1. Ngày 13-4-1970, một chuyến tàu đặc biệt chở các văn nghệ sĩ rời ga Hàng Cỏ đi đến huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Khi đến làng Ho, họ bắt đầu cuộc hành quân bộ với thử thách đầu tiên là leo qua vách núi dựng đứng bằng thang dây mây rừng. Đầu người ở dưới chạm vào ba lô người ở trên, giống như đang biểu diễn xiếc. Mồ hôi đầm đìa, căng thẳng thần kinh, nếu chẳng may người leo trên bủn rủn tay chân té xuống thì cả chục người ở dưới cũng ngã nhào theo. Thận trọng từng bước chân, bấu víu chặt vào bậc thang dây, họ leo lên cao dần. Cuối cùng đoàn quân đã vượt qua đỉnh núi.
Khi đến binh trạm đầu tiên, sau khi mắc võng, căng tăng, người lo kiếm củi, kẻ xuống suối vo gạo, đóng cọc làm bếp nấu cơm. Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ được phân công hái rau tàu bay - món “đặc sản” của đường Trường Sơn huyền thoại. Trên đường hái rau quay về, ông bỗng nghe dưới mu bàn chân phải đau nhói. Rắn cắn! Bàn chân sưng lên, nhức nhối dữ dội, xây xẩm mặt mày. Ông được quân y cấp cứu kịp thời. Sáng sớm dậy tiếp tục hành quân nhưng vừa bước đi thì đau buốt óc, mọi người phải thay phiên cõng ông lên đường.
Sau này nhớ lại, ông tâm sự rằng, khi đó nếu mình nằm lại binh trạm thì chắc chắn sẽ được đưa quay lại Hà Nội. Và như thế, biết đến khi nào mới được trở về miền Nam quê hương, tham gia chiến đấu. Vì thế, nén cơn đau, ông cố gắng cùng đồng đội đi dần về phương Nam.
Trải qua những ngày băng rừng, lội suối, đi qua cầu dây gập ghềnh, mưa dầm, nắng xối hết sức gian nan, không muốn mọi người vất vả vì mình, dù chưa thể bước đi vững vàng nhưng cũng không để đồng đội phải cõng nữa, ông tự chống gậy tập tễnh bước theo sau.
Ngày tháng cứ trôi qua, lương thực cạn dần, không ít người bị sốt rét. Muối gạo thì lãnh ở các binh trạm cũng tạm ổn, nhưng rau rừng, măng tre càng ngày càng khan hiếm. Ăn uống rất kham khổ, từ ngày này qua tháng nọ, từ tháng này qua tháng kia, họ bền lòng tiếp tục hướng đến chiến trường phía Nam. Phải gần 4 tháng trời đi bộ ròng rã, tác giả của Cô gái Sài Gòn đi tải đạn mới gặp được các đồng đội trong Đoàn Văn công Giải phóng: Phạm Minh Tuấn, Hồ Bông, Nguyễn Đồng Nai, Cửu Long, Thanh Trúc, Hoài Mai, Thế Viên, Thái Ly, Kpa Y Lăng, Kỳ Lân, Đinh Sơn, Diệp Minh Tuyền, Thanh Nha, Ngô Y Linh, Như Băng, Phạm Ngọc Truyền, Bích Lâm...
Nhớ lại những năm tháng hào hùng này, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ kể: “Ở đây, cùng đồng cam cộng khổ với các anh chị em văn nghệ sĩ. Cứ cách một ngày, tôi bị lên cơn sốt rét trên 40oC. Dưới mái tăng trống trải của Diệp Minh Tuyền (nhường cho tôi ở tạm), tôi nửa tỉnh nửa mê…
Tóc tôi đã rụng gần hết, bụng to chong bóc lớn hơn trái dưa hấu. Y sĩ tiêm thuốc vào mông tôi, cây kim đâm không thủng bị cong vòng. Vì tiêm thuốc nhiều quá nên cái mông chai cứng, bơm thuốc không vô. Trong hoàn cảnh đó, tôi vội vội vàng vàng như sợ mình sẽ không còn có thể làm tròn nhiệm vụ. Mà trước mắt là phải suy nghĩ viết một tiết mục cho Đoàn Múa hát Giải phóng sắp ra quân theo Chiến dịch mùa khô năm 1972.
Thanh Trúc và Kpa Y Lăng che cho tôi một cái chòi dưới gốc cây đa. Tôi bắt đầu phác thảo nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác. Tôi viết trong trạng thái hào hứng say mê lạ lùng và cũng là viết trong từng cơn sốt rét luân phiên. Trước mắt tôi dần dần hiện rõ hình dáng các cô gái Tây Nguyên mà tôi gặp gỡ trên dãy Trường Sơn, nét mặt anh lính trẻ công binh đón đường hành quân biếu chú nhạc sĩ Chim kêu miếng thịt bò rừng.
Tôi nhẩm đếm lại bao nhiêu con sông hoang sơ hùng vĩ, bao nhiêu dãy núi điệp trùng mà tôi đã vượt qua trên dặm dài Trường Sơn. Tất thảy âm thanh được tôi chọn lọc từ vốn sống trong sự hoành hành dữ dội của từng cơn sốt rét run như thiêu cháy cơ thể mình”.
