Hình ảnh chụp vệ tinh Vịnh Ba Tư (trái) thông với Vịnh Oman qua Eo biển Hormuz. (Nguồn: NASA)
Trong thông báo chính thức hôm 9/5, Nhà Trắng cho biết, ông Trump sẽ sử dụng tên gọi Vịnh Arab (Arabian Gulf) thay vì Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) trong các văn kiện và bài phát biểu khi thăm Saudi Arabia. Động thái này được cho là nhằm ghi điểm với Riyadh và các đồng minh Arab, nhưng đã lập tức vấp phải phản ứng gay gắt từ phía Tehran.
Đằng sau cuộc tranh cãi về danh xưng là một bức tranh rộng lớn hơn, phản ánh lịch sử, địa chính trị, bản sắc dân tộc và cán cân quyền lực tại một trong những vùng biển “nóng” nhất trên thế giới.
Một vùng nước, nhiều cạnh tranh
Vịnh Ba Tư nằm giữa Iran ở phía Đông Bắc và các quốc gia thuộc bán đảo Arab như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Iraq ở phía Tây và Tây Nam. Vùng Vịnh này dài khoảng 990 km, rộng khoảng 56-338 km, thông với Vịnh Oman và Biển Arab qua eo biển Hormuz – “nút cổ chai” chiến lược mà theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), có hơn 20% sản lượng dầu mỏ toàn cầu đi qua mỗi ngày.
Thuật ngữ Vịnh Ba Tư đề cập không chỉ riêng khu vực Vịnh mà còn cả các cửa ra của nó là Eo biển Hormuz và Vịnh Oman.
Chính vì vai trò vận tải huyết mạch này mà Vịnh Ba Tư từ lâu đã trở thành tâm điểm cạnh tranh chiến lược không chỉ giữa các quốc gia ven biển mà cả các cường quốc toàn cầu như Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga.
Giáo sư Gregory Gause, chuyên gia về chính trị vùng Vịnh tại Đại học Texas A&M, đã phân tích trong cuốn The International Relations of the Persian Gulf (Quan hệ quốc tế tại Vịnh Ba Tư, 2009) rằng, ngoài vai trò kinh tế với luồng dầu mỏ khổng lồ, vùng vịnh này còn là “sân chơi” cho các cường quốc - nơi họ tìm cách thể hiện ảnh hưởng, sử dụng các công cụ đối đầu gián tiếp (như các mối quan hệ “vô hình”, các liên minh, đồng thời kích động hoặc kiềm chế thông qua các chiến lược địa chính trị) nhằm duy trì hoặc tái cấu trúc cán cân quyền lực trong khu vực.
Các căn cứ quân sự, hệ thống radar, hạm đội hải quân và mạng lưới giám sát trải dài khắp khu vực. Mỹ hiện duy trì Hạm đội 5 tại Bahrain, trong khi Anh có căn cứ hải quân tại cảng Mina Salman, cũng đặt ở Bahrain. Pháp đặt căn cứ tại UAE và gần đây, Trung Quốc đã có các thỏa thuận quân sự và thương mại đáng chú ý với các quốc gia vùng Vịnh.
Năm 2016, Trung Quốc ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Saudi Arabia, bao gồm hợp tác quân sự và tình báo. Thêm nữa, Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào hạ tầng năng lượng tại Iraq và Iran trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI).
Về phía Nga, tuy không có sự hiện diện quân sự thường trực như Mỹ hay Anh tại vùng Vịnh, nhưng đã từng bước gia tăng ảnh hưởng thông qua ngoại giao năng lượng và hợp tác quân sự chiến lược.
Đáng chú ý, hồi tháng 10/2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất thành lập một tổ chức với sự góp mặt của Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, các thành viên Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều quốc gia khác để giải quyết những vấn đề “nóng” tại vùng Vịnh, đồng thời đưa ra khái niệm về an ninh tập thể tại vịnh này với mục tiêu hình thành cơ chế hợp tác khu vực, ý tưởng là phát triển chương trình hành động dài hạn để cải thiện tình hình, tăng cường ổn định và an ninh, giải quyết các xung đột, xác định trật tự hậu khủng hoảng và phương thức để đạt được mục tiêu liên quan.
