Việt Nam xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới 18 năm liên tiếp

Việt Nam xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới 18 năm liên tiếp
4 giờ trướcBài gốc
Xuất khẩu điều giữ vững ngôi “vương”
Tổng cục Hải quan ước tính xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2024 đạt 730.000 tấn, trị giá 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt khoảng 6.003 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,1% so với năm 2023.
Hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt trên các kệ hàng của trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang 3 khu vực thị trường là châu Á, châu Mỹ, châu Âu đều tăng trưởng tốt, trong đó, tăng mạnh nhất là khu vực châu Mỹ với mức tăng 25,7% về lượng và tăng 30,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Chế biến hạt điều nhân xuất khẩu của một doanh nghiệp ở phía Nam. Ảnh: Nguyễn Trí.
Xuất khẩu hạt điều có xu hướng tăng tới các thị trường truyền thống và tiềm năng như Hoa Kỳ, Trung Quốc. Trong đó, 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 179.000 tấn, trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 24,4% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu hạt điều sang thị trường Trung Quốc đạt hơn 117.000 tấn, trị giá 687,84 triệu USD, tăng 18,9% về lượng và tăng 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam cũng khai thác tốt thị trường EU, xuất khẩu sang nhiều thị trường thành viên Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha… đều tăng trưởng.
Ông Trần Hữu Hậu - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam - khẳng định: “Năm 2024, Việt Nam tiếp tục là quốc gia xuất khẩu điều nhân lớn nhất thế giới (năm thứ 18 liên tiếp) và chiếm trên 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu của toàn cầu”.
Sở dĩ Việt Nam chiếm lĩnh và duy trì được vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân là nhờ lĩnh vực chế biến điều thô thành nhân điều xuất khẩu rất phát triển, có tốc độ hiện đại hóa nhanh, máy móc hiện đại đã thay thế cơ bản sức lao động thủ công trong dây chuyền chế biến. Hiện tổng công suất chế biến điều của Việt nam khoảng 2 triệu tấn/năm và đang liên tục tăng lên với tốc độ nhanh.
Việt Nam trở thành “cá mập” thu mua 98% điều thô của láng giềng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tổng diện tích trồng điều toàn quốc lên tới hơn 300.000 ha, với hơn 20 tỉnh, thành phố trồng điều. Trong đó, Bình Phước là tỉnh trồng nhiều cây điều nhất Việt Nam, với diện tích lên tới hơn 150.000 ha.
Để giữ vững được thành tích về xuất khẩu, bên cạnh tăng sản lượng trồng nội địa, nước ta còn đang chi một khoản tiền lớn cho nhập khẩu điều thô.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lũy kế trong 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam chi hơn 3 tỷ USD để nhập khẩu hơn 2,3 triệu tấn điều.
Trong đó, Campuchia đang trở thành nhà cung cấp lớn nhất với hơn 818.000 tấn, trị giá hơn 1,06 tỷ USD, tăng 34% về lượng và tăng 28% về trị giá. Giá bình quân đạt 1.302 USD/tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong những năm gần đây, ngành điều của Campuchia đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và trở thành nguồn cung lớn nhất cho Việt Nam. Hàng năm Việt Nam nhập tới 98% sản lượng điều thô toàn quốc của Campuchia.
Ngoài Campuchia, nước ta còn nhập khẩu từ nhiều thị trường châu Phi khác. Đứng thứ 2 trong số các nhà cung cấp là Bờ Biển Ngà với hơn 579.000 tấn, trị giá hơn 719 triệu USD, giảm 32% về lượng và giảm 20% về trị giá. Giá tăng mạnh 20% so với cùng kỳ, đạt bình quân 1.258 USD/tấn.
Ghana là nhà cung cấp lớn thứ 3 với hơn 268.000 tấn, trị giá hơn 307 triệu USD, tăng 8,3% về lượng và tăng 16% về trị giá. Giá bình quân 1.143 USD/tấn, tăng 7%.
Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022 - 2027. Trên thế giới, xu hướng ăn vặt lành mạnh ngày càng tăng, người tiêu dùng chú trọng vào các loại hạt bổ dưỡng và có những thành phần ích lợi cho sức khỏe. Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ hạt điều tăng lên, đã tạo cơ hội để ngành điều Việt Nam bứt tốc.
Thanh Huyền
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/viet-nam-xuat-khau-dieu-nhan-lon-nhat-the-gioi-18-nam-lien-tiep-post1708651.tpo