"Viết tiếp câu chuyện hòa bình" phiên bản do Võ Hạ Trâm, Đông Hùng thể hiện trong Lễ diễu binh, diễu hành chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025) tại TP.HCM - đã chính thức vượt qua "Tháp drill tự do" của MCK, giữ top 1 thịnh hành trên YouTube.
Tính đến trưa 8/5, ca khúc thu về hơn 2,3 triệu lượt xem, sau 8 ngày đăng tải. Trên trang cá nhân, Võ Hạ Trâm bày tỏ sự xúc động khi bài hát do mình và Đông Hùng thể hiện đạt thứ hạng cao.
Võ Hạ Trâm và Đông Hùng biểu diễn "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" trong Lễ diễu binh, diễu hành dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - người chắp bút cho ca khúc nói anh vui, tự hào khi ca khúc do anh sáng tác được khán giả yêu mến.
Anh nói phiên bản này đã chạm đến trái tim của nhiều người, nhờ công lớn của hai nghệ sĩ Đông Hùng và Võ Hạ Trâm. "Biết ơn hai bạn đã lan tỏa bài hát của tôi", nhạc sĩ nói.
Ngoài ra, nhạc sĩ cũng lên tiếng giải thích khi có khán giả thắc mắc về một câu hát trong bài.
Theo nhạc sĩ, một cô giáo gửi câu hỏi tới anh rằng: "Tại sao câu trước là 'đổi lấy hòa bình' rồi mà câu sau còn 'giữa khói binh', liệu điều đó có hợp lý không?".
Giải thích về ca từ này, Nguyễn Văn Chung cho hay: "Khói binh trong bài, tôi lấy từ 'khói lửa binh đao'. Có câu chúng ta hay nghe là 'lầm than khói lửa với binh đao'. Khói lửa là những lần giặc xâm lược khiến mọi người lầm than, còn binh đao là chiến tranh liên miên.
Tôi ghép 2 từ với nhau có 2 nghĩa. Đầu tiên, khói lửa binh đao là những cuộc xâm lược, chúng ta phải đấu tranh.
Nghĩa thứ 2, khói binh đại diện cho các cuộc chiến từ nghìn xưa đến tận bây giờ, từ lúc ông cha đấu tranh bằng gậy gộc, cung kiếm đến thời sau này bằng súng ống. Những người chiến sĩ ở chiến trường hay hậu phương đều nguyện lòng hy sinh.
Đó là truyền thống yêu nước của cha ông và dân tộc ta từ xưa đến nay. Đó là lý do tôi dùng từ 'khói binh' để rút gọn cho ý nghĩa trên".
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung.
"Viết tiếp câu chuyện hòa bình" được Nguyễn Văn Chung sáng tác từ năm 2023 khi thực hiện album về quê hương đất nước cùng ca sĩ Duyên Quỳnh. Tác phẩm phẩm mang thông điệp ca ngợi hòa bình, khơi gợi lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc.
Phiên bản remix do Duyên Quỳnh hát đến nay thu về hơn 4 tỷ lượt nghe (tổng hợp từ nhiều nền tảng), đặc biệt tăng mạnh trong dịp Đại lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chính vì sức lan tỏa lớn của bài hát, các nghệ sĩ thể hiện bị cư dân mạng đặt lên bàn cân so sánh.
Nhiều ý kiến trái chiều về việc bản gốc của ca sĩ Duyên Quỳnh hay phiên bản của Võ Hạ Trâm - Đông Hùng xứng đáng hát ở đại lễ 30/4 hơn.
Trước những tranh luận này, Nguyễn Văn Chung cho biết: "Dù chưa thỏa thuận bằng văn bản nhưng trong thâm tâm, tôi luôn xem Nguyễn Duyên Quỳnh là ca sĩ đang độc quyền bài hát này. Quỳnh đã kiên trì giúp bài hát đến gần với khán giả từ cuối năm 2023 đến nay để nó lan tỏa mạnh mẽ và được chọn làm một trong những bài hát ở ngày trọng đại của đất nước".
Nguyễn Văn Chung và Nguyễn Duyên Quỳnh khẳng định đều tôn trọng quyền chọn người biểu diễn của ban tổ chức.
Nhạc sĩ cũng nhấn mạnh rằng việc Nguyễn Duyên Quỳnh bật khóc trong các video là vì quá hạnh phúc, xúc động, chứ không phải "tỏ thái độ không phục" như nhiều bình luận ác ý trên mạng xã hội.
Võ Hạ Trâm, Đông Hùng thể hiện ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình". (Video: VTV).