Viết tiếp truyền thống vẻ vang

Viết tiếp truyền thống vẻ vang
một ngày trướcBài gốc
Quê hương sạch bóng quân thù
Địa danh Chơn Thành gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân tỉnh Bình Phước anh hùng. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Chơn Thành là căn cứ quân sự rất kiên cố của Mỹ - ngụy, nơi đây là lá chắn thép của cửa ngõ Sài Gòn - Gia Định. Chơn Thành cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt trên quốc lộ 13 và 14, lập nên những chiến công vang dội, làm cho kẻ thù khiếp sợ.
Lễ công bố Nghị định số 17/2003/NĐ-CP của Chính phủ thành lập huyện Chơn Thành thuộc tỉnh Bình Phước - Ảnh tư liệu
Tham gia cách mạng và trực tiếp cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương Bình Long trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Tấn Hưng cho biết: “Từ năm 1964-1967, đoạn đường 13 từ Chơn Thành đến Bình Long chỉ có 25km nhưng chiến sự diễn ra rất ác liệt. Nhất là năm 1972, ta mở Chiến dịch Nguyễn Huệ. Mấy năm liền ngụy Sài Gòn mở đường máu lên Bình Long để cứu Bình Long nhưng không được vì quân ta chốt chặn đánh địch ở Tàu Ô. 3 năm đoạn đường này lúc nào cũng có súng nổ, xe tăng địch bị bắn cháy rất nhiều cho đến ngày giải phóng”.
Ông Nguyễn Văn Tính, nguyên Bí thư Huyện ủy Chơn Thành, nguyên Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước, là người con của Chơn Thành đã trực tiếp cầm súng đánh giặc giải phóng quê hương. Vào thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4-1975, ông Tính cùng đội du kích xã Hưng Long tham gia rất nhiều trận đánh giằng co, ác liệt giữa ta và địch. Đơn vị của ông lúc đó làm nhiệm vụ giữ chốt cờ, dẫn đường cho bộ đội chủ lực, nghiên cứu nắm tình hình địch, kêu gọi binh lính địch bỏ súng đầu hàng và tuyên truyền, vận động nhân dân đưa vào vùng giải phóng. “Lúc đó ở Chi khu Chơn Thành, lính từ khắp nơi dồn về rất đông, một số từ Bình Long chạy về, số thì ở đây và lính Sư đoàn 5, Sư đoàn 21 của địch. Chúng chiếm nhà dân làm chiến lũy để đánh trả khi quân ta đánh vào. Khi quân ta đánh mạnh lên, đánh cả chục ngày, khiến địch phải bỏ chạy” - ông Tính hồi tưởng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, dân và quân thị xã Chơn Thành tại lễ công bố Nghị quyết số 570/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Chơn Thành và các phường thuộc thị xã, diễn ra sáng 1-10-2022 - Ảnh: Thanh Mảng
Sinh sống tại Chơn Thành từ năm 1968, gia đình ông Nguyễn Văn Quang ở phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành đã chứng kiến bao cảnh bom đạn, tang thương. 14 tuổi, ông Quang theo cách mạng và nhiều lần bị địch bắt, đánh đập, tra tấn. Những ám ảnh đó khó phai trong ký ức ông. Ông Quang nhớ lại: “Ngày đó chiến tranh khổ lắm, đói khát, đi ra ngoài thì bị địch bắt, chúng đánh đập, không cho mình đi đâu hết. Giặc khoanh vùng cứ ngang 20m, dài 50m rào lại, nhốt người dân trong đó”. Trong nỗi cơ cực ấy, hơn ai hết, ông Quang cùng người dân Chơn Thành luôn khát khao quê nhà được giải phóng. Và ngày giải phóng đã đến, dù phải đánh đổi biết bao tổn thất, đau thương... “Ta đánh 9 ngày không nổi, sau đó nghỉ 2 ngày và ngày thứ 11 là pháo của ta bắn vào. Pháo bắn như lấy gạo rải ra đất khiến sập hầm, sập nhà cửa. Địch chết la liệt, còn lại tên nào sống thì bỏ chạy, sau đó rút về Lai Khê và Chơn Thành được giải phóng” - ông Quang kể.
“Giải phóng Chơn Thành mãi là niềm kiêu hãnh, tự hào của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Chơn Thành. Chiến công này tô thắm thêm những trang sử vẻ vang, địa danh Chơn Thành một lần nữa đi vào lịch sử dân tộc. Chơn Thành được giải phóng là bước ngoặt lịch sử, mở ra trang mới cho người dân được sống trong hòa bình, độc lập, tự do để phát triển. Từ đó thu hút người dân, doanh nghiệp đến làm ăn, sinh sống, xây dựng huyện Chơn Thành lúc đó và thị xã Chơn Thành hôm nay ngày càng giàu đẹp”.
