Vingroup, Hòa Phát, ACV, GAS... đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý 3

Vingroup, Hòa Phát, ACV, GAS... đồng loạt công bố kết quả kinh doanh quý 3
3 giờ trướcBài gốc
Theo thống kê từ FiinTrade, tính đến chiều ngày 30/10/2024 đã có 911 doanh nghiệp niêm yết đại diện 84,6% vốn hóa toàn thị trường công bố kết quả kinh doanh quý 3.
Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế quý 3/2024 của 911 doanh nghiệp tăng 16,1% so với cùng kỳ 2023, nhưng giảm 3,1% so với quý trước liền kề do kết quả kém tích cực từ nhóm tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Xét theo quy mô vốn hóa, tăng trưởng lợi nhuận đóng góp chủ yếu bởi nhóm vốn hóa lớn VN30 tăng 20,2% so với cùng kỳ trong khi nhóm vốn hóa vừa VNMID và nhỏ VNSML tăng lần lượt 8,5% và 30,6%.
TĂNG TRƯỞNG LỢI NHUẬN TRÁI CHIỀU CỦA CÁC DOANH NGHIỆP “HỌ” VIN
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 và kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm do Tập đoàn Vingroup (mã chứng khoán: VIC) vừa công bố. Trong quý 3, tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã ghi nhận 62.850 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu hoạt động tài chính của Vingroup cũng đã tăng gấp 6,5 lần, mang về gần 8.600 tỷ đồng. Theo thuyết minh báo cáo, phần tăng thu này chủ yếu đến từ tiền lãi thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con. Ngoài ra, Vingroup cũng ghi nhận khoản lãi chênh lệch tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng trong quý vừa qua.
Trong bối cảnh hai nguồn thu chính tăng mạnh, chi phí tài chính và chi phí quản lý cùng được tiết giảm, việc chi phí bán hàng tăng 60% không tác động lớn đến đà tăng trưởng lợi nhuận của Vingroup.
Kết quả, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng đã thu về 2.015 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế quý 3, tăng gấp 3 lần số thu cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đây cũng là mức lợi nhuận quý cao nhất 5 năm trở lại đây của Vingroup.
Lũy kế 9 tháng, tập đoàn này ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 126.916 tỷ đồng, giảm 5%. Tuy vậy, cũng nhờ số tăng thu hàng chục tỷ đồng từ hoạt động tài chính, lợi nhuận sau thuế 9 tháng của Vingroup đã tăng gần 3 lần, đạt 4.069 tỷ đồng.
Năm 2024, Vingroup đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 4.500 tỷ đồng. Như vậy sau 9 tháng, doanh nghiệp của ông Vượng đã hoàn thành 90% kế hoạch năm. Tại ngày 30/9, tổng tài sản Vingroup đạt gần 791.500 tỷ đồng, tăng 19% so với cuối năm ngoái.
Tương tự, Công ty Cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) ghi nhận doanh thu thuần quý 3 đạt 33.323 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý vừa qua, giá vốn bán hàng tăng gần 33% lớn hơn nhiều so với đà tăng doanh thu đã khiến biên lợi nhuận gộp của Vinhomes giảm từ 46% còn 29%.
Trong khi đó, các khoản chi phí phát sinh trong kỳ đều tăng mạnh với chi phí tài chính tăng 63%, chi phí bán hàng tăng 139% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 74%. Các yếu tố này là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế quý 3 của Vinhomes giảm 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.980 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng, nhà phát triển bất động sản thuộc Tập đoàn Vingroup đã ghi nhận 69.910 tỷ đồng doanh thu và 20.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 26% và 36% so với cùng kỳ năm trước.
Đến cuối tháng 9, tổng giá trị tài sản của Vinhomes đạt gần 524.700 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm và tiếp tục là nhà phát triển bất động sản lớn nhất trong nước.
Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2024 của Vincom Retail (mã chứng khoán: VRE) cho biết tổng doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.077 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, công ty này báo lãi sau thuế hơn 906 tỷ đồng trong quý vừa qua.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vincom Retail ghi nhận doanh thu thuần 6.811 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch cả năm và lợi nhuận sau thuế đạt 3.010 tỷ đồng, tương ứng 68% kế hoạch.
Quý 3 vừa qua cũng là quý kinh doanh trọn vẹn đầu tiên Vincom Retail vận hành khi không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup, sau khi tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thoái một phần vốn khỏi nhà phát triển bất động sản bán lẻ này hồi tháng 4.
Cuối kỳ kinh doanh này, Vincom Retail cho biết đã thu hồi khoản cho vay 2.350 tỷ đồng từ các bên liên quan. Số dư tiền và tương đương tiền cuối kỳ đạt 4.885 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty tăng hơn 3.000 tỷ đồng lên trên 40.800 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng hơn 5.500 tỷ đồng lên gần 53.200 tỷ đồng.
GAS VẪN LÀ “VUA TIỀN MẶT”, BSR LỖ QUÝ 3 HƠN 1.000 TỶ ĐỒNG
Tại nhóm dầu khí, Tổng Công ty khí Việt Nam (PV GAS, mã chứng khoán: GAS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2024 với doanh thu 25.257 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, công ty lãi sau thuế 2.578 tỷ đồng, tăng nhẹ so với quý 3/2023.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, GAS đạt 78.643 tỷ doanh thu, tăng hơn 10.000 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 8.538 tỷ đồng, giảm 5%. Đáng chú ý, khoản lãi từ tiền gửi của GAS là 1.125 tỷ đồng, tương đương hơn 4 tỷ đồng/ngày.
