Năm 2019, khi 159 tập của bộ truyện tranh “Dũng sĩ Hesman” được tái bản, giới mộ điệu háo hức biết chừng nào. Càng háo hức hơn nữa khi lần tái bản này đi kèm một món quà vô cùng đặc biệt: tập 160 “Dũng sĩ Hesman - Người về từ cõi chết”. Tập truyện mới là cách họa sĩ Hùng Lân tri ân sự mến mộ, yêu thương của độc giả và cũng coi như cái kết đẹp cho bộ truyện sau 26 năm bị bỏ ngỏ. Hoàn thành tập 160, ông đã tạm mãn nguyện với hành trình cầm cọ đồng hành cùng thế giới tuổi thơ.
Họa sĩ Hùng Lân.
Vốn là anh công nhân có hoa tay, Hùng Lân thường được giao nhiệm vụ vẽ trang trí, biểu ngữ cho các hội diễn của nông trường Bình Ba, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thấy ông vẽ đẹp, mọi người gợi ý ông thử vẽ truyện tranh. Nhờ đó năm 1986, tác phẩm đầu tay “Người đầu tiên lên mặt trăng” của ông được xuất bản. Nhưng nghe mọi người ngợi khen và gọi mình là họa sĩ, ông lại đỏ mặt xua tay: “Tôi có học hành trường lớp mỹ thuật gì đâu mà gọi là họa sĩ. Toàn mày mò tự học thôi hà”.
Tên tuổi Hùng Lân nổi như cồn khi bộ truyện tranh “Dũng sĩ Hesman” ra đời. Bộ truyện trình làng năm 1993 và kết thúc năm 1997. Thập niên 1990, truyện tranh khan hiếm. Đối thủ đáng gờm trên thị trường của “Dũng sĩ Hesman” chỉ có “Doremon”, “Bảy viên ngọc rồng”. Nhưng khác hoàn toàn hai bộ truyện Nhật nổi tiếng này, “Dũng sĩ Hesman” là tác phẩm hiếm hoi (nếu không muốn nói là duy nhất) khai thác đề tài siêu nhân, robot thời điểm ấy.
Những khái niệm như robot khổng lồ, robot sinh học, nguồn điện chết, sóng siêu âm, từ trường... cũng rất lạ lẫm. Ngoài các nhân vật có cái tên ngoại quốc như Gát Cô, Kíp, Hesman ... thì truyện còn có nhân vật Việt Nam mang tên Huy Hùng. Cuộc đối đầu của Hesman và các bạn với những thế lực xấu xa, thù địch trong không gian vũ trụ lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi. Hesman gieo vào lòng các bé trai ước mơ được làm siêu nhân, được làm người hùng diệt ác, trừ gian, đem lại bình yên cho loài người.
Thật ra, khởi nguồn bộ truyện huyền thoại này bắt đầu từ phim hoạt hình siêu nhân “Voltron” của Mỹ. Nhà xuất bản Mỹ thuật đưa cho Hùng Lân cuốn băng video “Voltron” và mong muốn ông phóng tác thành truyện tranh. Ông vẽ và cẩn thận đề trên bìa: “Hùng Lân phóng tác từ phim hoạt hình Voltron”. Nhà xuất bản thấy nếu để tên “Voltron” thì bạn đọc nhỏ tuổi sẽ khó phát âm nên đề nghị đổi tên thành Hesman. Cái tên này cũng bao gồm hàm ý: He is man (Anh ấy là con người), nhằm nói tới chàng robot có suy nghĩ, hành động đầy tính người.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tập 5 trở đi, ông chế ra nhiều nhân vật và tình tiết mới không có trong nguyên tác. Từ tập 100, ông thay hình đổi dạng nhân vật. Nhờ vậy, Hesman mang dáng dấp khác xa với Voltron và mang dấu ấn riêng của họa sĩ Hùng Lân. Cũng từ tập 100 trở đi, số lượng bản in tăng khủng khiếp: hơn 100 nghìn bản một tập!
