Phiên đấu giá có sự tham gia của hai doanh nghiệp là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Giá khởi điểm của khối B2-B2' là 1.955.613.000.000 đồng, được thực hiện bằng cách bỏ phiếu trực tiếp nhiều vòng, với bước giá 20 tỷ đồng. Sau 2 vòng đấu, Tập đoàn Viettel đã trúng giá khối băng tần B2-B2’ này.
Đây là lần tổ chức đấu giá lại khối băng tần B2-B2’, sau khi phiên đấu giá trước đó vào tháng 2/2025 bị hủy do chỉ có một doanh nghiệp nộp hồ sơ, không đáp ứng đủ điều kiện theo quy định. Để đảm bảo tiến độ cấp quyền sử dụng tần số cho việc triển khai mạng 5G, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra thông báo mở đấu giá lại vào ngày 24/3/2025, đồng thời cho phép tổ chức đấu giá trong trường hợp chỉ có một doanh nghiệp tham gia.
Trong phương án đấu giá băng tần B2-B2', Bộ Khoa học và Công nghệ không buộc doanh nghiệp phải triển khai 5G ở băng tần này, nhưng nhà mạng sở hữu sẽ có lợi thế về vùng phủ.
Khối băng tần B2-B2’ nằm trong dải 700 MHz được xem là là "băng tần kim cương" do sở hữu những ưu thế vượt trội về mặt kỹ thuật, giúp triển khai các công nghệ mạng di động tiên tiến như 4G, 5G, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện hạ tầng truyền dẫn còn nhiều hạn chế.
Tính đến hết tháng 4/2025, Viettel đang sở hữu khoảng 10.470 trạm BTS, bao gồm cả 4G và 5G, và đang tích cực mở rộng hạ tầng để đạt mục tiêu 20.000 trạm 5G trong năm 2025, để phủ sóng 95% khu vực trung tâm dân cư đô thị trên cả nước.
Hạ Chi