Vĩnh Lộc thực hiện tốt chính sách về lao động, việc làm

Vĩnh Lộc thực hiện tốt chính sách về lao động, việc làm
5 giờ trướcBài gốc
Học viên tham gia học nghề chăm sóc sắc đẹp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Lộc.
Theo số liệu khảo sát, hiện dân số trong độ tuổi lao động trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc là 53.150 người, chiếm 59,44% dân số; tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động là 76,3% (trong đó tỷ lệ lao động được đào tạo có văn bằng, chứng chỉ là 29,03%). Nhằm triển khai có hiệu quả chính sách, pháp luật về việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện ban hành các văn bản để tổ chức triển khai thực hiện các quy định trong Luật Việc làm; các văn bản chỉ đạo về triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm, thị trường lao động, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn cũng ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh giải quyết việc làm...
Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, huyện Vĩnh Lộc luôn duy trì và mở rộng nguồn vốn cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, huyện đã giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho gần 1.000 lượt người với tổng số tiền cho vay khoảng trên 80 tỷ đồng. Thông qua chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm đã tạo thêm nguồn vốn đầu tư mua sắm nguyên vật liệu, giống cây trồng, vật nuôi... cho người lao động để tham gia sản xuất, tăng thu nhập, tạo việc làm ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tăng được tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn.
Ngoài ra, chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động ở khu vực nông thôn được huyện đặc biệt quan tâm. Hằng năm, huyện đã mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp lớn có vốn đầu tư nước ngoài mở rộng sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động nông thôn trên địa bàn tham gia. Nhờ đó tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội của huyện đang giảm dần theo hướng tích cực. Nếu như năm 2020 tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng số lao động xã hội là 30,1%, thì đến nay giảm xuống dưới 24%...
Do thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về việc làm nên giai đoạn 2020-2024, huyện đã tạo việc làm trong nước cho trên 2.700 lao động và đưa người đi làm việc ở nước ngoài trên 800 lao động, góp phần đảm bảo việc làm cho phần lớn lao động có nhu cầu làm việc.
Để triển khai có hiệu quả các chính sách, pháp luật về việc làm, ngày 21/10/2024 Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc ban hành Kế hoạch số 249-KH/HU về thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Ban Bí thư về đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, để quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Lộc yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, gắn với thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030, gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, tập trung nghiên cứu xây dựng các mô hình kết nối giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động; triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế hợp tác 3 bên nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có trình độ, kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện để bảo đảm điều kiện đào tạo nghề, nhất là những nghề gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Thời gian tới, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, các địa phương về thực hiện chính sách, pháp luật về lao động và việc làm, huyện Vĩnh Lộc tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; đánh giá lại chính sách hỗ trợ học nghề cho lao động nông thôn; chính sách hỗ trợ, vay vốn ưu đãi của doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác đang tạo việc làm cho lao động... nhằm phát huy thế mạnh nguồn lao động dồi dào của địa phương, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm.
Bài và ảnh: Trần Hằng
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/vinh-loc-thuc-hien-tot-chinh-sach-ve-lao-dong-viec-lam-234069.htm