Vĩnh Long nỗ lực ứng phó với sạt lở bờ sông

Vĩnh Long nỗ lực ứng phó với sạt lở bờ sông
3 giờ trướcBài gốc
Bài 1:
Nỗi lo từ những điểm sạt lở quy mô lớn
Từ báo cáo phục vụ khảo sát và làm việc trực tiếp với các đơn vị, địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Long ghi nhận từ tháng 1.2021 đến tháng 8.2024, toàn tỉnh đã xảy ra 431 điểm/vị trí sạt lở, làm mất hơn 14.918m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 112 hộ dân; trong đó, 42 hộ phải di chuyển chỗ ở do nhà cửa sụp lún xuống lòng sông. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 65 tỷ đồng.
Bình quân mỗi năm xuất hiện từ 120 - 130 điểm sạt lở
Những ngày đầu tháng 10 vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Vĩnh Long đã tiến hành khảo sát thực tế 6 đoạn tuyến sông Cái Cam thuộc địa bàn ấp Tân An, ấp Tân Thới (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ); tuyến sông Mỹ Thuận thuộc địa bàn ấp Thuận Phú A, ấp Thuận Thành (xã Thuận An, thị xã Bình Minh); làm việc với UBND 8 huyện và Ban Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về công tác phòng, chống sạt lở bờ sông của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Thực tế tại một điểm sạt lở trên tuyến sông Cái Cam, thuộc địa bàn ấp Tân An, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ. Ảnh: Hữu Tài
Theo báo cáo phục vụ khảo sát và làm việc trực tiếp với các đơn vị, địa phương, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ghi nhận từ tháng 1.2021 đến tháng 8.2024, toàn tỉnh đã xảy ra 431 điểm/vị trí sạt lở, làm mất hơn 14.918m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… Sạt lở đã ảnh hưởng trực tiếp đến 112 hộ dân; trong đó, 42 hộ phải di chuyển chỗ ở do nhà cửa sụp lún xuống lòng sông. Tổng thiệt hại ước tính lên đến hơn 65 tỷ đồng.
Thống kê cũng chỉ rõ, bình quân mỗi năm, toàn tỉnh Vĩnh Long đã xảy ra 120 - 130 điểm sạt lở làm mất khoảng 3.000 - 5.000m bờ sông cùng với các công trình đường giao thông nông thôn, đê bao… gây thiệt hại về hạ tầng từ 10 - 40 tỷ đồng. Nhìn chung, các vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh không gia tăng bất thường về số lượng nhưng trong thời gian gần đây đã xảy ra các điểm sạt lở có quy mô lớn.
Một điểm sạt lở khác trên tuyến sông Mỹ Thuận đoạn qua ấp Thuận Thành, xã Thuận An, thị xã Bình Minh. Ảnh: Hữu Tài
Điển hình, như: vụ sạt lở xảy ra vào ngày 5.12.2022 trên tuyến sông Cổ Chiên (thuộc tổ 9, tổ 10 ấp Bình Thuận 1, xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) có chiều dài khoảng 350m, rộng khoảng 200m. Sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống 16 hộ dân với 58 nhân khẩu; khiến 13 căn nhà (12 căn nhà xây cấp 4 và 1 căn nhà gỗ); 1 nhà kho; 1 xe cuốc; 2 ao nuôi cá chốt và khoảng 10 ha đất. Ước tính thiệt hại vào khoảng 35 tỷ đồng. Hay vụ sạt lở trên tuyến sông Trà Ôn (thuộc ấp Tích Lộc, xã Tích Thiện, huyện Trà Ôn) xảy ra ngày 12.6.2023 với chiều dài 40m đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 9 căn nhà của 9 hộ dân gồm 21 nhân khẩu; ước tính thiệt hại vào khoảng 2,2 tỷ đồng.
Nguồn lực lớn cho các dự án, công trình ứng phó, khắc phục sạt lở
Qua khảo sát, Ban Kinh tế - Ngân sách cũng ghi nhận sự vào cuộc chủ động và các giải pháp được UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan triển khai, thực hiện công tác phòng, chống sạt lở bờ sông.
Thành viên Đoàn khảo sát thực tế tại đoạn kè khắc phục điểm sạt lở thuộc ấp Tân Thới, xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ. Ảnh: Hữu Tài
Giai đoạn năm 2021 - 2024, từ các nguồn vốn hợp pháp đang quản lý theo thẩm quyền, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố 12,382 tỷ đồng đầu tư khắc phục công trình thủy lợi bị thiệt hại do sạt lở bờ sông gây ra. Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đóng góp ngày công lao động, mặt bằng, khắc phục hậu quả đê đập bị sạt lở, vỡ đê, tràn đê và di dời tài sản của bị ảnh hưởng ra khỏi khu vực sạt lở; tự gia cố, đầu tư một số đoạn đê, đập thuộc đất sinh hoạt, sản xuất của hộ gia đình.
