Bài 1:
BẢN HÙNG CA 50 NĂM THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC - RỰC RỠ NIỀM TIN GIỮA MUÔN LỜI XUYÊN TẠC
Trước những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chiến thắng vĩ đại 30-4-1975 từ trang mạng xã hội nước ngoài, thì tại Việt Nam, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, sáng 30-4-2025 cả thành phố như hóa thân thành một đại sân khấu của lịch sử. Trong sắc đỏ cờ hoa, tiếng nhạc quân hành hùng thiêng và bước chân nghiêm trang của đoàn diễu binh đã tôn vinh hình ảnh Việt Nam thống nhất, hòa bình và tuyên ngôn hùng hồn trước thế giới: “Hòa bình không phải tự nhiên mà có. Đó là máu xương, ý chí, lý tưởng của một dân tộc đi theo đường lối đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Lễ kỷ niệm - Lời cam kết giữ vững nền tảng tư tưởng của Ðảng
Trước lễ diễu binh một ngày, từ 5 giờ sáng, các ngả đường về trung tâm TP. Hồ Chí Minh chật kín người dân. Không khí kỷ niệm ngày chiến thắng 30-4 trở thành ngày hội non sông vang lời thề đoàn kết, hòa bình. Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, giáo viên từ tỉnh Bình Dương đưa cả gia đình lên thành phố từ rạng sáng, rưng rưng chia sẻ: “Thế thệ chúng tôi học lịch sử ngày 30-4 trong sách vở. Vì thế, tôi đưa con trai sinh năm 2020 lên TP. Hồ Chí Minh, được sống trong không khí thiêng liêng của sự kiện kỷ niệm vĩ đại này để hiểu: Đất nước thống nhất không chỉ là quá khứ, mà là hiện tại đáng quý và tương lai phải gìn giữ”.
Toàn cảnh diễu binh tại đại lộ Lê Duẩn, TP. Hồ Chí Minh - Ảnh tư liệu
Giữa lúc hàng triệu con tim Việt Nam đón mừng lễ kỷ niệm 30-4, một số kênh YouTube, blog cá nhân tại hải ngoại, một số phần tử phản động như Việt Tân, nhóm tự xưng “chống cộng hải ngoại” lại tung ra những video cắt ghép, bài viết bóp méo sự thật, gọi 30-4 là “ngày quốc hận”, đòi “xét lại lịch sử”, diễu binh “tốn kém, hình thức”… những luận điệu xuyên tạc ấy trở nên trơ trẽn và lạc lõng. Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm chiến thắng 30-4 được hàng triệu người dân háo hức chờ đợi, đến để tri ân. Đài Truyền hình Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước truyền hình trực tiếp, livestream trên tất cả nền tảng số là minh chứng sống động cho sức lan tỏa của lòng yêu nước, tự hào, biết ơn và niềm tin của nhân dân vào con đường Đảng đã chọn.
Rước ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lễ diễu binh, diễu hành tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: Thanh Mảng
Sáng sớm 30-4-2025, lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu tại đại lộ Lê Duẩn - trái tim của TP. Hồ Chí Minh. Cờ đỏ sao vàng tung bay dưới ánh nắng tháng Tư rực rỡ, hàng vạn người có mặt tại Quảng trường 30-4 ngay từ phút đầu đã rơi lệ khi nghe Quốc ca vang lên, nhìn đoàn diễu hành giương cao lá cờ Tổ quốc và chân dung Bác Hồ - người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đặt nền móng tư tưởng cho con đường độc lập, thống nhất hôm nay. Phía sau là đội hình các cựu chiến binh năm xưa, mái đầu bạc phơ sải bước kiêu hãnh như chưa hề biết mỏi.
Khối hồng kỳ tiến vào lễ đài trong lễ diễu binh, diễu hành - Ảnh: Thanh Mảng
Ông Trần Văn Cừ (82 tuổi), cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh xúc động cho biết: Từ 2-3 giờ sáng 30-4, chúng tôi, những người lính năm xưa mặc quân phục đại lễ đi bộ từ ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu đến khán đài trước Dinh Độc Lập, mọi người đứng dậy reo hò không ngớt: “Chào chú bộ đội giải phóng quân”, chúng tôi xúc động trào nước mắt, vẫy tay chào bà con như không khí chiến thắng vĩ đại 50 năm trước. Thế hệ bộ đội chúng tôi không tiếc máu xương để có ngày này. Và tôi tin thế hệ sau sẽ không để lịch sử bị lãng quên hay bóp méo.
