Viết thư pháp trên quả vải thiều, chàng trai gen Z Hà Nội gây sốt mạng

Viết thư pháp trên quả vải thiều, chàng trai gen Z Hà Nội gây sốt mạng
10 giờ trướcBài gốc
Quá trình viết thư pháp lên quả vải của Châu Việt Út.
Nhắc đến thư pháp, mọi người thường hình dung ra những bức họa chữ nắn nót trên nền giấy dó, lụa hoặc vải truyền thống. Nhưng chàng trai gen Z Châu Việt Út (28 tuổi, Hà Nội) lại thay nền giấy, lụa bằng quả vải, viết lên đó những nét chữ mềm mại như bay múa khiến cộng đồng mạng xuýt xoa, trầm trồ.
Sáng tạo độc đáo của Việt Út: Viết thư pháp lên vỏ quả vải.
Châu Việt Út lập tức gây sốt mạng chỉ với một bài đăng khoe thành quả viết thư pháp trên quả vải trên hội nhóm có gần 3 triệu người tham gia. Nhiều người bình luận rằng họ không thể tưởng tượng quả vải lại có thể dùng làm nền để viết lên những nét chữ đẹp đến vậy.
Việt Út cho biết anh không phải là người nghĩ ra ý tưởng này: "Vô tình tôi được xem bức ảnh do thầy giáo chia sẻ về một trend bên Trung Quốc là viết thư pháp lên quả vải. Tôi nghĩ rằng mình cũng có thể thực hiện ý tưởng đó nhưng thể hiện bằng tiếng Việt. Tôi làm ngay khi quả vài vào mùa chín rộ".
Chàng trai gen Z chia sẻ, viết thư pháp trên vỏ vải không hề đơn giản. Quả vải có lớp vỏ ngoài sần sùi, không thể viết trực tiếp. Anh phải khéo léo bóc tách phần vỏ sần để lộ ra màng lụa mịn bên trong, đó chính là lớp nền lý tưởng để viết chữ.
“Lớp vỏ lụa lúc vừa tách ra còn rất ẩm, dễ nhòe mực. Tôi đã thử nhiều lần, mực tàu loãng làm nét chữ bị lem. Sau nhiều lần thất bại, tôi rút ra kinh nghiệm phải để màng vỏ khô và se lại, lúc ấy viết mới sắc nét. Nếu không dùng mực tàu thì có thể thay bằng màu acrylic để hạn chế tình trạng loang màu”, anh nói.
Việt Út tỉ mỉ móc từng lớp vỏ vải bên ngoài để lộ màng lụa của quả vải.
Đóng dấu là một bước đặc trưng khi viết thư pháp.
Để có được tác phẩm đẹp mắt, Việt Út phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu. Quả vải phải là loại tươi, còn độ đàn hồi và dễ bóc tách. Quả càng to thì diện tích viết chữ càng rộng, dễ xử lý hơn. Dụng cụ cần có gồm nhíp, bông tẩy trang, bút lông, mực tàu..
Một trong những thao tác quan trọng là làm sạch lớp màng lụa. “Dùng bông tẩy trang thấm nước, xoa đều bề mặt vỏ lụa để lấy đi các sợi gân còn sót lại. Em cũng tận dụng chính nhựa từ vỏ vải để tạo sắc nâu hổ phách cho nền, giúp tăng chiều sâu cho chữ viết”, Út nói.
Khi viết, từng nét bút phải được đi chậm rãi để mực chảy đều, thấm vào bề mặt. Sau khi hoàn thiện, bước “đóng dấu” - một nét đặc trưng trong thư pháp - cũng cần lực tay chuẩn xác; nhẹ quá thì không ăn mực, mạnh quá thì lớp lụa dễ rách. Út phải tập trung cao độ ở bước này để không làm hỏng cả quá trình.
Sau 2 tiếng miệt mài, thành phẩm của Việt Út là những quả vải mang trên mình từng nét thư pháp uyển chuyển, tinh tế. Trên nền vỏ lụa màu vàng nâu trong như hổ phách, mực tàu đen tuyền nổi bật, tạo nên vẻ đẹp vừa cổ điển vừa mới lạ.
Do đặc trưng về chất liệu nên tác phẩm thư pháp trên quả vải không thể bảo quản lâu. Nếu để khô tự nhiên, lớp màng vỏ sẽ tự co và vỡ sau vài giờ. “Nếu muốn giữ lâu hơn, có thể thấm ẩm liên tục, sẽ để được một ngày. Nhưng dù sao thì đây là một loại ‘nghệ thuật tạm thời’, giống như cách người Nhật tạo ra bonsai, rồi chấp nhận sự tàn phai của thời gian”, Việt Út nói, cho biết quả vải đã qua xử lý thư pháp không nên dùng để ăn vì có thể đã ngấm mực hoặc màu vẽ.
Chàng trai 28 tuổi biến những quả vải thành tác phẩm thư pháp/
Châu Việt Út đang giảng dạy Calligraphy, bộ môn nghệ thuật viết chữ đẹp với bút chấm mực có nguồn gốc phương Tây. Anh đã theo đuổi và rèn luyện kỹ năng này suốt 5 năm, từng bước làm quen với các kỹ thuật, phong cách viết đa dạng.
Tình yêu với Calligraphy dần dẫn anh đến với thư pháp phương Đông, nơi mực tàu, giấy lụa và bút lông trở thành phương tiện biểu đạt cảm xúc, khí chất và tâm hồn người viết. Sự kết hợp giữa hai phong cách Đông – Tây chính là nét riêng của Châu Việt Út.
Công việc hiện tại của Út Châu là giảng dạy Calligraphy.
Công việc của Út đòi hỏi cả kỹ thuật chính xác, tỉ mỉ lẫn sự tôn trọng chiều sâu ý nghĩa và cảm xúc, do đó chàng trai 28 tuổi không ngừng thử nghiệm những hình thức mới mẻ, chẳng hạn như viết thư pháp lên quả vải, để đưa thư pháp đến gần hơn với giới trẻ.
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/viet-thu-phap-tren-qua-vai-thieu-chang-trai-gen-z-ha-noi-gay-sot-mang-ar951912.html