Cuộc chiến bản sắc
Theo báo cáo năm 2006 của Nhóm chuyên gia Liên hợp quốc về tên địa lý (UNGEGN), cụm từ “Vịnh Ba Tư” đã được sử dụng từ thời các sử gia Hy Lạp cổ đại như Herodotus (thế kỷ V trước Công nguyên) và phổ biến trong bản đồ châu Âu từ thời Trung cổ đến hiện đại. Tên gọi này xuất hiện trong các tác phẩm của nhà bác học Hy Lạp Ptolemy (thế kỷ I–II), nhà địa lý Arab Al-Idrisi (thế kỷ XII), cũng như trong tài liệu của các cường quốc thuộc địa như Anh, Pháp và Bồ Đào Nha.
Tuy nhiên, từ giữa thế kỷ XX, đặc biệt khi làn sóng dân tộc chủ nghĩa Arab lan rộng sau Thế chiến II, các nước Arab vùng Vịnh bắt đầu thúc đẩy việc thay thế cách gọi Vịnh Ba Tư bằng Vịnh Arab như một phần của bản sắc chung và để làm giảm ảnh hưởng lịch sử của Iran tại vùng biển này. Đặc biệt, sau Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, sự đối đầu chính trị – tôn giáo giữa Iran theo dòng Shia và các nước Arab theo dòng Sunni càng khiến tên gọi trở thành biểu tượng của ranh giới đối đầu.
Báo cáo của Liên hợp quốc khi đó nêu rõ: “Tên gọi Vịnh Ba Tư đã được công nhận trong tất cả các ngôn ngữ đang được sử dụng trên thế giới cho đến ngày nay. Các quốc gia trên toàn cầu đều gọi vùng biển này theo cách mà người dân bản địa gọi: Vịnh Ba Tư. Ngay cả những người anh em Arab của chúng ta cũng không cần phải thay đổi một tên gọi lịch sử để có một vịnh mang tên mình, bởi vì đã có một vịnh mang tên của họ trước đây được đề cập trong các tác phẩm, bản vẽ lịch sử và địa lý, hiện được gọi là Biển Đỏ”.
Tuy nhiên, cho đến nay, tại nhiều bản đồ, ứng dụng kỹ thuật số và truyền thông quốc tế, tên Vịnh Arab vẫn thi thoảng xuất hiện, như một sự nhượng bộ với các nước Arab – khách hàng dầu mỏ, đồng minh chiến lược và đối tác quân sự quan trọng của phương Tây.
Ý tưởng đổi tên từ Vịnh Ba Tư sang Vịnh Arab của ông Trump đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ người dân Iran, bất kể sự khác biệt về chính trị hay tôn giáo. Nhà sử học Touraj Daryaee, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ba Tư tại Đại học California-Irvine nhận định: “Đây không còn là vấn đề chính trị, chia rẽ hay hệ tư tưởng tôn giáo nữa mà là câu chuyện liên quan đến bản sắc và lịch sử quốc gia – điều chạm đến trái tim người dân. Ông Trump muốn đàm phán với Iran hay tước đi bản sắc dân tộc của nước này?”.
Phía Iran đã phản ứng mạnh với dự định đổi tên này. “Đây là một sự khiêu khích trắng trợn với lịch sử và chủ quyền Iran”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Esmaeil Baghaei, khẳng định đây là “lằn ranh đỏ” của nước Cộng hòa Hồi giáo.