Ngay bên cạnh ông là em Lê Khánh Vy, sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh giơ cao điện thoại livestream lễ diễu binh với nét mặt rạng rỡ: “Em thấy tự hào vô cùng. Trước đây ngày 30-4 chỉ là một bài học lịch sử, nhưng hôm nay em được sống trong lịch sử 50 năm trước. Những ai nói xấu ngày này rõ ràng không hiểu và không yêu đất nước mình. Thế hệ trẻ chúng em vô cùng biết ơn và tự hào thế hệ cha anh viết lên bản anh hùng ca dân tộc Việt Nam cho hòa bình hôm nay”.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo đại biểu quốc tế dự lễ diễu binh, diễu hành - Ảnh: Thanh Mảng
Tại khán đài VIP, nhiều phóng viên nước ngoài xúc động khi tác nghiệp, ông Jean Pierre, nhà báo Pháp chia sẻ: “Tôi từng ghi hình nhiều cuộc duyệt binh ở các quốc gia, nhưng chỉ có Việt Nam diễu binh hòa quyện giữa trang nghiêm và nghệ thuật nên không phô diễn lực lượng, mà là lời kể đầy nhân văn về hành trình đi tìm độc lập của nhân dân Việt Nam anh hùng, yêu chuộng hòa bình”.
Cùng với bước chân của mỗi khối diễu binh… là tiếng vỗ tay, reo hò không ngớt của hàng vạn người dân cổ vũ càng nhân lên niềm tự hào dân tộc. Các cụ già tay run run giơ lá cờ nhỏ vẫy theo từng đoàn đi qua. Những em bé ngồi trên vai ba, mắt mở to nhìn hàng quân nhân nghiêm trang, rồi thốt lên: “Ba ơi, con cũng muốn làm chú bộ đội!”.
Một thông điệp hòa bình gửi tới thế giới
Cùng với lễ kỷ niệm, hàng loạt triển lãm, hội thảo quốc tế, biểu diễn nghệ thuật về 50 năm thống nhất đất nước được tổ chức ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành cả nước. Tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức hội thảo quốc tế với chủ đề “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại” thu hút hơn 300 học giả, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia. Tại đây, những tiếng nói từ các nước từng ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến như Cuba, Pháp, Nga, Lào... cùng các học giả trẻ từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã đưa ra cái nhìn toàn diện về giá trị của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhấn mạnh vai trò điểm sáng hòa bình, độc lập của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu biến động. Tiến sĩ Angela Cooper, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Yale nhận định: “Chiến thắng 30-4 không chỉ là chiến thắng quân sự mà là chiến thắng của một dân tộc vì lý tưởng tự do, độc lập, khiến cả thế giới ngưỡng mộ. 50 năm sau, Việt Nam là ví dụ điển hình cho việc chuyển mình từ tro tàn chiến tranh đến quốc gia hòa bình, phát triển”.
Ðoàn xe cờ giải phóng mô phỏng xe tăng 390 - biểu tượng thống nhất diễu hành tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: Thanh Mảng
Tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh, diễn ra tọa đàm “Thống nhất - khát vọng của tuổi trẻ”, quy tụ hàng trăm đoàn viên, sinh viên. Các diễn giả, trong đó có cả những nhân chứng lịch sử và nhà báo chiến trường đã chia sẻ những câu chuyện xúc động về niềm tin, lý tưởng và sự hy sinh của tuổi trẻ Việt Nam vì sự nghiệp thống nhất non sông…
Bà Hiyori Nakamura, du khách Nhật Bản nói trong xúc động: “Tôi đã đọc về chiến tranh Việt Nam, nhưng hôm nay tôi thấy một Việt Nam đoàn kết, đầy bản lĩnh và yêu chuộng hòa bình. Đây là sự kiện khiến tôi kính phục”.
