Một góc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc Trần Tuấn Anh, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính và mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến dôi dư khoảng 1.680 cán bộ đơn vị hành chính cấp xã.
Số trụ sở của các sở, ban, ngành sau khi có Đề án tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ở địa phương rất lớn và khi có kế hoạch quản lý, cho đơn vị khác tiếp nhận, sử dụng lại thì số dôi dư còn 29 trụ sở làm việc.
Hiện Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Công văn 3510/UBND-KT4 yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, trung tâm cấp tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị dự toán được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các chủ đầu tư nghiên cứu, thực hiện ngay các nhiệm vụ rà soát việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, đầu tư trực tiếp khi tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Vĩnh Phúc yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố căn cứ Đề án tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp ở địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị dự toán trực thuộc và chính quyền cấp xã xây dựng phương án bàn giao nguồn tài chính, ngân sách nhà nước để thực hiện bàn giao chính thức khi được cấp có thẩm quyền quyết định.
Căn cứ Đề án được cấp có thẩm quyền quyết định, các sở, ban, ngành và chính quyền cấp huyện, cấp xã chỉ đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng tài sản, tài chính...
Phương án bàn giao, tiếp nhận tài sản, tài chính, ngân sách Nhà nước phải được bàn bạc tập thể, thống nhất phương thức thực hiện để sau khi sắp xếp mọi hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc diện sắp xếp được thực hiện thông suốt, ổn định, hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương trước khi sắp xếp tổ chức bộ máy theo chức năng, nhiệm vụ thực hiện kiểm kê các nguồn lực tài chính, ngân sách nhà nước, lập đầy đủ hồ sơ liên quan theo chế độ quy định; rà soát, xử lý dứt điểm: các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán chưa thực hiện liên quan đến xử lý tài chính, xử lý khác; thu hồi triệt để các khoản tạm ứng ngân sách (bao gồm cả khoản tạm ứng từ ngân sách cấp trên), tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản quá hạn, tạm ứng từ Quỹ Phát triển đất, thu hồi các khoản chi vượt so với giá trị quyết toán được phê duyệt, các khoản công nợ phải thu, phải trả, phải nộp khác...
Các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về hồ sơ, chứng từ liên quan về nguồn tài chính, ngân sách nhà nước đến thời điểm được cấp có thẩm quyền quyết định sắp xếp, tổ chức bộ máy.
Khi thực hiện bàn giao nguồn tài chính, ngân sách nhà nước giữa các cơ quan, đơn vị phải lập biên bản bàn giao, tiếp nhận giữa các bên, kể các các khoản nợ phải thu, phải trả (nếu có), các kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, kiểm toán chưa thực hiện. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thất thoát nguồn tài chính, ngân sách nhà nước.
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn luật, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hoàn thành công tác quyết toán ngân sách năm 2024 theo đúng quy định; gửi Sở Tài chính báo cáo quyết toán ngân sách đã được Hội đồng Nhân dân huyện, thành phố phê chuẩn trước ngày 6/6/2025.
Sở Tài chính tổng hợp quyết toán ngân sách địa phương, tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh trình Hội đồng Nhân dân tỉnh phê chuẩn quyết toán trước ngày 30/06/2025, gửi Bộ Tài chính trước ngày 15/07/2025 theo quy định.
Các sở, ban, ngành, Ban quản lý dự án và Ủy ban Nhân dân cấp huyện tiếp tục thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án, kế hoạch vốn còn dang dở, không để mất thời gian chờ đợi.
Trong quá trình chuyển tiếp, sắp xếp tổ chức bộ máy, người quyết định đầu tư (đơn vị mới) giao Ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực hoặc lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án thực hiện công tác quản lý dự án sau sắp xếp, đảm bảo không để gián đoạn việc tổ chức thực hiện dự án, tuân thủ quy định của pháp luật xây dựng và pháp luật liên quan.
Các sở, ban, ngành, Ban quản lý dự án và Ủy ban Nhân dân cấp huyện tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với công tác giải phóng mặt bằng, giao đơn vị trực thuộc khẩn trương tiếp nhận công tác giải phóng mặt bằng của cấp huyện trước đây để triển khai, đảm bảo không gián đoạn công tác này, nhất là việc giải phóng mặt bằng của các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có tác động liên vùng triển khai trên địa bàn./.
(TTXVN/Vietnam+)