Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Vĩnh Long kiểm tra công trình dự án kè chống sạt lở bờ sông thuộc địa bàn thị xã Bình Minh.
Theo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Sở Giao thông Vận tải tỉnh Vĩnh Long), hiện các công trình đang thi công gặp khó khăn về nguồn cát. Các mỏ cát trong tỉnh đang được sử dụng san lấp cho đường Vành đai 1, các dự án còn lại chưa có cát san lấp như: ĐT909B, QL53, ĐT903, đường Võ Văn Kiệt, ĐT910B, đường Nhơn Bình.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, báo cáo nhanh của các chủ đầu tư về tổng nhu cầu cát san lấp cho các dự án/công trình còn cần khoảng 1.950.000m3. Đến cuối tháng 10/2024, tỉnh Vĩnh Long còn 16 công trình chưa khởi công, 4 dự án chuyển tiếp chưa giải ngân và 8 dự án chuyển tiếp giải ngân dưới 30%. Về giải phóng mặt bằng, tỉnh còn 7 dự án khởi công mới chưa phê duyệt phương án, 20 dự án chậm trong phê duyệt phương án. Trước tình hình trên, các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật, xác định giá đất, phê duyệt phương án giải phóng mặt bằng các dự án.
Ông Nguyễn Chí Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn cho biết: Một số công trình chuyển tiếp của năm 2023 sang năm 2024, tiến độ triển khai khá chậm. Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch vốn đầu tư năm 2024 còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Giá xăng dầu tăng kéo theo việc tăng mạnh chi phí vận chuyển, ca máy thi công và các loại vật liệu xây dựng, nguồn cung cấp cát san lấp mặt bằng khó khăn. Một số dự án phát sinh khối lượng, có dự án phải điều chỉnh danh mục thiết bị dẫn đến phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư,...
UBND huyện Trà Ôn đã đề xuất xem xét, cho chủ trương thực hiện dự án khai thác trữ lượng cát tại mỏ Lục Sĩ Thành để phục vụ các công trình. Năm 2024, tổng kế hoạch vốn đầu tư công của huyện Trà Ôn là gần 173,1 tỷ đồng. Huyện có 11 công trình chuyển tiếp, 9 công trình chuẩn bị đầu tư (lĩnh vực giao thông), 20 công trình khởi công mới. Điển hình, công trình Trường Trung học cơ sở Trà Côn thuộc xã Trà Côn (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) có vốn đầu tư 40 tỷ đồng, với quy mô 14 phòng học cùng với các phòng chuyên môn, phục vụ khoảng 600 học sinh. Công trình được triển khai từ năm 2023, đến nay tiến độ thi công đạt hơn 51% và giải ngân chỉ đạt hơn 41%. Đơn vị thi công đang tăng tốc làm việc nhưng vẫn bị trễ theo kế hoạch do thiếu nguyên liệu cát xây dựng.
Còn tại thị xã Bình Minh, thực hiện kế hoạch vốn năm 2024 được đầu tư 71 công trình. Tổng kế hoạch vốn đầu tư trên 191,6 tỷ đồng, đã thực hiện hơn 84,7 tỷ đồng, đạt 44,22% kế hoạch, giải ngân đạt 44,2% kế hoạch. Bình Minh có vốn giải ngân khá so với các địa phương khác nhưng về tiến độ được lãnh đạo thị xã đánh giá là vẫn còn chậm so với kế hoạch đề ra. UBND thị xã Bình Minh vừa sơ kết công tác giải phóng mặt bằng, xác định nhiệm vụ ưu tiên, mục tiêu trong những tháng cuối năm nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình...
Ông Lương Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho biết: Một trong các nguyên nhân tiến độ giải ngân đạt thấp là do nguồn cát san lấp tại một số thời điểm khó khăn, chưa đáp ứng theo tiến độ triển khai các công trình, nhất là công trình giao thông, kè,… Một số dự án khi triển khai theo kế hoạch có lệch vị trí so với quy hoạch sử dụng đất nên cũng bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Minh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Qua công tác kiểm tra, giám sát các công trình đầu tư công phát hiện nhiều hạn chế, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản đề nghị UBND tỉnh cần lưu ý, tham mưu, quán triệt về ý nghĩa, tầm quan trọng của lĩnh vực xây dựng đối với phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long nhận định tỉnh đã nỗ lực thực hiện, tích cực giải ngân các nguồn vốn, đẩy nhanh triển khai các dự án nên tỷ lệ giải ngân có tiến triển. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân còn đạt thấp so với yêu cầu đặt ra do còn vướng mắc xoay quanh các nội dung về thủ tục.
Văn Vĩnh