Hạ tầng giao thông từng bước hoàn chỉnh tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn cho người dân vùng đồng bào Khmer. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Với hơn 22.600 người đồng bào Khmer, chiếm 2,21% dân số, sống tập trung ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long tập trung triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương nhằm tăng cường nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer.
Sau 50 năm thống nhất đất nước, người dân đồng bào Khmer của tỉnh đã tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nỗ lực không ngừng để vươn lên xây dựng cuộc sống mới.
Từ những phum sóc còn nhiều khó khăn, đến nay nhiều địa phương đã vươn mình phát triển trở thành những xã nông thôn mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Phát triển toàn diện
Nhằm giúp đồng bào Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Long triển khai đồng bộ, phù hợp, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của địa phương; quan tâm khơi dậy ý thức tự lực, tự cường trong nhân dân.
Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với lồng ghép các chương trình của địa phương, tỉnh Vĩnh Long từng bước tạo nên sự phát triển, đổi mới trong vùng đồng bào Khmer.
Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt 76,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,95%. Toàn tỉnh chỉ còn 2 xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn.
Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Khmer được đầu tư khang trang với 100% xã có đường ôtô đến trung tâm xã được thảm nhựa; 100% ấp có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Đặc biệt, từ nhiều nguồn vốn, giai đoạn 2019-2024, tỉnh xây dựng và sửa chữa 785 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn dân tộc thiểu số, năm 2025 thực hiện hoàn thành 41 căn, cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong đồng bào dân tộc Khmer.
Xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) có 1.430 hộ dân tộc Khmer, chiếm hơn 41% số hộ toàn xã. Địa phương luôn quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo trong nhân dân.
Thông qua nhiều chính sách ưu đãi về vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo vươn lên. Đến cuối năm 2024, toàn xã có 33 hộ thoát nghèo, đạt gần 118% so với chỉ tiêu đề ra.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ Thạch Sô Phát cho biết thời gian qua, vùng đồng bào Khmer của xã được quan tâm đầu tư nhiều chính sách, qua đó kịp thời giúp hộ dân có điều kiện cải thiện về nhà ở, đất ở, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trà Côn là xã an toàn khu thuộc huyện Trà Ôn - nơi gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng. Xã có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Diện mạo xã không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước nâng lên.
Xã cơ bản xóa hộ nghèo và đang nỗ lực phấn đấu hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Gần 20 năm gắn bó với công tác Trưởng ấp, Ban Công tác Mặt trận ấp Ngãi lộ A, xã Trà Côn, ông Thạch Chuôn đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” trên mảnh đất này. Ông Thạch Chuôn chia sẻ: "Ngày trước mới giải phóng xong cuộc sống rất khó khăn. Nhờ Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ đồng bào Khmer như chính sách vay vốn phát triển kinh tế, giáo dục, xây dựng nhà cửa…nên đời sống người dân ngày càng đổi thay. Ngày nay, nhiều nhà cửa khang trang, mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, nổi bật là công trình cầu Trà Ngoa, tuyến đường nhựa liên xã… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa trở nên thuận tiện hơn, diện mạo địa phương thêm phần tươi mới."
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Trà Ôn Nguyễn Chí Hiếu cho biết trong những năm qua, huyện luôn quan tâm thực hiện chính sách của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là thực hiện chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Huyện tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, xây dựng chợ nông thôn cho 2 xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, đồng thời dành kinh phí cho vay tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Thực hiện công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2024, số hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer của huyện giảm 5,4%, hiện nay toàn huyện chỉ còn 31 hộ Khmer nghèo.
Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp, mô hình giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện và động lực để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục vươn lên.
Trường lớp được đầu tư khang trang tạo điều kiện cho học sinh vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long học tập. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Bên cạnh các chính sách về phát triển kinh tế và đời sống đồng bào Khmer, tỉnh Vĩnh Long chú trọng thực hiện chính sách đào tạo và phát triển nhân lực.
Toàn tỉnh hiện có 20 trường thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 14 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình) được xem là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào Khmer trong tỉnh.
Trong 10 năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông luôn đạt 100%, hơn 60% học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1.
Nhà trường thực hiện kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước trong chăm lo việc học cho học sinh vùng đồng bào Khmer, vận động thêm nguồn lực để đồng hành, giúp học sinh gắn bó với mái trường và nỗ lực trong học tập.
