Theo công bố năm 2023 của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng bô xít của thế giới đạt khoảng 31 tỷ tấn. Trong đó, trữ lượng bô xít ở Việt Nam đạt khoảng 5,8 tỷ tấn, đứng thứ 2 thế giới.
Guinea là quốc gia có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới. 5 quốc gia có trữ lượng bô xít lớn nhất thế giới gồm có: Guinea (7,4 tỷ tấn), Việt Nam (5,8 tỷ tấn), Úc (5,1 tỷ tấn), Brazil (2,7 tỷ tấn), Jamaica (2 tỷ tấn).
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, quặng bô xít phân bố chủ yếu ở khu vực nhiệt đới, Địa Trung Hải và vành đai xung quanh xích đạo. Các khu vực có nhiều quặng bô xít như Úc, Nam và Trung Mỹ (Jamaica, Brazil, Surinam, Venezuela, Guyana), châu Phi (Guinea), châu Á (Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam) và châu Âu (Hy Lạp, Nga).
Bô xít là một loại quặng nhôm. Từ bô xít có thể tách ra Alumin (Al2O3 - nguyên liệu chính để luyện nhôm trong các lò điện phân). Quá trình sản xuất nhôm từ quặng bô xít trải qua hai công đoạn quan trọng: Sản xuất alumin (Al2O3) theo công nghệ Bayer và điện phân Alumin thành nhôm (Al).
Trên thực tế, bô xít là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ảnh minh họa
Theo Bộ Công thương, tiềm năng quặng bôxít rất lớn và có chất lượng tốt của vùng Tây Nguyên là lợi thế rất lớn của Việt Nam trong việc tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp khai thác, chế biến bô xít phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ở Việt Nam, quặng bô xít có hai loại chính, gồm bô xít nguồn gốc trầm tích tập trung ở các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Sơn La và Nghệ An.
Tại Việt Nam, tỉnh Đắk Nông đứng đầu cả nước về trữ lượng bô xít. Bô xít ở Đắk Nông chiếm khoảng 1/3 diện tích toàn tỉnh.
Theo quy hoạch khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 866 ngày 18/7/2023 (Quyết định 866), Đắk Nông tiếp tục đứng đầu cả nước với tổng trữ lượng quặng bô xít gần 1,8 tỷ tấn (chiếm hơn 57% trữ lượng). Diện tích bô xít được quy hoạch thăm dò, khai thác của Đắk Nông trong thời kỳ này khoảng 179.600 hecta, chiếm 27% diện tích tự nhiên của tỉnh và rộng nhất cả nước.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ đầu tư mới nhiều dự án khai thác bô xít. Đến năm 2030, sẽ nâng công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ lên khoảng 2 triệu tấn/năm; đầu tư mới 4 dự án sản xuất alumin tại Đắk Nông, với công suất tối thiểu 1 triệu tấn alumin/năm trở lên.
Về sản xuất nhôm kim loại, từ nay đến 2030 sẽ hoàn thành thí điểm dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với công suất từ 300.000 tấn nhôm thỏi/năm, mở rộng 450.000 tấn nhôm thỏi/năm. Đầu tư mới các dự án sản xuất nhôm kim loại tại Đắk Nông.
Trước tiềm năng về bô xít lớn, tỉnh Đắk Nông xác định phát triển sản xuất công nghiệp Alumin, luyện nhôm và năng lượng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tỉnh xác định tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn là công nghiệp Alumin - nhôm nhằm tạo động lực phát triển kinh tế.
Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương có nền kinh tế năng động và bền vững vùng Tây Nguyên. Công nghiệp là động lực cho tăng trưởng. Cùng với đó, Đắk Nông hướng đến thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm và sau nhôm của quốc gia; trung tâm năng lượng tái tạo của vùng; trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.
Tầm nhìn đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển của vùng Tây Nguyên; xã hội văn minh, mức thu nhập bình quân của người dân cao hơn bình quân cả nước.
Hơn nưa, Đắk Nông sẽ trở thành trung tâm công nghiệp bô xít - nhôm và sau nhôm của quốc gia; nền nông nghiệp trù phú, ứng dụng công nghệ cao; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với thiên nhiên, đặc trưng của công viên địa chất toàn cầu UNESCO; hệ thống đô thị hiện đại gắn với không gian phát triển công nghệ, chuyển đổi số và hạ tầng đồng bộ.
Theo Thương hiệu và Pháp luật