Trong thời gian từ 1.2021 - 8.2024, UBND tỉnh đã công bố tình huống sạt lở nguy hiểm khẩn cấp đối với 23 khu vực bờ sông, kênh, rạch, đê bao bị sạt lở với chiều dài gần hơn 12.000m trong tổng số 431 khu vực đã xảy ra sạt lở, dài gần 15.000m. Đơn cử như, năm 2021, có 6 khu vực (dài 4.650m); năm 2022, có 7 khu vực (dài 2.065m); năm 2023 có 08 khu vực (dài 4.140m) và 8 tháng đầu năm 2024 có 2 khu vực (dài 485m).
Đầu năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-UBND ngày 2.2.2021 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện “Quyết định số 957/QĐ-TTg ngày 6.7.2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030” trên địa bàn. Trong đó, nguồn vốn dự kiến để thực hiện Kế hoạch đến năm 2030 khoảng 8.120.144 triệu đồng (vốn ngân sách Trung ương 6.060.144 triệu đồng; vốn ngân sách địa phương 1.908.000 triệu đồng; vốn huy động hợp pháp khác 152.000 triệu đồng).
Từ các nguồn vốn trên, toàn tỉnh đã đầu tư 10 tuyến kè kiên cố có kết cấu bằng bê tông cốt thép (đang triển khai thực hiện 7 tuyến, chuẩn bị thực hiện 3 tuyến). Đồng thời, thực hiện việc gia cố, khắc phục sạt lở bằng giải pháp kè mềm tường rọ đá, kết hợp gia cố bờ sông bằng cừ tràm, cừ dừa với trên 200 điểm/tuyến sạt lở bờ bao. Tổng chiều dài kè kiên cố và bờ bao được khắc phục sạt lở khoảng 40.071m, kinh phí thực hiện 4.351.772 triệu đồng.
Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện các dự án kè chống sạt lở, như: Kè chống sạt lở bờ sông Tiền (thượng lưu cầu Mỹ Thuận) dài khoảng 1.000m (thành phố Vĩnh Long); Kè chống sạt lở bờ sông Mang Thít - khu vực 10B, thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn) dài hơn 500m; Kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên (đoạn từ đầu Cù lao An Bình đến phà An Bình (Long Hồ) dài gần 4.400m; Kè bảo vệ bờ sông Vàm Tắc Từ Tải, (khu vực phường Thành Phước và phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh) dài 3.600m; Kè chống sạt lở bờ sông Rạch Vồn (khu vực phường Cái Vồn, thị xã Bình Minh) dài 1.364m; Kè bảo vệ, chống sạt lở Kênh Chà Và, (khu vực Phường Đông Thuận, thị xã Bình Minh) dài 1.912m…
Thành viên Đoàn khảo sát phát biểu tại cuộc làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Hữu Tài
Cùng với đó, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cũng phối hợp với Viện Khoa học thủy lợi miền Nam hoàn thành nhiệm vụ quan trắc, nghiên cứu đánh giá ổn định bờ sông và cảnh báo các khu vực có nguy cơ sạt lở sông Cổ Chiên, đoạn từ rạch Cái Cá đến rạch Bà Bóng dài 2.500m. Đồng thời, triển khai nhiệm vụ khảo sát, đánh giá ổn định bờ sông và trình phê duyệt nhiệm vụ thuộc khu vực các tuyến sông lớn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025, với tổng chiều dài các tuyến sông được khảo sát là 209.600m, gồm: Sông Tiền, Cổ Chiên, Cái Cam, sông Hậu, Cái Vồn, Măng Thít và kênh Xáng.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021 - 2030, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp với các đơn vị chức năng khảo sát quan trắc, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu địa hình, địa chất, thủy văn và bản đồ hiện trạng, cảnh báo các khu vực trọng điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch trong tỉnh; đưa ra những dự báo, cảnh báo, ngăn chặn các tác động bất lợi đến sự ổn định của bờ sông, giảm thiểu tình trạng sạt lở trên địa bàn. Tổ chức cắm 3 biển cảnh báo nguy hiểm khu vực sạt lở bờ kè tại phường 1 (thành phố Vĩnh Long) và cấp 161 biển cảnh báo nguy hiểm sạt lở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố...
Hữu Tài - Mạnh Tuân
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/vinh-long-no-luc-ung-pho-voi-sat-lo-bo-song-post394089.html