Còn tại Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình), với sự quan tâm đến việc học của học sinh đồng bào Khmer, nhà trường được trang bị đầy đủ thiết bị, phục vụ tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trường hiện có 26 lớp với 742 học sinh; trong đó có 493 học sinh người dân tộc Khmer. Đến nay, trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2.
Đặc biệt, Trường Tiểu học Thạch Thia là một trong những đơn vị đi đầu trong dạy tiếng Khmer cho học sinh, tăng cường tiếng Việt cho các em học tốt. Hiện tại, các em học 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer.
Việc được quan tâm đầu tư của Nhà nước tạo điều kiện để học sinh học tốt hơn, có hứng thú và đam mê trong học tập.
Trường lớp được đầu tư khang trang tạo điều kiện cho học sinh vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long học tập. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Thia Nguyễn Tấn Lực chia sẻ: “Đóng góp cho công tác giáo dục của nhà trường, thời gian qua nhiều giáo viên, nhất là giáo viên người Khmer đã gắn bó, truyền dạy con chữ cho con em trên quê hương mình. Các thầy, cô giáo không ngừng nghiên cứu, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa là tấm gương sáng cho phụ huynh và học sinh đồng bào Khmer noi theo.”
Nhờ những chính sách, sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời, tỉnh Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả nổi bật trong giáo dục, trong đó có nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí đồng bào Khmer. Cuộc sống phát triển, điều kiện học tập ngày một tốt hơn, đồng bào Khmer ý thức ngày càng cao trong chăm lo việc học nhằm hướng đến xây dựng tương lai vững chắc cho thế hệ mai sau.
Theo Quyền Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương, từ những chính sách của Trung ương, địa phương và các nguồn lực khác, qua triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đời sống đồng bào dân tộc Khmer có những bước thay đổi rõ nét, tích cực.
Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư khang trang, giao thông được kết nối thông suốt, công tác giáo dục được đầu tư. Tỉnh luôn quan tâm, thông qua các hoạt động lễ hội, các lớp đào tạo nghệ thuật truyền thống… đã tạo được đội ngũ kế thừa góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào Khmer.
Đặc biệt, từ các nguồn lực, đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần giúp người dân vùng đồng bào Khmer an cư lạc nghiệp.
Các chính sách không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển đời sống vật chất, tinh thần mà còn tạo động lực để người dân phấn khởi vươn lên phát triển kinh tế, góp phần cùng đưa quê hương vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển và đổi mới
Đồng lòng vì cuộc sống ấm no
Từ các nguồn lực đầu tư, diện mạo phum sóc ngày càng đổi mới. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến tháng 4/2025, tỉnh Vĩnh Long có 3/5 xã có đông đồng bào dân tộc Khmer đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó, xã Đông Bình và Đông Thành (thị xã Bình Minh) là xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã Đông Bình có 2 ấp đồng bào dân tộc Khmer là Phù Ly 1, Phù Ly 2 với 627 hộ và 2.336 nhân khẩu, chiếm 29,76% tổng dân số toàn xã. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Đông Bình Nguyễn Văn Chín cho biết xã luôn quan tâm giải quyết các chính sách liên quan đến đồng bào dân tộc như hỗ trợ vốn sinh kế, giải quyết việc làm, nhà ở…mang lại hiệu quả tích cực trong việc phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát triển địa phương.
Tháng 3/2025, xã Đông Bình được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó điểm sáng là thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2024 đạt 79,21 triệu đồng/người/năm.
Gia đình ông Kiên Sô Thanh, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long phát triển kinh tế từ nghề làm cốm dẹp. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Gia đình ông Kiên Sô Thanh - Phó trưởng ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình là tấm gương vượt khó, thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế của địa phương.
Nhờ siêng năng chịu khó, vợ chồng ông Sô Thanh vừa trồng trọt, chăn nuôi vừa tận dụng vốn vay chính sách phát triển nghề làm cốm dẹp. Hiện nay, mỗi ngày gia đình ông làm khoảng 80kg cốm dẹp, cùng với mua đi, bán lại thì mang đến thu nhập bình quân khoảng 300 triệu đồng/năm.
