Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp những thông tin về các di sản văn hóa được vinh danh hoặc đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa của quốc gia và thế giới đã làm nức lòng những ai quan tâm đến vốn văn hóa xứ Trầm. Từ đây, giá trị của nhiều di sản văn hóa được giữ gìn, bảo vệ, phát huy trong đời sống nhân dân.
Niềm tự hào
Ngày 9-1, trong buổi gặp mặt văn nghệ sĩ của tỉnh, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thông tin di tích Tháp Bà Ponagar đã được các thành viên của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - VH-TT-DL) thống nhất bỏ phiếu thông qua đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt. Đây là một nỗ lực lớn của ngành Văn hóa tỉnh trong việc hoàn thiện nội dung hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Ponagar. Di tích Tháp Bà Ponagar từng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 29-4-1979.
Di tích Tháp Bà Ponagar đang chờ để được xếp hạng di tích cấp quốc gia đặc biệt.
Trước đó, ngày 10-12-2024, đối với những người làm nghề khai thác, chế biến yến sào là một ngày đặc biệt khi Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL ký quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Tri thức khai thác và chế biến yến sào Khánh Hòa. “Chúng tôi rất vui mừng và tự hào khi ngành nghề truyền thống của ông cha truyền lại được quan tâm, vinh danh. Từ đây, những người làm nghề yến không chỉ đóng góp vào việc phát triển kinh tế - xã hội mà còn giữ gìn một di sản văn hóa của đất nước Việt Nam”, ông Võ Văn Cam (nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề yến ở phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang) cho biết.
Như vậy, đến thời điểm này, hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh có 16 di tích được xếp hạng quốc gia; 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội Cầu ngư, lễ bỏ mả của người Raglai, tri thức khai thác và chế biến yến sào. Khánh Hòa cũng là 1 trong 9 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung có nghệ thuật bài chòi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Hai bộ đàn đá Khánh Sơn cũng được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây đều là những di sản văn hóa tiêu biểu của cộng đồng cư dân Khánh Hòa qua các thời kỳ và có giá trị nhiều mặt về văn hóa, khoa học, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, mang đậm dấu ấn, bản sắc của con người và vùng đất xứ Trầm biển yến.
Thêm nhiều di sản được đề xuất
Ngày 6-1, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa xây dựng hồ sơ đề nghị đưa lễ hội Yến sào Khánh Hòa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Yến sào Khánh Hòa diễn ra vào ngày 10-5 âm lịch hàng năm, tại khu vực đảo yến Hòn Nội để tưởng nhớ công đức của các bậc thủy tổ, thánh mẫu và các vị tiền nhân sáng lập, phát triển nghề yến Khánh Hòa. Lễ hội Yến sào Khánh Hòa được tổ chức với quy mô cấp tỉnh và khu vực, thu hút đông đảo nhân dân, khách thập phương tham dự. Chính vì thế, ngày 27-12-2024, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Yến sào Khánh Hòa có văn bản gửi UBND tỉnh cho phép công ty được phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng hồ sơ tham mưu UBND tỉnh trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia về việc xem xét, đề nghị công nhận lễ hội Yến sào Khánh Hòa là di sản văn hóa phi vật thể của cả nước.
Trước đó, ngày 3-1, UBND tỉnh ban hành văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao về việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thiên Y A Na tỉnh Khánh Hòa, đệ trình UNESCO xem xét ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cũng trong ngày này, UBND tỉnh có văn bản cho phép Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống trầm hương Khánh Hòa để đề xuất xem xét ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan để tiến hành lập hồ sơ khoa học về hai di sản văn hóa phi vật thể nêu trên. Từ đó, tham mưu UBND tỉnh trình Bộ VH-TT-DL, các cơ quan Trung ương liên quan để xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền ghi danh di sản.
Có thể thấy, chưa bao giờ câu chuyện về di sản văn hóa lại nhận được nhiều sự quan tâm như thời gian gần đây. Ngoài những di sản đã được công nhận hoặc chờ công nhận, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai việc đề nghị công nhận thêm những di sản văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần và gắn bó lâu đời với người dân Khánh Hòa. Điều này không chỉ góp phần giới thiệu, quảng bá, vinh danh các di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh, mà còn khơi gợi niềm tự hào trong mỗi người về những giá trị truyền thống được trao truyền qua bao đời nay.
GIANG ĐÌNH