“Duyên nợ”xưa - nay
Sẽ không thể hiểu hết tranh cãi về tên gọi Vịnh Ba Tư/Vịnh Arab hiện nay nếu không nhìn vào chiều sâu lịch sử của vùng Vịnh. Từ cổ đại, đế chế Ba Tư đã kiểm soát toàn bộ bờ biển phía Đông và phần lớn các đảo trên Vịnh. Thành phố cảng cổ Susa, Persepolis hay các đồn trú của người Ba Tư tại đảo Kish và Hormuz cho thấy vùng Vịnh là phần không thể tách rời trong hệ thống thương mại và kiểm soát hàng hải của đế quốc Achaemenid (tồn tại từ khoảng năm 550-330 trước Công nguyên) và Sassanid (từ năm 224-651 sau Công nguyên).
Sau khi đạo Hồi ra đời vào đầu thế kỷ VII, vùng Vịnh trở thành nơi giao thoa giữa hai trung tâm lớn của Hồi giáo: Ba Tư (Iran ngày nay) và bán đảo Arab. Tuy có sự giao thương và trao đổi văn hóa, nhưng những khác biệt tôn giáo, sắc tộc và tham vọng bá quyền vẫn tiềm ẩn.
Tới thời thuộc địa (thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX) , nước Anh đóng vai trò “người gác cửa” tại vùng Vịnh, ký hàng loạt hiệp ước bảo hộ với các tiểu vương quốc ven biển phía Tây (tiền thân của UAE, Qatar, Bahrain…). Mặc dù Iran vẫn giữ được chủ quyền về danh nghĩa, nhưng ảnh hưởng của Anh và sau này là Mỹ đã thay đổi cán cân quyền lực khu vực.
Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 đánh dấu sự đứt gãy lớn trong quan hệ Iran-Arab. Việc Iran từ bỏ chế độ quân chủ thân phương Tây để theo mô hình “Cộng hòa Hồi giáo” gây lo ngại sâu sắc tại các vương quốc Hồi giáo Sunni vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia. Sự đối đầu đạt đỉnh trong cuộc chiến Iran-Iraq (1980-1988), khi phần lớn các nước Arab vùng Vịnh hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Iraq Saddam Hussein (1937-2006) chống lại Iran. Giáo sư Gregory Gause trong cuốn Quan hệ quốc tế tại Vịnh Ba Tư từng đánh giá: “Chiến tranh Iran - Iraq đã biến vùng Vịnh thành một khu vực cạnh tranh chiến lược, nơi kiểm soát cơ sở hạ tầng dầu mỏ và các tuyến đường vận chuyển trở nên quan trọng đối với các chủ thể trong khu vực và quốc tế”.
Năm 1981, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được thành lập với mục tiêu chính là đoàn kết các nước Arab trước sức ép từ Iran. Cho đến nay, nhờ sự trung gian của Trung Quốc, quan hệ giữa Iran với thế giới Arab đang dần có những bước tiến triển tích cực. Đầu tháng 10/2024, tại thủ đô Doha (Qatar), Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian và Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud đã có cuộc gặp, trong đó, ông Pezeshkian bày tỏ hài lòng với động lực ngày càng tăng của quan hệ giữa hai nước, nhấn mạnh Tehran sẵn sàng tăng cường tương tác với Riyadh trong mọi lĩnh vực.
Còn ông Al Saud bày tỏ quyết tâm của Saudi Arabia trong việc phát triển quan hệ với Iran khi tuyên bố: “Chúng tôi muốn khép lại trang sử bất đồng mãi mãi, hướng tới giải quyết các vấn đề, mở rộng quan hệ như hai quốc gia hữu nghị và anh em”.
Chưa rõ liệu việc Mỹ điều chỉnh tên gọi Vịnh Ba Tư thành Vịnh Arab có thể dẫn đến những căng thẳng nào tiếp theo hay không, song có thể khẳng định, cái tên “Vịnh Ba Tư” hay “Vịnh Arab” là minh chứng cho một thực tế: Tên gọi và bản đồ không chỉ là vấn đề địa lý thuần túy, mà còn mang trong mình yếu tố bản sắc, chính trị và là kết tinh của hàng nghìn năm lịch sử cùng những cuộc cạnh tranh quyền lực khu vực.
Hoàng Hà