Nhóm chúng tôi đi Cát Bi (Hải Phòng), mua vé chuyến bay VJ1280, khởi hành lúc 16 giờ 10 phút. Sáng sớm, lần thứ nhất chúng tôi bị đổi sang chuyến bay VJ1278, khởi hành lúc 20 giờ 20 phút. Buổi chiều, đi được nửa đường từ Bình Phước xuống sân bay, lần thứ 2 hãng thông báo delay (trễ), dời lại 21 giờ 20 phút. Tới sân bay, khi làm thủ tục gửi hành lý, lần thứ 3, nhân viên Vietjet cho biết chuyến bay delay, phải 22 giờ mới khởi hành. Vào phòng chờ vật vờ thêm gần 2 giờ đồng hồ, lần thứ 4, bảng điện tử thông báo chuyến bay delay tiếp, giờ khởi hành 00 giờ ngày 22-4.
Và khi mở máy tính viết những dòng này, đã sang ngày mới 22-4 được gần 3 giờ đồng hồ, tôi cùng 2 đồng nghiệp cũng như hàng ngàn hành khách khác, vẫn phải tiếp tục vật vờ chờ đợi để được “Bay là thích” như sologan của Vietjet.
Người lớn, trẻ nhỏ, người đi làm, người về quê, người đi du lịch… đủ cả. Vật vờ trong sân bay, cả ngàn người chờ 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13… tiếng đồng hồ với lời giải thích “Máy bay về trễ” và vẫn chưa biết khi nào mới đến lượt mình.
Nhà ga T1, sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực Vietjet, lúc 3 giờ 20 phút ngày 22-4, hàng trăm khách hàng bị trễ chuyến từ ngày hôm trước vẫn chưa biết khi nào mới được khởi hành
Khu vực nhà ga dành cho Vietjet chật cứng, đông nghẹt. Hành khách của Vietjet từ TP. Hồ Chí Minh đi khắp nơi trong cả nước bị “nhốt” tại sân bay. Đôi co, cãi vã hoài không giải quyết được gì, dần dần mệt, không còn sức để tranh cãi, đôi co nữa, rồi cũng ngồi mà chờ…
Nhiều người mua vé bay buổi chiều, để tối ăn cơm với người thân, nhưng đến 10 giờ đêm mới được đưa ra máy bay, vào trong máy bay rồi, 2 giờ đồng hồ, đến 00 giờ 30 phút lại được… đưa trở lại nhà ga chờ tiếp. Một số hành khách đã nổi đóa với nhân viên của Vietjet, đòi trả lại tiền, hủy vé…
Vietjet nổi tiếng delay xưa nay. Nhưng hàng loạt chuyến bay bị delay nhiều lần/chuyến, mỗi lần vài giờ một cách bất thường như thế, hẳn có lý do đặc biệt. Điều đáng nói là hàng ngàn hành khách không được thông báo rõ ràng từ người có trách nhiệm về lý do đó là gì. Nhân viên của Vietjet chỉ chống cự trả lời như robot “Máy bay về trễ”, rồi chịu trận sự khó chịu, bực bội, thịnh nộ của khách hàng.
Có hàng loạt vấn đề đặt ra, đó chỉ là góc độ cá nhân. Lớn hơn là uy tín của doanh nghiệp, lớn hơn nữa là hình ảnh Việt Nam, uy tín quốc gia trong mắt du khách quốc tế.
Xây dựng thương hiệu, hình ảnh quốc gia là cả một quá trình, với chi phí không nhỏ. Đáng tiếc, trong số hàng ngàn hành khách bị đày ải tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 21-4, có hàng trăm du khách quốc tế, đủ các màu da, cũng có đủ giới tính, lứa tuổi.
Ấn tượng bị “nhốt” tại sân bay cả chục giờ đồng hồ, chắc chắn là một trải nghiệm không thể nào quên với họ tại Việt Nam. Và không chỉ ngay trong ngày 21-4, ấn tượng ấy sẽ được nhân lên với bạn bè, người thân, cộng đồng của họ trong thời gian dài sau ngày này.
Lợi nhuận cho doanh nghiệp, từ đó doanh nghiệp lớn mạnh, đóng góp tốt hơn cho cộng đồng, doanh nghiệp nào cũng sẽ được cộng đồng ủng hộ, đặc biệt với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Nhưng doanh nghiệp được lợi, lại chỉ là cái lợi ngắn hạn và xem nhẹ, thậm chí không quan tâm tới lợi ích của khách hàng, thì không chỉ khách hàng sẽ bày tỏ thái độ, mà còn cần có chế tài từ cơ quan chức năng để bảo vệ môi trường kinh doanh lành mạnh, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng làm tổn thương hình ảnh quốc gia.
Và chế tài ấy cần được công khai, minh bạch để cộng đồng cùng chung tay với doanh nghiệp uy tín cao, đồng thời quay lưng với doanh nghiệp uy tín thấp, chỉ vì bản thân mình. Làm được điều đó mới có được văn minh vận tải như ở Nhật Bản: Tàu cao tốc Shinkansen cũng như các chuyến bay hàng không, nếu có chậm chuyến, thời gian trễ, đơn vị tính là giây, chứ không phải là giờ, là buổi như Vietjet.
Trần Phương