VinFast đang nắm trong tay "mỏ vàng" tín chỉ carbon có thể mang về hàng tỷ USD cho nhà sản xuất xe điện Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Hiện các nhóm không đạt được mục tiêu khí hậu của EU đang đứng trước những ngã rẽ: trả tiền phạt với mỗi chiếc xe vượt ngưỡng khí thải, giảm giá mạnh để thúc đẩy doanh số xe điện hoặc mua tín chỉ carbon từ các đối thủ có hiệu suất phát thải tốt hơn.
Các nhà sản xuất ôtô châu Âu, dẫn đầu là Volkswagen, có thể phải trả hàng trăm triệu euro cho các đối thủ xe điện Trung Quốc để mua tín chỉ carbon, trong bối cảnh ngành ôtô cố gắng tránh các khoản phạt tiềm tàng vì không đáp ứng quy định về khí thải năm 2025 do hội nghị Brussels đặt ra, theo Financial Times.
“Giấy phép” trong cuộc đua xanh hóa
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương.
Theo quy định của EU, các nhà sản xuất ôtô phải cắt giảm khí thải. Điều này bao gồm việc chuyển đổi sang sản xuất xe điện, đầu tư vào công nghệ pin tiên tiến và áp dụng các vật liệu nhẹ hơn để giảm trọng lượng xe, giúp tối ưu hóa hiệu suất nhiên liệu.
Ngoài ra, các hãng còn được khuyến khích phát triển công nghệ tái chế khí thải và cải thiện cơ sở hạ tầng sạc điện nhằm thúc đẩy việc sử dụng xe không phát thải.
Nếu không theo kịp quá trình chuyển đổi xe điện, các hãng sẽ phải đối mặt với lựa chọn trả hàng tỷ euro tiền phạt, tăng doanh số xe điện bằng cách giảm giá hoặc mua tín chỉ carbon từ các đối thủ ít gây ô nhiễm hơn.
Hiện châu Âu là lục địa nóng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng nhiệt độ ước tính cao gấp đôi trung bình toàn cầu từ những năm 1980, chủ yếu do gần vùng băng tan của Bắc Cực.
Ủy ban châu Âu dự kiến phạt các nhà sản xuất ôtô 95 euro trên mỗi chiếc xe cho mỗi gram CO2 vượt quá giới hạn 93,6 g/km, dựa trên mức phát thải trung bình của các dòng xe được bán vào năm 2025.
Tín chỉ carbon không tác động trực tiếp đến người mua ôtô, nhưng lại là công cụ quan trọng giúp các “ông lớn” trong ngành ôtô tuân thủ quy định khí thải.
Trong khi đó, các nhà sản xuất xe điện có được lượng tín chỉ carbon dư thừa từ việc sản xuất xe điện. Các hãng có thể bán tín chỉ carbon cho những nhà sản xuất ôtô khác để giúp các bên này tuân thủ những quy định về khí thải.
“Mỏ vàng” cho VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Nhiều nhà sản xuất ôtô tại EU đang tìm cách sử dụng lựa chọn "gộp chung" (pooling) hay còn gọi là đồng bình carbon, trong đó các hãng trung bình hóa lượng khí thải từ đội xe của hãng với các công ty khác đang hoạt động trong khối.
Theo các nhà phân tích, một số nhóm châu Âu có thể phải mua tín chỉ carbon trị giá hàng trăm triệu euro từ các đối thủ Trung Quốc như BYD, vốn có lượng tín chỉ lớn nhờ doanh số xe điện cao tại EU.
Theo hồ sơ mới nhất của EU, Tesla đang dự kiến gộp tín chỉ carbon với các công ty như Stellantis, Ford và Toyota. Nhà sản xuất xe điện Mỹ đã kiếm được hơn 2 tỷ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm ngoái từ việc bán tín chỉ carbon trong các hệ thống gộp khí thải toàn cầu.
Trong một nhóm khác, Mercedes-Benz đã hợp tác với Polestar và Volvo - cả hai đều thuộc sở hữu của Geely (Trung Quốc). Nhà sáng lập Geely, ông Li Shufu, hiện nắm khoảng 10% cổ phần của Mercedes-Benz, trong khi tập đoàn quốc doanh BAIC của Trung Quốc cũng sở hữu 10% khác.
Mercedes tuyên bố rằng hãng vẫn tiếp tục “đầu tư hàng tỷ euro vào xe điện” nhưng thừa nhận tốc độ chuyển đổi của ngành “phụ thuộc vào điều kiện thị trường và khách hàng”.
