Doanh thu kỷ lục nhưng lợi nhuận sụt giảm
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2025, Chứng khoán Vietcap ghi nhận 1.160 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức doanh thu cao nhất trong một quý mà công ty từng đạt được và cũng là lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ đồng kể từ quý 2/2022.
Sự tăng trưởng doanh thu của Vietcap đến từ hầu hết các mảng kinh doanh chính. Cụ thể, mảng đầu tư tự doanh qua các tài sản tài chính FVTPL đóng góp lớn nhất với 579,2 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Hoạt động cho vay và các khoản phải thu mang về 258 tỷ đồng, tăng 10%. Bên cạnh đó, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán cũng ghi nhận mức tăng trưởng 15,6%, đạt 176,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng đột biến gấp 3 lần, đóng góp 81 tỷ đồng vào tổng doanh thu.
Trái ngược với đà tăng của doanh thu, chi phí hoạt động của Vietcap lại tăng 115% so với cùng kỳ, lên mức 772 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là khoản lỗ từ các tài sản FVTPL tăng gấp 3 lần, lên 591,5 tỷ đồng.
Trong văn bản giải trình, Vietcap cho biết dù doanh thu tăng trưởng, chỉ số VN-Index đã có những biến động mạnh trong quý 2/2025 (từ 1.313 điểm về 1.073 điểm vào đầu tháng 4). Diễn biến này đã tác động trực tiếp làm gia tăng chi phí từ hoạt động tự doanh của công ty.
Kết quả, Vietcap báo lãi trước thuế quý 2/2025 đạt 211,5 tỷ đồng, giảm 38,5% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2025, Vietcap ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.011 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 566,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 1%.
Năm 2025, công ty đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế là 1.420 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm, VCI đã hoàn thành được 40% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
Quy mô tài sản và nợ vay thu hẹp
Tính đến ngày 30/06/2025, tổng tài sản của Vietcap đạt 21.898 tỷ đồng, giảm 17,7% so với thời điểm đầu năm. Sự sụt giảm này chủ yếu do khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền giảm 90%, từ 4.755 tỷ đồng xuống còn 472,3 tỷ đồng.
Hai khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là các khoản cho vay (chủ yếu là cho vay ký quỹ) và tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), được duy trì lần lượt ở mức 11.306,6 tỷ đồng và 7.783 tỷ đồng.
Danh mục AFS của Vietcap tại cuối quý 2 bao gồm 6.937 tỷ đồng là chứng khoán niêm yết, với các khoản đầu tư lớn như cổ phiếu IDP (1.945 tỷ đồng), KDH (599 tỷ đồng), FPT (233 tỷ đồng), MBB (181 tỷ đồng), và PNJ (82 tỷ đồng).
Bên phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của công ty giảm 30,7% so với đầu năm, còn 9.459 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 31,5% về mức 8.618 tỷ đồng.
Minh Minh