Lúc đầu, ông chỉ nghĩ vẽ đến 20 tập là xong. Ai ngờ bộ truyện ngày càng bán chạy như tôm tươi, tạo nên cơn sốt mà đến nay chưa bộ truyện tranh Việt nào vượt qua được. Nhà xuất bản đề nghị ông vẽ tiếp, vẽ tiếp, cứ thế cho đến 159 tập. Có lúc số lượng bản in chạm đến mức 180.000 bản/ tập. Từ nhuận bút vài trăm ngàn, Hùng Lân nhận đến 3 triệu đồng một tập. Thập niên 1990, đây là số tiền rất lớn.
Ít ai ngờ rằng để có được 159 tập truyện tranh “Dũng sĩ Hesman” cuốn hút bạn đọc, người họa sĩ ấy mất đến bốn năm trời sáng tạo và vẽ thủ công đến mức “không chết là may” (chữ của Hùng Lân). “Chúng ta biết mỗi tuần truyện ra một tập mới. Và tôi cũng chỉ có một tuần để hoàn thành một cuốn truyện 72 trang từ lên kịch bản, làm bìa và vẽ nội dung bằng tay. Trong tuần, tôi chỉ có nửa ngày để nghỉ ngơi, nhưng thật ra lúc ấy cũng phải lo suy nghĩ, hình dung tập tiếp theo sẽ có nội dung thế nào. Việc phân cảnh kịch bản và vẽ khung mất một ngày rưỡi. Bìa thì mất nửa ngày. Vậy là tôi còn bốn ngày rưỡi để vẽ 72 trang, trung bình ngày phải vẽ 17 trang! Vì một mình tôi làm nên áp lực công việc rất kinh khủng. Tại vùng nông trường không có điện, chỉ chong đèn dầu mỗi đêm để vẽ nên xong bộ truyện, mắt tôi bị cận thị nặng. Giờ nghĩ lại, tôi cũng ngạc nhiên: mình làm cật lực không khác gì siêu nhân!”.
"Dũng sĩ Hesman" là bộ truyện tranh huyền thoại gắn bó với tuổi thơ thế hệ 8X, 9X.
Nghe họa sĩ Hùng Lân kể, các họa sĩ trẻ bây giờ phải lắc đầu lè lưỡi, phục sát đất khả năng làm việc của ông. “Khả năng sản xuất hơn 10 trang truyện tranh một ngày, đều như vắt chanh suốt gần bốn năm ròng rã, đòi hỏi người họa sĩ phải có niềm đam mê với công việc, sự tập trung cao độ và trí tưởng tượng siêu phàm. Ở hiện tại, với sự hỗ trợ của công nghệ, của máy móc, của kết nối mạng Internet, chúng tôi có một đội ngũ họa sĩ đã làm việc với nhau lâu năm và mỗi người phụ trách một quy trình. Nhưng, dù cố gắng đến mấy, chúng tôi không thể đạt được tốc độ dù chỉ bằng một nửa so với người họa sĩ già 30 năm trước”- họa sĩ Nguyễn Khánh Dương, Giám đốc Công ty truyện tranh Comicola, thừa nhận.
Hỏi động lực đâu để có sức làm việc phi phàm đến vậy, ông cười bảo có lẽ vì lúc ấy quá vui mừng, sung sướng khi Hesman được đón nhận nồng nhiệt, ông không nỡ chậm trễ, lơ là công việc. Vì ông chậm, bạn đọc nhỏ tuổi lại mất công ngóng đợi. Bộ truyện khiến lũ trẻ khắp mọi miền đất nước mất ăn mất ngủ theo đúng nghĩa đen.