Trong bối cảnh này, nhà sản xuất xe điện của Việt nam - VinFast - với chiến lược tấn công mạnh mẽ vào thị trường xe điện toàn cầu, đang nắm cơ hội tận dụng lợi thế từ tín chỉ carbon để tạo ra nguồn doanh thu đột phá.
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024, VinFast đã đề ra mục tiêu 200.000 tỷ đồng doanh thu và đạt 4.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Đồng thời, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiết lộ việc VinFast đã thành lập tổ công tác để thúc đẩy việc bán tín chỉ carbon không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước khác.
VinFast có thể tận dụng cơ hội trong sân chơi tín chỉ carbon trị giá hàng chục tỷ USD. Ảnh: Reuters.
Áp lực của châu Âu
Volkswagen (VW) và Renault, 2 nhà sản xuất được cho là gặp khó khăn trong việc đạt mục tiêu bằng doanh số của chính mình, có ít lựa chọn gộp chung ngoài các nhà sản xuất Trung Quốc như MG-SAIC và BYD. Renault cũng có thể hợp tác với các đối tác chiến lược như Nissan và Mitsubishi.
Một số giám đốc ngành xe hơi cảnh báo rằng việc đồng bình carbon có thể làm suy giảm khả năng cạnh tranh của ngành xe hơi châu Âu, đặc biệt trong bối cảnh EU đã áp thuế cao hơn đối với xe điện Trung Quốc để bảo vệ các hãng xe trong khu vực.
Việc dựa vào tín chỉ carbon từ các đối thủ quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, không chỉ tạo lợi thế cho đối thủ mà còn làm tăng sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất ngoài khu vực, điều này đi ngược lại nỗ lực bảo vệ và phát triển ngành công nghiệp nội địa của EU.
Một số lãnh đạo ngành cảnh báo sắp xếp này có thể làm giảm tính cạnh tranh của ngành công nghiệp châu Âu, đặc biệt khi Brussels đã áp thuế cao hơn lên xe điện Trung Quốc.
Ông Jens Gieseke, một nghị sĩ trung hữu tại Nghị viện châu Âu, cho rằng EU đã mắc sai lầm khi cho phép gộp chung với các nhà sản xuất Mỹ và Trung Quốc, vì điều này có thể mang lại lợi ích cho đối thủ của các nhà sản xuất châu Âu.
Các công ty trong ngành không muốn công khai con số chi trả dự kiến, bởi các giao dịch tín chỉ carbon được thực hiện bí mật, dựa trên mạng lưới liên minh và cổ phần phức tạp.
Nhà phân tích Patrick Hummel của UBS nhận định rằng nếu Volkswagen chọn gộp chung, hãng có thể cần hợp tác với nhiều công ty Trung Quốc vì BYD có thể không đủ doanh số xe điện tại châu Âu để lấp đầy khoảng cách của Volkswagen.
Hãng xe điện BYD là một trong những nguồn cung cấp tín chỉ carbon cho các hãng ôtô tại châu Âu. Ảnh: Reuters.
Theo UBS, Volkswagen sẽ cần gần như gấp đôi doanh số xe điện chỉ trong một năm để tự đạt mục tiêu của EU. Công ty không có kế hoạch ra mắt mẫu xe điện đại trà nào mới vào năm 2025. Renault đang hy vọng tăng doanh số xe điện với mẫu xe mới giá 25.000 euro.
Volkswagen cam kết sẽ nỗ lực tự đạt mục tiêu và tránh bị phạt, đồng thời cho biết các biện pháp hợp tác sẽ chỉ được xem xét sau khi đã thực hiện các bước khác.
Renault cho biết sẽ chưa quyết định về việc hợp tác nhưng cảnh báo rằng các thỏa thuận với đối tác Trung Quốc có thể làm yếu đi ngành ôtô châu Âu.
Brussels đang chịu áp lực từ ngành ôtô để điều chỉnh quy định khí thải, đặc biệt khi doanh số xe điện tại Đức và Pháp giảm sau khi chính phủ cắt giảm trợ cấp mua xe điện.
Ủy viên khí hậu của EU, ông Wopke Hoekstra, đã gặp gỡ các đại diện ngành ôtô gần đây và một “đối thoại chiến lược” giữa các quan chức và ngành sẽ bắt đầu trong tháng này.
Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra là liệu EU có thể điều chỉnh chính sách để vừa thúc đẩy chuyển đổi xanh, vừa hỗ trợ ngành công nghiệp vượt qua thách thức cạnh tranh toàn cầu hay không.
Phương Linh