Lợi nhuận quý 4/2024 giảm nhẹ, cả năm tăng 4,8%
Lũy kế năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã cổ phiếu VNM - sàn HoSE) đạt 61.824 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cùng kỳ. Xét về cấu trúc doanh thu, thị trường nội địa vẫn đóng góp chính với 50.799 tỷ đồng, tăng nhẹ 0.4% so với cùng kỳ, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực trong giai đoạn nhiều “chông gai” của thị trường nói chung và ngành F&B nói riêng năm qua. Năm 2024, lợi nhuận sau thuế Vinamilk ghi nhận 9.453 tỷ đồng đạt mục tiêu đề ra, nhờ kiểm soát hiệu quả chi phí vận hành.
Doanh thu từ thị trường nước ngoài đã bù đắp phần nào sụt sụt giảm doanh thu nội địa của Vinamilk trong quý 4/2024.
Ngoài ra, công ty cũng đã hoàn thành mục tiêu chiến lược là đổi mới thương hiệu trong năm 2024.
Dữ liệu từ Global Dairy Trade cho thấy trong năm 2024, giá sữa bột nguyên chất (WMP) đã tăng 10 - 15%, sữa bột tách béo (SMP) tăng 2 - 5% so với năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng đầu năm 2025. Đây cũng là một thách thức đối với các doanh nghiệp sữa. Đại diện Vinamilk cho biết, công ty sẽ theo dõi sát những biến động của chi phí nguyên liệu trong thời gian tới để đảm bảo mức biên lợi nhuận gộp không giảm.
Tương quan giữa giá sữa bột và biên lợi nhuận gộp của Vinamilk. (Nguồn: Bloomberg, Global Dairy Trade, Chứng khoán Phú Hưng)
Vinamilk hiện đang quản lý đàn bò sữa với quy mô khoảng 140.000 con, bao gồm hơn 100.000 con bò thuộc hộ nông dân địa phương hợp tác với công ty.
Trong cơ cấu chi phí sản xuất của Vinamilk, nguyên vật liệu chiếm tới 50%, khiến biên lợi nhuận gộp chịu tác động lớn từ biến động giá bột sữa nguyên liệu nhập khẩu. Hiện biên lợi nhuận gộp của Vinamilk vẫn đang dẫn đầu trong các doanh nghiệp ngành sữa niêm yết.
Ngành sữa nước đối mặt tăng trưởng thấp
Đánh giá về triển vọng thị trường trong năm nay, Chứng khoán Phú Hưng nhận định tình hình sản xuất sữa trong nước vẫn chưa cho thấy dấu hiệu tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Cụ thể, ngành chăn nuôi bò sữa trong năm 2024 đã phục hồi nhẹ so với năm trước, với sản lượng sữa tươi sản xuất tăng trưởng khoảng 10%, đạt khoảng 2 tỷ lít. Ngược lại, sản lượng sữa bột sản xuất giảm 4,1%, chỉ đạt khoảng 145.000 tấn, cho thấy sự suy giảm tại phân khúc này.
Dự báo tăng trưởng ngành sữa nước Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2029. (Nguồn: Euromonitor, Chứng khoán Phú Hưng)
Bên cạnh đó, làn sóng nhập khẩu sữa giá rẻ qua các kênh thương mại điện tử tiếp tục tạo ra áp lực cạnh tranh đáng kể đối với các doanh nghiệp sữa nội địa, thách thức khả năng duy trì thị phần và lợi nhuận của họ tại thị trường sữa Việt Nam.
“Tốc độ tăng trưởng của ngành sữa nước Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2029 dự kiến ở mức khá khiêm tốn, do đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng bởi các lựa chọn thay thế như sữa thực vật”, Chứng khoán Phú Hưng lưu ý.
Đối với mảng sữa công thức, xu hướng tỷ lệ sinh giảm cùng với việc khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ cũng đặt ra những thách thức lớn đối với nhu cầu tiêu thụ sữa trong tương lai. Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor dự báo, doanh số ngành sữa công thức được dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng CAGR là 0,8%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029, phản ánh những khó khăn vẫn đang tồn tại đối với ngành hàng này.
Duy Quang