Độc giả Ngọc Vinh nhớ lại: “Mình đã từng nhiều lần nhịn ăn sáng, thức khuya để được đọc những tập truyện Hesman như "Mưu kế phù thủy", "Mãng xà giả dạng"...”. Còn chị Mai Ngọc thì chia sẻ: “Hồi bé mình rất thích đọc “Dũng sĩ Hesman” và nghĩ bộ truyện từ nước ngoài. Không ngờ tác giả lại là người Việt Nam. Chú vẽ đẹp và nội dung rất mới lạ, thu hút, nhất là vào thời điểm 30 năm trước”.
Họa sĩ Nguyễn Khánh Dương cho hay: “Thời điểm Hesman mới ra mắt, tôi chỉ là thằng bé 7-8 tuổi, xin bà nội ba ngàn đồng và đi bộ ra cửa hàng sách gần nhà để mua truyện tranh. Nhà tôi hồi năm 1992, ở địa chỉ 66 Bà Triệu, Hà Nội, cách trụ sở Nhà xuất bản Kim Đồng khoảng vài bước chân. Tôi vẫn nhớ cảnh tắc đường, chen chúc mỗi khi truyện tranh mới ra mắt”.
Bây giờ, để tìm lại ký ức tuổi thơ, nhiều người không ngừng tìm kiếm, sưu tập cho trọn 159 tập. Giá sưu tập từ vài triệu giờ đã lên đến 30, 40 triệu mà vẫn chưa ai sưu tập nổi trọn bộ. Nhằm góp phần giúp đỡ họ, một nhóm bạn trẻ đã xin ý kiến họa sĩ Hùng Lân để lập dự án “Hesman - The legend reborn” (Hesman - Huyền thoại tái sinh) và in lại bộ truyện, làm mô hình robot Hesman. Ngoài Hesman, họa sĩ Hùng Lân còn nổi tiếng với bộ truyện “Siêu nhân Việt Nam” (52 tập),“X-Men - Những người bạn bí ẩn”(15 tập),“Cô tiên xanh” (140 tập), “Thằng Bờm” (6 tập), “Cổ tích Việt Nam” (24 tập)… Đến nay, số tác phẩm của ông đã lên tới khoảng 700 cuốn đủ mọi thể loại.
“Dũng sĩ Hesman” đã thôi thúc Nguyễn Khánh Dương dấn thân vào sự nghiệp sáng tác và sản xuất truyện tranh. “Khi tôi và bạn Thành Phong ra mắt dự án truyện tranh “Long Thần Tướng”, chú Hùng Lân là người đầu tiên chúng tôi nghĩ đến để xin lời giới thiệu. Chú đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiệt tình và là điểm tựa giúp cho chúng tôi có thể ra mắt tác phẩm đầu tay” - anh kể.
Coi lão họa sĩ Hùng Lân như thần tượng, họa sĩ Nguyễn Khánh Dương thán phục tinh thần ham học hỏi của ông. Khi công nghệ thông tin phủ sóng rộng rãi, Hùng Lân chính là người sáng tạo ra các phông chữ như HL Comic, HL Thuphap, VniComic… mà giờ đây giới sáng tác truyện tranh sử dụng phổ biến. Tự mày mò thiết kế vất vả là vậy nhưng làm xong, ông sẵn sàng cung cấp bộ phông chữ này miễn phí cho cộng đồng. Với giới sáng tác truyện tranh, đó là di sản vô giá ông để lại.
Ai đã gặp lão họa sĩ luôn nhớ mãi nụ cười hào sảng, tếu táo của người con phương Nam. Bất cứ sự kiện nào liên quan đến truyện tranh, thân già ấy luôn có mặt đúng giờ để chia sẻ, truyền cảm hứng về tình yêu truyện tranh cho các họa sĩ trẻ lẫn bạn đọc mến mộ. Từ khán đài nhìn xuống, còn hạnh phúc nào bằng khi nhìn thấy những gương mặt sáng ngời, khát khao lửa đam mê mà thế hệ như ông đã trọn vẹn gửi gắm, để một mai truyện tranh Việt rạng danh giữa bốn bề năm châu…
Mai Quỳnh Nga