Ông Kiên Sô Thanh cho biết: “Chính nhờ đồng vốn vay của Nhà nước đã tạo điều kiện cho tôi và nhiều hộ dân trong xã duy trì và phát triển nghề làm cốm dẹp, nhờ đó kinh tế gia đình tiến lên rõ rệt trong những năm qua. Nghề làm cốm dẹp ở địa phương cũng có điều kiện phát triển, ngày càng đổi mới, từ làm thủ công dần được chuyển sang máy móc, góp phần giảm giá thành và nâng cao thu nhập cho người dân.”
Xã Đông Thành có hơn 2.810 hộ, trong đó có hơn 600 hộ dân tộc Khmer, chiếm 21% dân số. Thực hiện chương trình nông thôn mới kiểu mẫu, những năm qua, xã huy động nguồn lực gần 2,6 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Thành Nguyễn Hoàng Chương, qua vận động, đồng bào Khmer tích cực hiến đất, đóng góp tiền và công sức xây dựng các tuyến đường, dọn dẹp vệ sinh và trồng hoa.
Đặc biệt, đồng bào Khmer chí thú làm ăn, phát triển nhiều mô hình kinh tế, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Tháng 3/2025, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành tích này là nhờ sự chung tay nỗ lực của chính quyền địa phương cùng nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.
50 năm sau ngày giải phóng, với sự quan tâm đầu tư nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả, diện mạo vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long ngày càng đổi mới. Người dân ngày càng có ý thức hơn về trách nhiệm của mình, tự lực vươn lên và đóng góp tích cực cho quê hương, đất nước.
Hơn 20 năm qua, ông Thạc Quơn (70 tuổi, Phó Bí thư Chi bộ ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn) gắn bó với những công việc đóng góp cho cộng đồng dân tộc Khmer trên địa bàn. Ông từng được trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc, được khen thưởng về tham gia phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Ông luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ, phát huy vai trò tiên phong trong lao động sản xuất, nuôi dạy con. Trong phát triển kinh tế gia đình, ông Thạch Quơn mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện gia đình và nhu cầu của thị trường. Từ sản xuất lúa chưa mang lại lợi nhuận cao, ông dần học tập phát triển thêm chăn nuôi bò, trồng sen, trồng màu, rồi trồng dừa. Các mô hình kinh tế này mang lại lợi nhuận cao cho gia đình.
Trong công tác ở địa phương, ông là người gần gũi, kịp thời lắng nghe, chia sẻ với những khó khăn của người dân. Qua thực tế, ông tham mưu địa phương hỗ trợ, động viên nhiều hộ gia đình khó khăn để có điều kiện về nhà ở, vốn vay phát triển kinh tế.
Nhờ sự động viên của ông Thạch Quơn, gia đình anh Thạch Hà (ấp Sóc Ruộng, xã Tân Mỹ) từng được hỗ trợ về nhà ở, sau đó tiếp tục lao động, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, gia đình anh Thạch Hà đã tự lực vươn lên, vừa xây được căn nhà mới khang trang để đón Tết Chôl Chnăm Thmây trong niềm vui trọn vẹn.
Tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Trà Côn, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)
Quyền Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Thạch Dương cho biết với truyền thống yêu nước, gắn bó lâu đời với mảnh đất Nam Bộ, đồng bào Khmer không chỉ nỗ lực vượt khó trong cuộc sống mà còn tham gia nhiều phong trào thi đua yêu nước tại địa phương.
Nhiều hộ gia đình mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.
Đặc biệt, vai trò của những người có uy tín trong đồng bào Khmer được phát huy rõ nét. Họ chính là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với người dân, tích cực tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.
Nhiều vị sư sãi, chức sắc tôn giáo và người có uy tín là tấm gương sáng trong vận động đồng bào hiến đất, góp công, góp sức xây dựng các công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa... nhằm từng bước hoàn thiện các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc, đặc biệt là những chính sách hỗ trợ thiết thực cho vùng đồng bào dân tộc Khmer; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống để khảo sát, đánh giá đúng nhu cầu thực tiễn, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp, sát thực tế, mang lại hiệu quả bền vững.
Ông Thạch Dương nhấn mạnh trong quá trình thực hiện, Sở tiếp tục chú trọng đến việc khơi dậy và phát huy nội lực trong cộng đồng người Khmer, tạo điều kiện để đồng bào chủ động tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, bảo vệ môi trường, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống mới văn minh, hiện đại. Qua đó tạo bước chuyển mình tích cực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.
(TTXVN/Vietnam+)