Chiều 15/5, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2025 nhằm thông qua phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ, thương vụ đầu tư máy bay thân hẹp, kiện toàn HĐQT và lựa chọn công ty kiểm toán.
Với tỉ lệ tán thành đạt 100%, ĐHĐCĐ đã nhất trí thông qua phương án phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ giúp củng cố năng lực tài chính của Vietnam Airlines.
Theo đó, tổng số cổ phiếu chào bán là 900 triệu cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phiếu dự kiến chào bán theo mệnh giá là 9.000 tỷ đồng.
Số cổ phiếu trên dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu vào cuối năm 2025. Cổ đông sở hữu cổ phiếu này được chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho các cá nhân, tổ chức trong nước (chỉ chuyển nhượng 1 lần). Tiền bán cổ phiếu tăng vốn sẽ sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines.
Ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines.
Phát biểu giải trình thêm tại Đại hội, theo ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, năm 2025 là năm bản lề để hãng hàng không quốc gia bước vào giai đoạn phát triển mới. Vietnam Airlines dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 22.000 tỷ đồng, thực hiện trong hai đợt, bao gồm tăng 9.000 tỷ đồng ngay trong năm 2025 và tiếp tục tăng thêm 13.000 tỷ đồng vào năm 2026.
Đợt tăng vốn này nhằm củng cố nền tảng tài chính vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững, đặc biệt là giúp Vietnam Airlines thoát khỏi tình trạng âm vốn chủ sở hữu vốn đã "đeo đẳng" suốt những năm qua do ảnh hưởng của đại dịch.
"Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Vietnam Airlines cải thiện khả năng thanh khoản, nâng cao chất lượng các chỉ số tài chính và giảm hệ số nợ. Điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi để Hãng tiếp cận các nguồn vốn phục vụ cho việc phát triển đội bay, nâng cao chất lượng dịch vụ và triển khai các chiến lược dài hạn," ông Hòa nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tăng vốn, Vietnam Airlines tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả và linh hoạt.
"Thực hiện chủ trương của Đảng về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Vietnam Airlines đã giảm một số lượng nhân lực rất lớn. Chỉ riêng "tổng hành dinh" từ hơn 7.000 người lao động trước giai đoạn đại dịch nay chỉ còn 6.000 người nhưng vẫn bảo đảm chất lượng công việc. Người giảm đi nhưng công việc lại nhiều hơn", Chủ tịch Vietnam Airlines nói.
Trong chiến lược hiện đại hóa đội bay, Vietnam Airlines tập trung đầu tư vào các dòng tàu bay thân hẹp nhằm nâng cao hiệu suất khai thác và đáp ứng tốt hơn nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng.
Giải trình thêm về tình hình kinh doanh, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh kết quả kinh doanh của hãng hàng không quốc gia trong năm 2024 và quý I/2025 là rất tích cực với nhiều con số ấn tượng.
Trong đó, động lực chủ yếu tăng trưởng chính trong quý I/2025 đến từ thị trường khách quốc tế, tăng đến 13,5% so với cùng kỳ. Theo đó, lượng khách quốc tế đạt hơn 2 triệu khách trên tổng số hơn 6 triệu lượt khách Vietnam Airlines vận chuyển trong ba tháng đầu năm.
Doanh thu của thị trường bay quốc tế đạt trên 65% tổng doanh thu. Điều này thể hiện xu hướng phục hồi mạnh mẽ cả về quy mô lẫn chất lượng.
Xác định thị trường bay quốc tế có vai trò quan trọng, ông Hà cho biết, trong năm 2025, Vietnam Airlines xác định sẽ khai thác trở lại và khai thác mới 15 đường bay quốc tế.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà.
Một động lực tăng trưởng khác của Vietnam Airlines là diễn biến thuận lợi của giá nhiên liệu – trung bình khoảng 91 USD/thùng, thấp hơn gần 5% so với năm 2024 – đã góp phần cải thiện hiệu quả chi phí đáng kể. Doanh thu từ vận tải hàng hóa cũng vượt kế hoạch hơn 220 tỷ đồng, đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
Bên cạnh đó, hiệu suất vận hành máy bay của Vietnam Airlines cũng được nâng cao, nhờ vào việc chủ động điều chỉnh lịch bay, tối ưu slot khai thác và thuê bổ sung tàu bay trong giai đoạn cao điểm. Hiệu suất khai thác tàu bay tăng gần 10% so với cùng kỳ.
"Từ nền tảng tích cực của quý I, Vietnam Airlines đang khẩn trương chuẩn bị cho cao điểm hè, tiếp tục điều hành mạng bay linh hoạt, đẩy mạnh khai thác các đường bay quốc tế trọng điểm và giữ đà phục hồi ổn định trong các quý tiếp theo. Chúng tôi tin tưởng rằng kết quả này sẽ tạo đà quan trọng để Hãng hoàn thành các mục tiêu kinh doanh trong năm 2025", Tổng Giám đốc Vietnam Airlines khẳng định.
"Tin tưởng cổ phiếu HVN sẽ sớm được đưa ra khỏi diện kiểm soát"
Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến việc cổ phiếu HVN vẫn thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt, ông Trần Văn Hữu – Trưởng ban Tài chính Kế toán của Vietnam Airlines khẳng định là đã thực hiện nhiều giải pháp và xây dựng lộ trình cụ thể.
Theo đó, Vietnam Airlines đã nỗ lực giảm lỗ và tăng trưởng doanh thu trong những năm qua. Đặc biệt, năm 2024 ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt mức kỷ lục 7.958 tỷ đồng. Các giải pháp chủ yếu bao gồm cắt giảm chi phí, tái cơ cấu các khoản vay và đẩy mạnh doanh thu từ hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Hãng cũng đã tối ưu hóa hoạt động khai thác và giảm chi phí thông quan việc tăng cường khai thác các chuyến bay nội địa và quốc tế, đồng thời cải tiến dịch vụ khách hàng nhằm thu hút thêm hành khách. Vietnam Airlines cũng triển khai nhiều biện pháp giảm chi phí hoạt động, trong đó có việc nâng cao hiệu quả sử dụng đội bay và tiết kiệm nhiên liệu.
Về kế hoạch dài hạn, Vietnam Airlines cho biết là đã xây dựng một kế hoạch dài hạn với mục tiêu giảm nợ và đạt lợi nhuận ổn định trong các năm tiếp theo. Các biện pháp cải thiện cơ cấu vốn, tối ưu hóa tài sản và phát triển thương hiệu đã được đưa vào lộ trình.
"Với kết quả kinh doanh ngày càng khả quan và lộ trình phục hồi rõ ràng, Vietnam Airlines tin tưởng cổ phiếu HVN sẽ sớm được đưa ra khỏi diện kiểm soát", Trưởng ban Tài chính Kế toán Vietnam Airlines cho biết.
Ông Trần Văn Hữu – Trưởng ban Tài chính Kế toán của Vietnam Airlines.
Về lo lắng của cổ đông khi phát hành thêm cổ phiếu sẽ làm "loãng" giá trị của cổ phiếu HVN, ông Trần Văn Hữu cho biết việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn lần này được thực hiện theo hình thức tỉ lệ quyền mua, theo đó các cổ đông hiện hữu có quyền theo tỉ lệ sở hữu cổ phiếu hiện hành.
"Về giá cổ phiếu phát hành, Vietnam Airlines phát hành theo một mức rất hợp lý, nhằm hỗ trợ các cổ đông tham gia. Về kế hoạch dùng dòng tiền, Vietnam Airlines sẽ công bố rõ ràng mạch lạch", ông Hữu nói.
50 máy bay chỉ là "nhu cầu tối thiểu"
Về phương án mở rộng đội tàu bay với việc đầu tư thêm 50 máy bay thân hẹp, theo ông Tạ Mạnh Hùng - Thành viên HĐQT Vietnam Airlines cho biết đây là dự án đã báo cáo cấp thẩm quyền từ năm 2017, nhưng đã tạm dừng do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và được khởi động lại theo đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines.
Việc triển khai mua 50 máy bay thân hẹp giai đoạn đến năm 2032 là cấp thiết trong kế hoạch phát triển đội bay của hãng lên 200-230 chiếc (cần bổ sung 120 tàu bay đến năm 2035), trong đó máy bay thân hẹp 130-160 chiếc.
Hiện Vietnam Airlines đang báo cáo cấp thẩm quyền để triển khai dự án từ năm 2030-2032. Việc lựa chọn mua mới 100% dòng máy bay thân hẹp Airbus A320 NEO hoặc Boeing 737 MAX từ nhà sản xuất máy bay sẽ giúp hãng nhận được sự hỗ trợ vốn từ tổ chức tài chính, hỗ trợ về kỹ thuật của nhà sản xuất.
Dự kiến tổng mức đầu tư 50 máy bay thân hẹp và 10 động cơ dự phòng khoảng 3.587 tỷ USD (tương đương 92.379 tỷ đồng).
Theo lộ trình nếu triển khai dự án, năm 2030 Vietnam Airlines sẽ nhận 14 máy bay, năm 2031 nhận 18 máy bay, và năm 2032 nhận 18 máy bay.
Giải trình thêm với cổ đông, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa khẳng định nhu cầu máy bay thương mại của các hãng hàng không sau đại dịch là rất lớn.
"Đối với Vietnam Airlines, chúng tôi xác định đây là giai đoạn phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không, do đó nhu cầu máy bay là rất lớn. Dự kiến trong thời gian tới, Vietnam Airlines cần rất nhiều máy bay mới. Do đó, 50 tàu bay này chỉ là nhu cầu tối thiểu để phát triển.
Trong thời gian tới, khi có cơ hội, khi tình hình tài chính được cải thiện bằng các giải pháp và có sự hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng phát triển đội bay và mạng bay. Riêng trong năm 2025, dự kiến Vietnam Airlines sẽ khai thác trở lại và khai thác mở 15 đường bay quốc tế. Mục tiêu là làm sao để máy bay Vietnam Airlines bay khắp năm châu, bốn bể, đây chính là biên giới mềm của Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Đặng Ngọc Hòa cho biết.
Về nguồn vốn, lãnh đạo Vietnam Airlines khẳng định có rất nhiều giải pháp để huy động vốn. Trước hết là dựa vào hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó là huy động vốn từ các ngân hàng.
"Hiện nay có rất nhiều ngân hàng từ Anh, Mỹ, Hà Lan, Singapore,... hoàn toàn đồng ý cho Vietnam Airlines vay 100% với sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện dự án này", ông Hòa thông tin.
Lê Mạnh Quốc