Viết tiếp câu chuyện hòa bình

Viết tiếp câu chuyện hòa bình
một ngày trướcBài gốc
Bài cuối:
LÒNG TỰ TÔN DÂN TỘC - KHÁT VỌNG TUỔI TRẺ BƯỚC VÀO KỶ NGUYÊN MỚI
BPO - Sau 50 năm, tiếng vọng của đại thắng mùa xuân 1975 là nguồn cảm hứng thôi thúc thế hệ trẻ viết tiếp trang sử dựng xây đất nước trong hòa bình, phát triển và hội nhập, tiến quân bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Giữa làn sóng xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gieo rắc tư tưởng hoài nghi vào thế hệ trẻ, thì chính tuổi trẻ Việt Nam bằng tri thức, lòng tự tôn dân tộc và tinh thần cống hiến xây dựng đất nước, trở thành tuyến đầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định chân lý cách mạng trong thời kỳ mới, viết tiếp câu chuyện hòa bình.
Trở về lịch sử bằng nhịp đập trái tim
Đến nay, những ngày tháng Tư lịch sử trên khắp đất nước Việt Nam đã trở thành mùa hoa đỏ tri ân của thế hệ thanh niên cả nước. Trên các nghĩa trang liệt sĩ toàn quốc, khu di tích cách mạng như địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, thành cổ Quảng Trị, nhà tù Côn Đảo, Tà Thiết hay Chốt chặn Tàu Ô (Bình Phước)…, hình ảnh những đoàn học sinh, sinh viên trong màu áo xanh tình nguyện lặng lẽ thắp nhang, chăm sóc phần mộ liệt sĩ, hay lắng nghe câu chuyện năm xưa từ các nhân chứng lịch sử đã trở nên quen thuộc. Em Lê Minh Huy, sinh viên năm 3, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ sau chuyến hành trình về nguồn: “Em chưa từng chứng kiến chiến tranh, nhưng những câu chuyện tại Dinh Độc Lập khiến em rưng rưng nước mắt. Máu xương ông cha đã đổi lấy hòa bình, không thể là điều để thờ ơ hay dễ quên”.
Ðoàn viên thanh niên tỉnh Cao Bằng làm lễ chào cờ, nguyện đi theo con đường của Ðảng và Bác Hồ đã chọn dịp lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: Lương Hằng
Những chuyến đi tri ân của thế hệ trẻ không chỉ là hoạt động ngoại khóa. Đó là hành trình cảm nhận, là phép thử tinh thần với thế hệ trẻ trong bối cảnh các giá trị lịch sử có nguy cơ bị lãng quên hoặc xuyên tạc. Không còn là “lý thuyết trong sách”, lịch sử trong trái tim người trẻ hôm nay là thực tại sống động, là lời thề không quên, là bản lĩnh không để sự thật bị đánh cắp. “Chúng tôi dạy các em không chỉ để nhớ ngày 30-4, mà để hiểu tại sao chúng ta có ngày hôm nay. Hiểu để biết ơn, biết ơn để hành động” - cô Nguyễn Thị Ngọc Bích, Trường THPT Gia Định (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ trong một buổi dạy học lịch sử tại thực địa.
Lòng tự tôn dân tộc - nền móng cho khát vọng đổi mới
Nếu thế hệ ông cha đã viết nên khúc tráng ca độc lập thì thế hệ hôm nay đang tiếp nối bằng bản hòa âm phát triển. Trên nền móng là lòng tự tôn dân tộc, tuổi trẻ Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới với tinh thần “chiến đấu” không bằng súng đạn, mà bằng tri thức, công nghệ và khát vọng đổi mới. Hàng ngàn đoàn viên thanh niên xung kích tham gia các chương trình tình nguyện mùa hè xanh, tiếp sức đến trường, xây dựng nông thôn mới, thắp sáng vùng biên giới, chăm sóc người có công với cách mạng, vẽ tranh cổ động về chủ quyền biển đảo…
Trong lĩnh vực khởi nghiệp, hàng loạt dự án của sinh viên hướng đến công nghệ xanh, nông nghiệp bền vững, khởi nghiệp xã hội. GS.TSKH Lê Thành Nhân, TS Đỗ Thế Cần, Trường đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng, đại diện “Dự án tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải” chia sẻ: “Có nhiều bạn trẻ tham gia dự án với suy nghĩ gìn giữ hòa bình không chỉ là tránh chiến tranh mà còn là bảo vệ môi trường, giữ cho tương lai không bị tổn thương”.