Sự thật là ánh sáng không thế lực nào che khuất được
Niềm vui hân hoan của hàng triệu đồng bào cả nước tự hào về lịch sử chiến thắng 30-4, vang lên thông điệp: Lịch sử không thể bị bóp méo khi được viết bằng máu xương của dân tộc và giữ gìn bởi lòng dân, sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc gắn với tiến bộ của nhân loại.
Cựu chiến binh Việt Nam tiến bước vào lễ đài diễu binh, diễu hành - Ảnh: Thanh Mảng
Sự thật, từ TP. Hồ Chí Minh nơi ghi dấu giờ phút lịch sử xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập đến Hà Nội và nhiều tỉnh, thành cả nước đã diễn ra chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, trở thành nhịp cầu kết nối lịch sử, hiện tại và tương lai. Triển lãm, hội thảo, giao lưu nghệ thuật, hội sách, trưng bày hiện vật, tọa đàm quốc tế… thu hút hàng triệu người tham gia không chỉ là hình thức tưởng nhớ một chiến thắng vĩ đại mà còn khẳng định: Thống nhất là nền tảng vững chắc để dân tộc Việt Nam vươn lên trong hòa bình, độc lập và phát triển.
Tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam (Hà Nội) triển lãm “Bản hùng ca mùa xuân đại thắng” trưng bày gần 300 tài liệu, hiện vật, phim tư liệu quý và nhiều hiện vật lần đầu tiên được công bố đã tái hiện sinh động chặng đường từ kháng chiến đến đại thắng mùa xuân 30-4-1975, làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết toàn dân và ý chí sắt đá của cả dân tộc… thu hút hàng ngàn lượt người tham quan mỗi ngày. TP. Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo cấp quốc gia “Đại thắng mùa xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”, Huế triển lãm “Từ thành cổ đến Dinh Độc Lập”, Cần Thơ mở hội sách “Sách và Hòa bình”, Đà Nẵng tổ chức đêm nghệ thuật “Tổ quốc nhìn từ biển”, Cao Bằng, Quảng Trị, Bình Phước… thắp nến tri ân liệt sĩ, thăm hỏi gia đình người có công, giao lưu cựu chiến binh - thanh niên…
Từ 2 giờ sáng 30-4-2025, hàng vạn người dân và khách quốc tế đã ngồi chờ giờ phút thiêng liêng lễ diễu binh, diễu hành - Ảnh: Thanh Mảng
Bất chấp những luận điệu xuyên tạc, sai trái, sự thật vẫn là sự thật: Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng duy nhất đủ bản lĩnh, trí tuệ và ý chí để dẫn dắt dân tộc giành độc lập, thống nhất và tiến bước trong thời đại mới. 30-4 mãi là ngày hội thống nhất non sông - một biểu tượng bất khả xâm phạm của tinh thần Việt Nam, của chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.
Khi các thế lực phản động tung ra các luận điệu “hòa hợp, hòa giải” nhưng lại lồng ghép thù hận để kích động, chia rẽ, thì chính hàng triệu người dân Việt Nam hôm nay - với ký ức đầy đủ, trải nghiệm thực tế và khát vọng tương lai đã lựa chọn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ sự thật lịch sử.
Lễ diễu binh, diễu hành mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước không chỉ là một nghi lễ kỷ niệm mà là “ngọn lửa niềm tin không thể dập tắt”. Ðó là tuyên ngôn bằng hình ảnh, bản giao hưởng của sự đồng lòng, tiếng nói mạnh mẽ gửi tới bạn bè quốc tế: Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, luôn khát khao phát triển và sẵn sàng gìn giữ từng tấc đất, từng dòng lịch sử bằng tất cả niềm tin, trí tuệ và bản lĩnh. Hàng triệu người dân Việt Nam không chỉ tưởng nhớ một ngày lịch sử mà còn viết tiếp khúc tráng ca của thời đại.
Đại tá, nhà báo ĐỖ PHÚ THỌ, Tổng Biên tập Báo Cựu chiến binh, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, chuyên gia Ban Chỉ đạo 35 Quân ủy Trung ương
Tuấn Long - Minh Nhâm - Lương Bằng - Trường Hà