Viết sách trong thời đại AI

Viết sách trong thời đại AI
6 giờ trướcBài gốc
Những vấn đề này được đặt ra tại buổi tọa đàm “Cuốn sách đầu tay: Hành trình ai cũng có thể bắt đầu” diễn ra ngày 17/5 tại Đường sách TP.HCM. Tại đây, các chuyên gia đồng loạt nhận định việc viết sách không đơn giản là truyền đạt thông tin, cảm xúc, mà còn là một lựa chọn chiến lược, nơi cảm hứng cần đi cùng tính toán, đam mê cần song hành với sự đầu tư bài bản.
Khi AI bước vào hành trình viết sách
Sự xuất hiện mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong hành trình sáng tạo, đặc biệt ở lĩnh vực viết sách.
Ông Nguyễn Trần Quang, Chủ tịch & CEO FutureOne, tác giả cuốn Storytelling: Lay động lòng người bằng chuyện kể, chia sẻ, ông từng sử dụng ChatGPT để xây dựng đề cương sách nhưng vẫn nhấn mạnh: “Công nghệ có thể giúp rút ngắn quy trình, mở rộng khả năng diễn đạt nhưng không thể thay thế bản sắc cá nhân vốn là thứ làm nên chiều sâu và sức sống cho một cuốn sách. Ai cũng có thể sử dụng AI vào hành trình viết nhưng điều quan trọng là phải dung hòa ba yếu tố mindset (tư duy), skillset (kỹ năng) và toolset (công cụ)”.
Ông Nguyễn Trần Quang chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Yến.
Đối với bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty New Toyo Việt Nam, việc viết sách là quá trình trưởng thành cá nhân hơn là một kế hoạch thương mại. Một cuốn sách hoàn chỉnh cần sự cộng tác của nhiều người: biên tập viên chỉnh sửa bản thảo, thiết kế bìa, truyền thông... Vì vậy, AI không thể thay thế vai trò con người trong hành trình này.
Người chấp bút cũng đóng vai trò quan trọng trong việc “dịch ngôn ngữ linh hồn tác giả thành câu chữ”. Là một người chấp bút cho nhiều tác giả, chị Nguyễn Thế Mai Chi nhấn mạnh: “Tác giả luôn có hai dòng chảy là lý trí và cảm xúc. Người chấp bút phải tổ chức lại để hai dòng chảy ấy hòa quyện nhưng không làm mất đi màu sắc riêng của người viết. Viết sách vẫn là hành trình cá nhân sâu sắc nhưng sự đồng hành đúng cách sẽ giúp hành trình trở nên bền vững và trọn vẹn hơn”.
TS Quách Tuấn Khanh chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Hoàng Yến.
Đừng viết sách chỉ vì “muốn chia sẻ”
“Muốn chia sẻ không phải là mục đích để xuất bản sách”, TS Quách Tuấn Khanh khẳng định thẳng thắn tại buổi tọa đàm. Theo ông, trong bối cảnh ai cũng có thể xuất bản, việc viết sách chỉ vì nhu cầu chia sẻ cảm xúc hay kể lại trải nghiệm cá nhân là chưa đủ. Một cuốn sách có thể được in nhưng chưa chắc đã có độc giả nếu thiếu đi mục tiêu rõ ràng và giá trị thiết thực. Người viết cần nghiêm túc trả lời ba câu hỏi: Ra sách để làm gì? Viết cho ai? Và độc giả nhận lại điều gì sau khi đọc?
TS Quách Tuấn Khanh nhấn mạnh rằng viết sách là một dạng đầu tư - về thời gian, công sức và tài chính - do đó, cần tư duy như một nhà kinh doanh. “Độc giả không mua sách vì muốn ủng hộ mà vì họ tìm thấy giá trị. Trong thời đại truyền thông số, sách vẫn là một công cụ xây dựng thương hiệu cá nhân hiệu quả và bền vững, bởi khác với những nội dung ngắn hạn trên mạng xã hội, sách thể hiện chiều sâu, tư duy và vị thế chuyên môn của tác giả”, ông nói.
Ông cũng lưu ý tầm quan trọng của việc đầu tư nghiêm túc vào cuốn sách đầu tay vì đây sẽ là nền tảng cho những tác phẩm tiếp theo. Nếu làm đúng ngay từ đầu, người viết sẽ có được một cộng đồng độc giả trung thành.
Để thành công ngay từ đầu không phải việc dễ dàng, ông Nguyễn Trần Quang cho rằng hành trình viết sách không thể tránh khỏi giai đoạn nghi ngờ bản thân và muốn dừng lại nhưng đừng vội dừng lại. Theo ông, viết sách không chỉ là ghi lại trải nghiệm mà còn là quá trình đào sâu tư tưởng, đối thoại nội tâm và từng bước định hình giá trị cá nhân. Cột mốc đầu tiên của hành trình này là vượt qua sự hoài nghi của chính mình chứ không phải hoàn thiện bản thảo.
Sách Storytelling: Lay động lòng người bằng chuyện kể. Ảnh: Hoàng Yến.
“Việc cảm thấy hỗn loạn và nghi ngờ những giá trị mình viết ra là giai đoạn mà ai cũng phải trải qua trong hành trình viết. Đừng sợ! Hãy cứ viết kể cả khi nó là ‘rác’, vì nếu không viết thì làm sao ‘đãi cát tìm vàng’?”, ông ví von.
Chia sẻ có thể là động lực khởi đầu nhưng không thể là lý do duy nhất để viết sách. Trong thời đại AI, viết sách không chỉ là hành trình sáng tạo mà còn là cách để kết nối, truyền cảm hứng, khẳng định vị thế và để lại dấu ấn cá nhân - nơi cảm xúc con người vẫn là chất liệu không thể thay thế.
AI đang thay đổi cuộc chơi, giúp nhiều người hiện thực hóa giấc mơ cầm bút nhưng cũng đặt ra thách thức giữ gìn tiếng nói riêng giữa vô vàn nội dung được tạo ra bởi máy móc. Viết sách ngày nay đòi hỏi không chỉ năng lực sáng tạo mà còn là sự tỉnh táo, bản lĩnh và hiểu biết công nghệ. Tác giả phải là người dẫn dắt còn AI chỉ là công cụ hỗ trợ.
Hoàng Yến
Nguồn Znews : https://znews.vn/viet-sach-trong-thoi-dai-ai-post1553782.html