Trong ba tháng đầu năm 2025, Vietnam Airlines Group (bao gồm các công ty con) đã vận chuyển gần 6,2 triệu lượt hành khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng hãng hàng không Vietnam Airlines vận chuyển hơn 6 triệu lượt khách. Lượng khách quốc tế tăng trưởng mạnh tại các thị trường trọng điểm như Ấn Độ (tăng 26,6%), Trung Đông (tăng 25,8%) và Đông Bắc Á (tăng 13,6%). Đặc biệt, lượng khách doanh thu cao từ Nhật Bản đã phục hồi gần 90% so với giai đoạn trước đại dịch.
Nhờ đó, doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt gần 30.362 tỷ đồng, tăng 8,3% so với quý 1/2024. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không đạt 24.329 tỷ đồng, tăng 7,8%; doanh thu bán hàng tăng 6% lên 4.633 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn hàng hóa, lợi nhuận gộp đạt 6.271 tỷ đồng, tăng tới 53,5% so với cùng kỳ.
Hiệu quả chi phí cũng được cải thiện nhờ giá nhiên liệu bình quân duy trì ở mức khoảng 91 USD/thùng trong quý 1/2025, thấp hơn gần 5% so với bình quân năm trước và thấp hơn nhiều so với dự báo. Bên cạnh đó, mảng vận tải hành khách và vận tải hàng hóa đều ghi nhận kết quả tích cực, với doanh thu ba tháng đầu năm 2025 vượt kế hoạch hơn 220 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng lợi nhuận hoạt động.
Về hoạt động tài chính, doanh thu hoạt động tài chính của Vietnam Airlines trong quý 1 tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ, đạt 480 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm từ hơn 1.470 tỷ đồng xuống còn 1.070 tỷ đồng. Chi phí lãi vay giảm gần 29%, còn 251 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào việc cải thiện kết quả kinh doanh chung.
Tuy nhiên, các loại chi phí hoạt động khác như chi phí bán hàng (1.596 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp (530 tỷ đồng) lần lượt tăng nhẹ so với quý 1/2024 khoảng 14% và 2,3%.
Kết quả cuối cùng, sau khi trừ các loại chi phí và thuế, phí, Vietnam Airlines báo lãi ròng 3.486 tỷ đồng trong quý 1/2025, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản hợp nhất của Vietnam Airlines đạt 59.838 tỷ đồng, tăng hơn 1.650 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản dài hạn chiếm chủ yếu với 40.430 tỷ đồng, giảm nhẹ 418 tỷ đồng, chủ yếu là tài sản cố định.
Tài sản ngắn hạn của hãng đạt 19.048 tỷ đồng, tăng 11,9%, chủ yếu nhờ lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền tăng mạnh 38%, từ 4.626 tỷ đồng lên 6.409 tỷ đồng, cho thấy thanh khoản cải thiện. Các khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.467 tỷ đồng, tăng 15,6%. Hàng tồn kho giảm 421 tỷ đồng còn 2.957 tỷ đồng, giúp giải phóng vốn.
Ở chiều nguồn vốn, tổng nợ phải trả giảm từ 67.531 tỷ đồng xuống còn 65.692 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm nợ dài hạn. Nợ ngắn hạn vẫn chiếm tỷ trọng lớn ở mức 56.399 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Vay và nợ thuê tài chính giảm 832 tỷ đồng còn 19.650 tỷ đồng. Nợ dài hạn giảm 5,6% xuống còn 8.753 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines dù vẫn trong tình trạng âm, đã cải thiện đáng kể từ mức âm 9.344 tỷ đồng đầu năm xuống còn âm 5.854 tỷ đồng vào cuối quý 1/2025, thu hẹp 3.490 tỷ đồng. Khoản lỗ lũy kế chưa phân phối giảm từ 33.164 tỷ đồng còn 30.125 tỷ đồng. Nếu duy trì được đà có lãi trong các quý tới, Vietnam Airlines có thể tiến tới xóa lỗ lũy kế trong thời gian không xa.
Song song với phục hồi tài chính, Vietnam Airlines tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khai thác, mở rộng hợp tác và đổi mới công nghệ. Hãng đã ký biên bản ghi nhớ tài chính trị giá 560 triệu USD với Citibank, hợp tác toàn diện với Vietcombank và triển khai dịch vụ Internet trên máy bay (IFC) cho đội tàu A350. Trên thị trường quốc tế, hãng mở mới đường bay Hà Nội - Bengaluru (Ấn Độ), chuẩn bị khai thác chặng Hà Nội - Hyderabad (Ấn Độ) và khôi phục nhiều chặng Đông Bắc Á. Đồng thời, Vietnam Airlines cũng là hãng bay đầu tiên ở Việt Nam áp dụng xác thực sinh trắc học qua VNeID trong thủ tục check-in.
Khánh Ly