Tổng doanh thu thuần trong kỳ đạt 12.935 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nguồn thu từ thị trường nội địa vẫn chiếm tỷ trọng lớn, đóng góp 77%, trong khi các thị trường quốc tế mang về 23%.
Sự sụt giảm chủ yếu đến từ thị trường trong nước khi doanh thu chỉ đạt 10.011 tỷ đồng, giảm 13% so với quý I/2024. Doanh thu từ công ty mẹ – đơn vị đóng vai trò chủ lực – cũng giảm 13,5% xuống còn 8.804 tỷ đồng. Trong bối cảnh sức mua có dấu hiệu chững lại và cạnh tranh trên thị trường sữa ngày càng gay gắt, đây là một diễn biến không quá bất ngờ nhưng vẫn cho thấy nhiều áp lực nội tại.
Báo cáo tài chính hợp nhất của VNM
Ngược lại, mảng kinh doanh quốc tế tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực, đánh dấu quý tăng trưởng thứ bảy liên tiếp. Doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 2.924 tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ hoạt động xuất khẩu. Trong đó, riêng mảng xuất khẩu trực tiếp đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ tới 25%, lên 1.620 tỷ đồng, với động lực chính đến từ các thị trường truyền thống tại Trung Đông, đặc biệt là Iraq. Tuy nhiên, các chi nhánh tại nước ngoài ghi nhận doanh thu 1.304 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Vinamilk đạt lợi nhuận gộp hợp nhất ở mức 5.210 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 40,3%. Dù có phần suy giảm so với mức 41,9% cùng kỳ năm trước, nhưng đã phục hồi nhẹ so với quý cuối năm 2024, cho thấy một phần hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí và cơ cấu sản phẩm.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng lại cho thấy mức giảm mạnh. Trong quý I/2025, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 1.587 tỷ đồng, trong đó phần lợi nhuận thuộc cổ đông công ty mẹ là 1.568 tỷ đồng – lần lượt giảm 28% và 29% so với cùng kỳ năm 2024.
Đây là mức lợi nhuận quý thấp nhất của Vinamilk kể từ quý II/2015, phản ánh rõ nét tác động kép từ doanh thu nội địa suy giảm và áp lực chi phí hoạt động.
Với kế hoạch năm 2025, Vinamilk đặt mục tiêu đạt 64.505 tỷ đồng doanh thu và 9.680 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 4,3% và 2,4% so với năm 2024. Như vậy, sau ba tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được khoảng 20% kế hoạch doanh thu và 16% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Vinamilk đạt 55.014 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu tăng nhẹ 4%, lên 37.622 tỷ đồng. Đáng chú ý, gần một nửa tổng tài sản – tương đương 25.709 tỷ đồng – là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, cho thấy tiềm lực tài chính mạnh và khả năng đảm bảo thanh khoản tốt của doanh nghiệp. Chỉ riêng khoản tiền gửi cũng mang về cho Vinamilk 341 tỷ đồng tiền lãi trong quý đầu năm.
Hàng tồn kho ghi nhận gần 7.000 tỷ đồng, chủ yếu bao gồm nguyên vật liệu và thành phẩm, trong đó đã trích lập dự phòng giảm giá khoảng 37 tỷ đồng – phản ánh sự thận trọng trong việc đánh giá giá trị hàng tồn.
Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả ở mức 17.391 tỷ đồng, trong đó hơn 10.060 tỷ đồng là các khoản vay ngắn hạn. Trong quý I/2025, chi phí lãi vay của Vinamilk là 75 tỷ đồng, không biến động nhiều so với các kỳ gần đây.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 26/4, bà Mai Kiều Liên – Tổng giám đốc Vinamilk – đã chia sẻ quan điểm trước những quan ngại về tác động của việc Mỹ tăng thuế đối với hàng hóa Việt Nam. Theo bà Liên, do tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ không lớn và thị trường nội địa vẫn là ưu tiên hàng đầu, ảnh hưởng đến Vinamilk được đánh giá là không đáng kể.
Cụ thể, đối với mặt hàng sữa nước – vốn đang chịu thuế nhập khẩu vào Việt Nam từ 2% đến 15% – nếu thuế này giảm về 0%, một số biến động thị trường có thể xảy ra. Tuy nhiên, sản phẩm nhập khẩu khó có thể cạnh tranh với hàng nội địa nhờ lợi thế về độ tươi, chi phí vận chuyển thấp và giá thành phù hợp.
Với sữa bột, dù thuế nhập khẩu hiện ở mức 10% và có khả năng được miễn, nhưng theo bà Liên, mức chênh lệch giá giữa các phân khúc vẫn lớn, do đó sữa nhập khẩu – kể cả ở phân khúc cao cấp – vẫn khó thay thế vị thế của các thương hiệu nội địa hiện nay.
Bà Mai Kiều Liên nhấn mạnh, mặc dù thị trường xuất khẩu đang có tốc độ tăng trưởng tích cực, nhưng tỷ trọng chưa lớn nên ảnh hưởng đến kết quả chung của doanh nghiệp là không đáng kể. Vinamilk vẫn đặt trọng tâm phát triển ở thị trường trong nước và cam kết thích nghi nhanh chóng với những biến động vĩ mô trong năm 2025 nhằm đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra.
An Vũ