Trụ sở HĐND - UBND TP. Hồ Chí Minh 136 năm tuổi rực sáng 3D Mapping - Ảnh: Phạm Hữu
Phong trào “Thanh niên giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” triển khai bảo tồn lễ hội, trò chơi dân gian, phục dựng di tích lịch sử và số hóa dữ liệu lan tỏa trong trường học, địa phương, sở, ngành góp phần khẳng định bản lĩnh văn hóa dân tộc trong dòng chảy toàn cầu hóa.
Tại Trường đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, nhóm sinh viên trẻ đã xây dựng dự án podcast “Kể chuyện hòa bình”, thu hút hơn 1 triệu lượt nghe. Họ kể chuyện chiến tranh không bằng bi kịch, mà bằng sự kính trọng. Họ truyền cảm hứng lịch sử không bằng giáo điều, mà bằng lời kể gần gũi, sáng tạo. Một bạn trẻ trong nhóm chia sẻ: “Bằng công nghệ, chúng em đưa lịch sử vào đời sống. Ký ức dân tộc không thể chỉ tồn tại trong bảo tàng”.
Không dừng lại ở đó, buổi biểu diễn nghệ thuật 3D mapping mặt tiền trụ sở HĐND, UBND TP. Hồ Chí Minh với sự góp mặt của 4 đội nghệ thuật 3D mapping quốc tế gồm Việt Nam, Pháp, Bỉ, Singapore thu hút hàng ngàn lượt người tham quan. Từ một đất nước đi lên trong khói lửa, Việt Nam giờ đây là trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực. “Tự tôn dân tộc không phải là lời nói sáo rỗng. Nó là động lực để thế hệ trẻ chúng tôi nỗ lực mỗi ngày, để Việt Nam không bao giờ phải cúi đầu trước bất kỳ áp lực nào” - Đại úy Hồ Văn Phong, Bí thư Đoàn Trường đại học An ninh nhân dân, TP. Hồ Chí Minh khẳng định.
Hòa bình không để tận hưởng mà để gìn giữ
Nửa thế kỷ đã đi qua kể từ ngày đại thắng mùa xuân 1975. Những người lính năm xưa nay tóc đã bạc, nhưng ánh mắt vẫn sáng ngời khi thấy lớp cháu con hôm nay không quên. Họ thấy được trong từng bạn trẻ một “người lính mới” chiến đấu không phải bằng súng đạn, mà bằng tri thức, bằng công nghệ, bằng khát vọng đưa đất nước vươn lên.
“Chúng ta sinh ra không để chứng kiến chiến tranh thêm lần nào nữa” - đó là lý tưởng sống của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay - Bí thư Tỉnh đoàn Cao Bằng Triệu Thanh Dung khẳng định và chia sẻ: Lý tưởng ấy không phải để trưng bày, mà thể hiện rõ trong từng hành động cụ thể: từ những thanh niên tình nguyện lên biên giới, hải đảo; đến những start-up công nghệ xanh, nông nghiệp sạch vì phát triển bền vững; từ những kỹ sư chuyển đổi số đến những bạn trẻ gìn giữ văn hóa truyền thống trong thời đại toàn cầu hóa.
Tuổi trẻ Bình Phước khởi động chương trình trồng cây xanh “Ðời đời nhớ ơn Bác Hồ” tại lễ ra quân Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2025 - Ảnh:Văn Ðoàn
Trung úy Lê Văn Hòa, sĩ quan hải quân trẻ đóng quân tại Trường Sa Lớn, từng tốt nghiệp loại giỏi Trường cao đẳng Kỹ thuật Hải quân từ chối lời mời làm việc tại một công ty đa quốc gia để nhận nhiệm vụ ra đảo: “Tôi đi không phải vì chiến tranh, mà vì hòa bình. Tôi muốn con mình mai này sẽ biết Trường Sa là của Việt Nam, không phải qua sách vở, mà qua câu chuyện về cha nó đã sống ở nơi ấy” - Trung úy Lê Văn Hòa chia sẻ.
Câu chuyện của Hòa là một ví dụ. Hàng trăm, hàng ngàn bạn trẻ hôm nay đang âm thầm góp phần giữ gìn hòa bình theo cách riêng: bằng sự kiên định với lý tưởng, bằng hành động dấn thân và tinh thần trách nhiệm với vận mệnh đất nước.
Trí thức trẻ - tuyến đầu phản bác luận điệu sai trái
Trong thời đại mạng xã hội, các thế lực thù địch đã không ngừng bóp méo sự kiện 30-4, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, gieo rắc luận điệu “chiến tranh huynh đệ”, “thắng lợi bạo lực”. Chúng âm mưu làm xói mòn niềm tin vào lịch sử, làm phai nhạt mối liên kết giữa người trẻ với cội nguồn dân tộc.
Đáp lại, nhiều trí thức trẻ không chọn im lặng. Trên nền tảng YouTube, nhóm “Học sử không khó” của các giảng viên trẻ Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã thu hút hàng trăm ngàn lượt theo dõi nhờ các video phản biện dựa trên tài liệu lịch sử, phỏng vấn nhân chứng, trích dẫn báo cáo quốc tế. Các kênh TikTok “Trường Lịch sử”, “Vẽ kể chuyện”… do các bạn trẻ điều hành, thu hút hàng ngàn, triệu like… góp phần tích cực trong truyền thông lịch sử cho thế hệ Gen Z thống nhất hành động với thông điệp: Chúng em muốn người trẻ thấy lịch sử không phải là chuyện xa vời mà là lý do chúng ta có mặt hôm nay. Thế hệ trẻ không vô cảm với sự thật lịch sử. Mỗi video giới thiệu lịch sử là một lát cắt để bảo vệ lịch sử khỏi bị bóp méo. Đây cũng là cách chúng tôi bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - vì lịch sử là sự thật chính trị đầu tiên”.
Tại Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cấp tỉnh lần thứ 4, năm 2024, Lê Nhật Vy, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước được trao giải “Tác giả trẻ tuổi tiêu biểu” - Ảnh tư liệu
Nửa thế kỷ sau ngày non sông thu về một mối, ngọn lửa của tinh thần độc lập, tự chủ và khát vọng vươn lên vẫn cháy sáng trong lòng thế hệ trẻ. Không ồn ào, phô trương, họ đang viết tiếp “khúc khải hoàn hòa bình” bằng sự cống hiến lặng thầm nhưng vững chắc “Đâu cần thành niên có. Việc gì khó có thành niên” xung kích, tiến quân vào khoa học - công nghệ làm giàu cho đất nước; tình nguyện đi vào vùng thiên tai, hỏa hoạn, vào tâm dịch Covid-19 để giúp đồng bào, xung phong đi bảo vệ biên giới, hải đảo… Mỗi bài giảng, mỗi dự án khởi nghiệp, mỗi chuyến đi tình nguyện nơi gian khó của thế hệ trẻ đều là những bản tuyên ngôn sống động: Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hội nhập với các nước trên thế giới với tinh thần hợp tác, hữu nghị bằng chính tinh thần bất khuất yêu chuộng hòa bình từ chiến thắng vĩ đại dân tộc ngày 30-4 lịch sử.
Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA (biến động - không chắc chắn - phức tạp - mơ hồ), nhiệm vụ bảo vệ Ðảng, gìn giữ hòa bình, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình là sứ mệnh không của riêng ai. Ðó là sự tiếp nối tất yếu - từ lớp thế hệ ông cha đi trước sang thế hệ trẻ hôm nay. Bởi lẽ, như một tuyên ngôn bất biến: Hòa bình không phải là đích đến mà là điểm khởi đầu cho những khúc tráng ca tiếp theo của một dân tộc tự cường. Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay phải có trách nhiệm gìn giữ hòa bình, lan tỏa yêu thương, truyền cảm hứng, sáng tạo, xây dựng, phát triển đất nước”.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước TRẦN HOÀNG TRỰC
Tuấn Long - Minh Nhâm - Lương Bằng - Trường Hà
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/173291/viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh