Top 10 Công ty Sản xuất dược phẩm uy tín năm 2024. Nguồn: Báo cáo khảo sát do Vietnam Report thực hiện
Đồng thời, dự kiến sẽ tổ chức Lễ tôn vinh các doanh nghiệp tiêu biểu trong ngành này vào tháng 1/2025 tại Hà Nội.
Báo cáo đánh giá được xây dựng dựa trên nguyên tắc khoa học và khách quan, căn cứ theo 3 tiêu chí chính là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng và kết quả khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2024.
Cụ thể, danh sách Top 10 Công ty Sản xuất dược phẩm uy tín năm 2024 gồm có: Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định, Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Công ty cổ phần Dược phẩm TV.Pharm, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC, Công ty cổ phần Dược phẩm Hà Tây và Công ty TNHH Rohto - Mentholatum (Việt Nam).
Ngoài ra, còn có Top 10 Công ty Phân phối dược phẩm uy tín năm 2024, gồm Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1, Công ty cổ phần Dược phẩm Khương Duy, Công ty cổ phần Dược Phẩm FPT Long Châu, Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2, Công ty cổ phần Dược phẩm Thiết bị y tế Hà Nội, Công ty cổ phần Dược phẩm Việt Hà, Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn, Công ty cổ phần Dược phẩm Thái Minh...
Tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong 10 tháng đầu năm giai đoạn 2023-2024 của doanh nghiệp ngành Dược - Thiết bị y tế và Chăm sóc sức khỏe. Nguồn: Báo cáo khảo sát do Vietnam Report thực hiện
Đánh giá về cục diện thị trường và tầm nhìn dài hạn của ngành Dược, Tổng giám đốc Vietnam Report Vũ Đăng Vinh cho biết, đóng vai trò cầu nối đảm bảo sự tiếp cận kịp thời và an toàn với các sản phẩm y tế, đưa tiến bộ y học và công nghệ tiên tiến đến với cộng đồng, lĩnh vực dược phẩm và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe là nhân tố trọng yếu cho sự phát triển toàn diện của quốc gia, không chỉ thúc đẩy nền kinh tế mà còn chăm sóc và bảo vệ tài sản cốt lõi của xã hội - sức khỏe con người. Sau đà tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2023, ngành này trở nên "chậm lại" trong suốt 10 tháng năm 2024; đặc biệt là ở Quý I và II.
Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, tỷ lệ doanh nghiệp chứng kiến kỳ kinh doanh đi lùi so với mức nền cao của năm trước ghi nhận sự gia tăng. Bức tranh doanh thu không biến động quá mạnh so với cùng kỳ năm 2023 song tỷ lệ doanh nghiệp sụt giảm về lợi nhuận lại tăng lên đáng kể từ 21,1% lên 37,5%. Biến động giá nguyên liệu đầu vào, sức mua sụt giảm do bị giới hạn bởi xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân, một số sản phẩm hỗ trợ chống dịch chậm luân chuyển và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khiến thị trường nói chung có phần kém thuận lợi hơn trong những tháng đầu năm nay.
Mặc dù vẫn đối mặt với nhiều thách thức đáng kể, những tháng cuối năm 2024 được kỳ vọng sẽ chứng kiến bức tranh khả quan hơn của các doanh nghiệp trong ngành này. Nền kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển sang phục hồi với sự cải thiện rõ rệt ở nhiều chỉ số sẽ là nền tảng vững chắc hỗ trợ cho động lực tăng trưởng của ngành. Ngoài ra, theo chia sẻ của lãnh đạo doanh nghiệp, Quý IV thường là quý có hoạt động kinh doanh sôi động nhất trong năm, đặc biệt, đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhu cầu đối với các sản phẩm thường gia tăng do thời tiết giao mùa và một số dịch bệnh thường phát sinh vào giai đoạn này như dịch sốt xuất huyết, siêu vi, cảm cúm…
Sự lạc quan cũng được duy trì trong góc nhìn của doanh nghiệp về triển vọng năm 2025. Kết quả khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 66,6% số doanh nghiệp đặt niềm tin vào sự phát triển của thị trường, chỉ 13,4% dự đoán sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn, trong khi 20,0% giữ quan điểm rằng thị trường sẽ duy trì trạng thái ổn định, không có nhiều biến động so với năm 2024.
Kênh phân phối thuốc ở các bệnh viện vốn chiếm ưu thế trong doanh thu của ngành, được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì và chứng kiến sự tăng trưởng nhờ chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và các quy chế đấu thầu thuốc trong bệnh viện được nới lỏng và thông thoáng hơn, cùng với đó là sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm dược phẩm chuyên biệt, đặc biệt là những loại thuốc hiếm, thuốc sinh học và thuốc điều trị các bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, kênh phân phối qua nhà thuốc dù tăng trưởng doanh thu không quá ấn tượng trong 10 tháng qua, cũng được đa số doanh nghiệp kỳ vọng có nhiều chuyển biến tích cực hơn trong năm 2025.
Về dài hạn, ông Vũ Đăng Vinh nhận định, thị trường dược phẩm và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng cao và dư địa phát triển lớn. Việt Nam đang thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) dự kiến sẽ đạt 6-8% trong giai đoạn 2023-2028 (theo IQVIA). Bên cạnh đó, theo dự báo của tổ chức thống kê Statista, doanh thu thị trường thiết bị y tế Việt Nam cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định qua các năm, từ mức 922 triệu USD năm 2016 lên 1,6 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến đạt 2,5 tỷ USD vào năm 2029.
Nhìn chung, ngành dược và thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe của Việt Nam được đánh giá có sức bật mạnh mẽ, bất chấp các yếu tố rủi ro tiềm tàng trên thị trường. Động lực mạnh mẽ thúc đẩy thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam bao gồm những chính sách hỗ trợ của Chính phủ và những điều chỉnh, bổ sung trong Luật Dược sẽ tạo ra môi trường pháp lý rõ ràng, hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành và định hướng cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp; nhu cầu dược phẩm và chăm sóc sức khỏe gia tăng khi Việt Nam đang trong quá trình già hóa dân số, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% trong năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023 và tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm như tim mạch, alzheimer, ung thư phổi và tiểu đường… ngày càng phổ biến.
Thêm vào đó, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng ý thức về sức khỏe và chủ động phòng ngừa bệnh tật trong khi thu nhập khả dụng tăng, kéo theo sự cải thiện mức chi tiêu cho dược phẩm và các thiết bị chăm sóc sức khỏe. Theo tổ chức Fitch Solutions, chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm dự báo sẽ tăng từ 1,46 triệu đồng hồi năm 2021 lên mức 2,12 triệu đồng vào năm 2026, với CAGR 7,8%, tương đương 5% thu nhập bình quân hàng năm. Cuối cùng, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế tạo cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường độ phủ thương hiệu, thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, ông Vinh nhấn mạnh.
Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN