Dự án kè chống sạt lở bờ hữu sông Bưởi đoạn qua xã Ninh Khang hoàn thành góp phần bảo vệ tính mạng, đất đai, tài sản của các hộ dân sống sát bờ sông.
Khu vực tương ứng K17+200 - K17+700 đê tả sông Mã, thuộc địa phận thôn Giang Đông và thôn Nghĩa Kỳ, xã Vĩnh Hòa từ năm 2022 xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông ảnh hưởng tới 60 hộ dân với hơn 240 nhân khẩu và đất sản xuất nông nghiệp. Bà Trịnh Thị Sơn ở thôn Nghĩa Kỳ trăn trở: “Nhà tôi có 5ha đất trồng ngô, năm vừa rồi lụt to quá nên diện tích bị sạt lở, cuốn trôi khá lớn. Nguyện vọng của chúng tôi là đoạn bờ sông này cần được kè lại để người dân yên tâm sản xuất”.
Huyện đã đề xuất tỉnh xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ tả sông Mã tại thôn Giang Đông và thôn Nghĩa Kỳ với tổng chiều dài 1.669m đáp ứng yêu cầu về ổn định và an toàn cho khu vực dự án. Hiện dự án đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thi công thông qua mạng đấu thầu quốc gia.
Năm 2024, huyện Vĩnh Lộc tập trung đầu tư nâng cấp nhiều công trình phòng, chống thiên tai, đồng thời sẵn sàng vật tư, phương tiện theo phương châm "phòng là chính”. Huyện cũng thành lập đoàn kiểm tra rà soát hệ thống đê điều, hồ đập, cống tưới, tiêu, kênh tiêu, lập kế hoạch sửa chữa vận hành, quản lý theo quy định.
Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Lộc Trịnh Tuấn Vũ cho biết: Năm 2024, UBND huyện giao cho ban làm chủ đầu tư 6 công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn, đã có 4 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cơ bản các công trình do ban làm chủ đầu tư đã hoàn thành đúng kế hoạch, nhiều công trình vượt tiến độ, sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Song song với việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công, huyện đã bố trí nguồn vốn ưu tiên cho các dự án kè chống sạt lở bờ sông. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Lộc Trịnh Việt Cường, cho biết: Huyện ưu tiên xây dựng, tu bổ, nâng cấp hệ thống hồ chứa; kè bờ sông; các công trình cộng đồng tránh lũ; các tuyến đường cứu hộ, cứu nạn và các cơ sở hạ tầng khác; đầu tư, cải tạo các hệ thống tiêu úng, nạo vét thông thoáng dòng chảy các kênh tiêu trên địa bàn huyện; đồng thời tăng cường khả năng thoát lũ trên các lưu vực khe, suối, lòng sông Mã, sông Bưởi. Bên cạnh đó, khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý; đặc biệt là hệ thống đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, tiêu thoát nước. Xác định các trọng điểm xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố có thể xảy ra; sẵn sàng các phương án, kịch bản bảo vệ an toàn công trình, tính mạng và tài sản của Nhân dân. Đồng thời, sử dụng dự phòng ngân sách địa phương để đầu tư, sửa chữa công trình phòng, chống thiên tai bị hư hỏng, xuống cấp trước mùa lũ hàng năm, nhất là hồ đập, khắc phục sạt lở, ổn định dân cư.
Bài và ảnh: Anh Tuân