Bí thư Thị ủy Chơn Thành NGUYỄN MINH BÌNH
Hàn gắn vết thương chiến tranh
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hậu quả và dư âm của nó vẫn rất lớn và khốc liệt, ghi dấu mãi trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Sau ngày giải phóng, Chơn Thành có 28 Mẹ Việt Nam anh hùng và hàng trăm người con ưu tú đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở khu phố 3, phường Minh Thành có 2 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Đực, anh trai của bà, đã anh dũng hy sinh trong một trận đánh với quân thù tại địa bàn Minh Long vào ngày 1-4-1975, thời khắc Chơn Thành chuẩn bị được giải phóng. Đau thương, mất mát là rất lớn, nhưng đây cũng là niềm tự hào của gia đình bà Liên vì sự cống hiến, hy sinh đó đã đổi lại bình yên cho quê hương, cho sự phát triển giàu mạnh của Chơn Thành ngày nay. Gia đình bà cũng cảm thấy ấm lòng khi Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp đã thực hiện rất tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa.
Phát triển công nghiệp là thế mạnh của Chơn Thành
Bước ra khỏi cuộc chiến, những người năm xưa từng trực tiếp tham gia giải phóng Chơn Thành lại tiếp tục cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương. Từ một vùng rừng rú với ít cao su và là địa bàn của dân phu cùng đồng bào dân tộc thiểu số, Chơn Thành đã nhanh chóng chuyển thành một vùng kinh tế mới, với cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển tốt. Điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, vị trí thuận lợi, Chơn Thành là nơi hội tụ của nhiều tầng lớp nhân dân khắp mọi miền Tổ quốc về sinh cơ, lập nghiệp.
“Ðất lửa” vươn mình
Khi tỉnh Bình Phước được tái lập năm 1997, Chơn Thành là một trong 2 thị trấn của huyện Bình Long. Ngày 20-3-2003, huyện Chơn Thành được thành lập, trở thành một trong 11 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Bình Phước, đây là điều kiện tốt để địa phương được đầu tư, khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy truyền thống vẻ vang để phát triển giàu mạnh.
Chơn Thành vươn mình sau 50 năm giải phóng - Ảnh: Phú Quý
Trong các nhiệm kỳ, Đảng bộ Chơn Thành luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết toàn dân; xây dựng Chơn Thành trở thành đô thị mới văn minh và từng bước hiện đại; phát triển mạnh về kinh tế. Điểm sáng nổi bật trong những nhiệm kỳ đầu sau khi thành lập huyện là sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, kết cấu cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao…
Chơn Thành hiện có 4 khu công nghiệp đã được lấp đầy. Đặc biệt, Khu liên hợp công nghiệp và đô thị Becamex - Bình Phước có quy mô hơn 4.633 ha được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, đến nay thu hút được rất nhiều dự án lớn. Các địa phương của Chơn Thành hiện đã về đích nông thôn mới, trong đó nhiều xã đạt nông thôn mới nâng cao, rất nhiều khu dân cư được công nhận kiểu mẫu. Chơn Thành đang phát triển, đổi mới từng ngày và dấu ấn rõ nét nhất là ngày 1-10-2022, Chơn Thành chính thức trở thành thị xã. Riêng năm 2024, quy mô kinh tế của Chơn Thành đạt 41.036 tỷ đồng, tăng gấp 13 lần so với năm 2003; thu nhập bình quân đầu người đạt 92 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với lúc mới thành lập. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao (bình quân từ 14-15%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ; tốc độ đô thị hóa đạt 76,6%; hạ tầng kinh tế, xã hội, hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại và ngày càng hoàn thiện.
Thị xã Chơn Thành mang vóc dáng của một đô thị năng động, sinh thái, thông minh - Ảnh: Ðặng Hùng
“Với truyền thống anh hùng cách mạng, toàn Đảng bộ, dân và quân Chơn Thành luôn khát vọng vươn mình và quyết tâm cao. Đảng bộ Chơn Thành đã phát huy trí tuệ tập thể, đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ để cụ thể hóa định hướng của tỉnh đối với Chơn Thành và các giải pháp phù hợp điều kiện thực tế địa phương trong từng giai đoạn; kết hợp huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng Chơn Thành ngày càng phát triển” - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành Nguyễn Anh Tài chia sẻ.
Những kỳ tích trong kháng chiến, những thành tựu trong xây dựng và đổi mới của Chơn Thành là câu chuyện đang được truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay. Điều này không chỉ khơi gợi lòng yêu nước, niềm tự hào về lịch sử, truyền thống địa phương mà còn nhắc nhở thế hệ trẻ phải biết sống, học tập và làm việc xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước, để viết tiếp trang sử mới cho Chơn Thành trong tương lai.
Thanh Lâm
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171010/viet-tiep-truyen-thong-ve-vang