, nhưng một phần do những ách tắc, nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh.
“Có thể hình dung, môi trường kinh doanh như đường cao tốc 5 làn, nếu đóng 2-3 làn, đặt nhiều trạm kiểm soát thì vận tốc chạy xe sẽ phải giảm, có thể phải dừng lại để chờ đợi, rủi ro không thể tính được. Giờ bỏ tư duy không quản được thì cấm, thay vào đó là tư duy thúc đẩy, khuyến khích phát triển, đường sẽ thông, doanh nghiệp được chạy tối đa vận tốc, vòng quay tiền nhanh, cơ hội sẽ sớm thành của cải, vật chất...”, ông Cung lý giải.
Đang có dự báo là Việt Nam sẽ lọt top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới trước năm 2030. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu. Con số này tăng so với 433 tỷ USD và vị trí 34 của năm 2023, tăng đáng kể so với thứ 37 của năm 2020. Tuy nhiên, nếu quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) để so sánh sức mạnh kinh tế giữa các quốc gia, thì IMF dự báo, GDP tính theo PPP của Việt Nam năm 2024 là khoảng 1.559 tỷ USD, đứng thứ 25/192 trên thế giới và có thể đạt khoảng 2.343 tỷ USD vào năm 2029, chính thức có mặt trong top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, sánh ngang với Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Indonesia, Đức, Nga, Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh, Pháp, Mexico, Italia, Hàn Quốc, Ả Rập - Xê Út, Tây Ban Nha, Canada, Ai Cập và Bangladesh.
Dự báo này đã vượt xa so với Báo cáo nghiên cứu Thế giới năm 2050 của PricewaterhouseCoopers (PwC) đưa ra vào năm 2017. Theo đó, thời điểm Việt Nam gia nhập Top 20 là năm 2050, với GDP (PPP) là 3.176 tỷ USD.
Năm 2025, Chính phủ đang đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, cao hơn rất nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao. Nghĩa là, Việt Nam không chỉ muốn về đích sớm, mà còn nhanh chóng đứng chung sân với các nền kinh tế lớn nhất, tạo đà chinh phục các cột mốc kế tiếp.
Cơ hội mang tính bước ngoặt, “ngàn năm có một” không chỉ đến với cộng đồng kinh doanh...
Khánh An