Năm 2024, GAS đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 70.716 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.798 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 51% so với thực hiện 2023. Do chỉ tiêu đề ra thấp nên công ty đã vượt xa kế hoạch sau 9 tháng.
Công ty cũng cho biết đã giảm được 2.067 tỷ đồng nợ xấu so với cuối quý 2/2024, còn 4.407 tỷ đồng. Trong đó, khoản nợ xấu lớn nhất là của Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power, mã chứng khoán: POW) có giá trị hơn 2.020 tỷ đồng.
Nợ xấu giảm mạnh so với đầu quý, nhưng vẫn tăng hơn 3.100 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Hơn 4.400 tỷ đồng nợ xấu này chiếm tỷ lệ gần bằng 5% tổng tài sản của GAS và thấp hơn rất nhiều so với 44.800 tỷ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng mà "vua tiền mặt" đang nắm giữ.
Lọc Hóa dầu Bình Sơn (mã chứng khoán: BSR) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu đạt 31.945 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lên tới 33.415 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận gộp của công ty âm 1.470 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu tài chính đạt 554 tỷ đồng vẫn không đủ để bù đắp các chi phí, dẫn đến khoản lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái BSR lãi tới 3.620 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, BSR ghi nhận doanh thu hơn 87.058 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 674 tỷ đồng, giảm mạnh đến 89%. Với mục tiêu doanh thu 95.274 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.148 tỷ đồng trong năm 2024, công ty mới hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối quý 3, tổng tài sản của BSR đạt 89.100 tỷ đồng, tăng khoảng 2.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, khoản tiền và các khoản tương đương tiền tăng mạnh lên 13.159 tỷ đồng, trong khi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm 7.000 tỷ đồng. BSR cũng ghi nhận nợ phải trả đạt 33.477 tỷ đồng, tăng 4.152 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nợ vay chiếm 14.119 tỷ đồng.
Cũng trong quý 3, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, mã chứng khoán: OIL) mang về 31.077 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 29% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng của doanh thu chậm hơn giá vốn khiến lãi gộp của công ty giảm 27% xuống 832 tỷ đồng.
Kỳ này, các chi phí hoạt động của PV OIL đều được tiết giảm. Song, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn giảm 84% xuống 37 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 87% xuống 28 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, PV OIL ghi nhận 95.410 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% so với cùng kỳ. Trong khi, lợi nhuận sau thuế giảm 42% xuống 382 tỷ đồng.
Năm 2024, PV OIL kỳ vọng đạt 83.000 tỷ đồng doanh thu (tính trên giá dầu thô 70 USD/thùng) và 592 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau ba quý, công ty vượt 15% kế hoạch doanh thu và thực hiện được 65% mục tiêu lợi nhuận.
HÒA PHÁT LÃI LỚN, ACV ĐỨT CHUỖI 7 QUÝ TĂNG TRƯỞNG LIÊN TIẾP
Tại nhóm thép, Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) ghi nhận doanh thu hợp nhất trong quý 3/2024 đạt 34.300 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.022 tỷ đồng, lần lượt tăng 19% và 51% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, so với quý 2/2024, doanh thu có sự sụt giảm 14% do giảm sản lượng và giá bán mặt hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC).
Lũy kế 9 tháng, tập đoàn mang về doanh thu 105.329 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 9.210 tỷ đồng, tăng 140% so với cùng kỳ, lần lượt hoàn thành 75% và 92% kế hoạch năm. Về cơ cấu, nhóm thép đóng góp lớn nhất khi chiếm tỷ trọng 92% doanh thu và 84% lợi nhuận. Tiếp đến là nhóm nông nghiệp với 6% và 9%; nhóm bất động sản với 2% và 6%.
Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (mã chứng khoán: ACV) công bố báo cáo tài chính quý 3/2024 với doanh thu 5.655 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trừ giá vốn, lợi nhuận gộp của công ty đạt 3.631 tỷ đồng, tăng 9,2%. Biên lãi gộp đạt mức 64,2%.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của ACV lại giảm 15,7% còn hơn 2.878 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.977 tỷ đồng, giảm 18,3%. Như vậy doanh nghiệp này đã đứt chuỗi 7 quý tăng trưởng liên tiếp.
Trong kỳ, ACV ghi nhận doanh thu tài chính giảm 70% còn 294 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng vọt từ 20 tỷ lên 809 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do ACV đã lỗ gần 800 tỷ đồng vì tỷ giá.
Lũy kế 9 tháng, ACV ghi nhận doanh thu 16.833 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 7.469 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,3% và 24,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của ACV đạt 73.258 tỷ đồng, tăng gần 6.000 tỷ đồng so với số đầu năm. Trong đó, công ty đang có hơn 27.241 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, chiếm 37% trong cơ cấu tài sản.
Tài sản dài hạn dở dang ở mức 14.880 tỷ đồng. Đây là số tiền mà doanh nghiệp này chi ra để xây dựng sân bay. Trong đó, ACV đã chi ra 9.500 tỷ đồng cho giai đoạn 1 của sân bay Long Thành và hơn 3.700 tỷ đồng cho nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 13.782 tỷ đồng. Trong đó, ACV đang ghi nhận 8.846 tỷ đồng nợ xấu từ các hãng hàng không như Bamboo Airways, Vietjet hay Vietnam Airlines.
Thúy An
Nguồn Thương Gia : https://thuonggiaonline.vn/vingroup-hoa-phat-acv-gas-dong-loat-cong-bo-ket-qua-kinh-doanh-quy-3-post555696.html