Vào mùa xuân năm 1972, chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt, bom đạn và pháo đài bay B-52 rợp trời chết chóc. Để bảo toàn lực lượng, Đoàn Văn công Giải phóng cùng các cơ quan của R (Trung ương Cục miền Nam) rời căn cứ cũ đi sâu về khu rừng già nguyên sinh phía Đông Bắc. Tại đây, nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác được chọn dàn dựng, chính thức được biểu diễn tại Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam.
Nhạc cảnh Tiếng cồng vượt thác với độ dài 30 phút, gồm 5 chương do cố nghệ sĩ Thái Ly đạo diễn và biên đạo múa, tham gia biểu diễn có các nghệ sĩ Tô Lan Phương trong vai cô gái Tây Nguyên, Thế Hải vai ông già làng và Phạm Dũng vai chiến sĩ giải phóng quân cùng với tốp ca múa nhạc của đoàn.
Sân khấu trên nền đất nửa nổi nửa chìm trong hội trường mái lá trung quân nằm dưới tầng tầng lớp lớp vòm cây ẩm thấp, phông màn là tấm dù của pháo sáng với bốn chiếc đèn măng-xông tỏa sáng. Dù không có hệ thống âm thanh, nhưng nhạc cảnh đã khiến người nghe bừng bừng cảm xúc về khát vọng, ý chí và sức mạnh của những con người vốn bình dị nhưng anh dũng, quyết tâm đánh thắng mọi kẻ thù dù chúng tàn bạo đến đâu.
2. Không chỉ có Tiếng cồng vượt thác, cùng người bạn đời là nhà thơ Lê Giang, nhạc sĩ Lưu Nhất Vũ đã để lại cho đời nhiều ca khúc và những công trình nghiên cứu âm nhạc, dân ca có giá trị lâu bền. Có thể kể đến Hành khúc giải phóng do ông cùng nhà thơ Lê Giang và nhạc sĩ Lê Anh Trung sưu tầm, biên soạn. Đánh giá về công trình đồ sộ này, nhạc sĩ Doãn Nho khẳng định: “Có thể coi đây là cuốn bách khoa thư kỳ diệu bằng âm thanh, giúp cho người đọc nhận thức sâu hơn, bởi được truyền bằng xúc cảm từ trái tim tới trái tim”.
Vĩnh biệt nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, chúng ta cũng chia tay với một người nghệ sĩ - chiến sĩ cả một đời tận hiến tài năng cho công cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, vì thống nhất Tổ quốc. Xin cúi đầu vĩnh biệt ông.
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tên thật là Lê Văn Gắt, sinh ngày 13-4-1936 tại thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau Hiệp định Genève năm 1954, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ tập kết ra Bắc tham gia Thanh niên xung phong và theo đuổi niềm say mê âm nhạc. Năm 1962, ông tốt nghiệp Khoa Sáng tác, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), sau đó về công tác ở Đoàn Ca múa miền Nam. Đến năm 1970, ông trở về chiến trường miền Nam, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ giải phóng, hoạt động ở chiến trường miền Tây Nam bộ.
Sau ngày đất nước thống nhất, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ công tác ở Viện Nghiên cứu Âm nhạc (sau này là Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tại TPHCM). Ông còn đảm nhận các cương vị: Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Phó Tổng Thư ký Hội Âm nhạc TPHCM (năm 1981), Đảng ủy viên Khối cơ sở Bộ Văn hóa Thông tin. Ông nghỉ hưu năm 1997.
Trong hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã sáng tác rất nhiều tác phẩm âm nhạc nổi tiếng, như: Bên tượng đài Bác Hồ, Hãy yên lòng mẹ ơi, Chiều trên bản Mèo, Hàng em mang tới chiến hào, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn, Tiếng cồng vượt thác, Hòn Khoai, Bài ca Đất phương Nam, Khúc hát người đi khai hoang, Gửi bạn Algérie, Chiếc khăn rằn, Tưởng nhớ Trần Văn Ơn… Ngoài ra, ông có một loạt công trình nghiên cứu đồ sộ về dân ca Nam bộ đã xuất bản cùng một số tác giả: Lê Giang, Nguyễn Đồng Nai, Thạch An, Nguyễn Văn Hoa, Quách Vũ…
Ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng và huân, huy chương: Huân chương chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; Huy hiệu 45 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (đợt 1, năm 2001); Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật TPHCM 1997-1998…
Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ từ trần lúc 9 giờ 30 ngày 29-3-2025, hưởng thọ 89 tuổi. Linh cữu ông quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam (số 5 đường Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TPHCM). Lễ nhập quan vào lúc 7 giờ ngày 30-3, lễ viếng lúc 8 giờ cùng ngày. Lễ truy điệu lúc 7 giờ ngày 31-3-2025, sau đó đưa đi an táng tại Nghĩa trang Hoa viên Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương).
THÚY BÌNH
LÊ MINH QUỐC