Khan hiếm vật liệu san lấp
Giá vật liệu xây dựng thông thường dùng cho san nền trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang rất cao. Tình trạng này xảy ra nhiều năm nay, ảnh hưởng tiến độ thực hiện nhiều công trình dự án xây dựng.
Nguyên nhân của tình trạng trên là hầu hết mỏ khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện đều dừng hoạt động, không cấp mới, cũng như chưa gia hạn khai thác.
Việc đấu giá 2 mỏ đất sẽ góp phần đảm bảo nguồn đất san lấp phục vụ công trình, dự án trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Giá đất san lấp nền khoảng 160.000 đồng/khối vận chuyển đến chân công trình. Đây là mức giá được cho rất cao (so với năm trước tăng 30.000 đồng/khối). Vì giá tăng mạnh, nguồn cung vẫn khan hiếm, gây đình trệ nhiều dự án quan trọng. Thậm chí, có dự án buộc phải tạm ngừng thi công do thiếu đất.
Ngày 20/5, trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc cho biết, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Sông Lô II do Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 6/2023. Đến nay, tiến độ san lấp mặt bằng và thi công các hạ tầng thiết yếu chưa đảm bảo theo kế hoạch đề ra do thiếu nguồn đất san lấp.
"Với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư tiềm năng và cho thuê một phần mặt bằng KCN, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đơn vị đã huy động tối đa các nguồn lực, tăng tốc thi công. Việc thiếu đất san lấp, phải mua vật liệu từ những tỉnh lân cận khiến chi phí đầu tư tăng cao, thời gian kéo dài", ông Kiên chia sẻ.
Tuy nhiên, do đường vận chuyển xa phát sinh chi phí khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong triển khai dự án. Đó là rào cản lớn, ảnh hưởng trực tiếp cơ hội thu hút nhà đầu tư vào KCN Sông Lô II.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN Sông Lô II được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc làm chủ đầu tư với tổng số vốn 1.520 tỷ đồng, có diện tích sử dụng đất hơn 165ha. Đến nay, đơn vị đã được giao 152,7/165,6ha theo quy hoạch. KCN Sông Lô II cần sử dụng lượng đất san lấp rất lớn, ước tính 4 triệu m3 cho san lấp mặt bằng. Đến nay, dự án mới được cung cấp 10% khối lượng đất san nền so với kế hoạch.
Bên cạnh KCN Sông Lô II, địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn một số dự án công nghiệp khác như: KCN Sơn Lôi, KCN Nam Bình Xuyên, KCN Sông Lô I, KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa… đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng, đều rất cần nguồn đất san lấp thi công.
Ngoài ra, hầu hết dự án giao thông trọng điểm, với vai trò tạo liên kết vùng như đường trục Bắc Nam, đường trục Đông Tây, đường trục trung tâm đô thị mới Mê Linh… đều đang ở giai đoạn đầu tư xây dựng nên nhu cầu đất san lấp tiếp tục tăng cao thời gian tới.
Tháo gỡ "nút thắt" nguồn vật liệu xây dựng
Nhằm tháo gỡ khó khăn trong vấn đề khan hiếm vật liệu xây dựng, ngày 14/5, UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đợt 1 năm 2025 với 2 mỏ đất tại huyện Sông Lô.
Dự án xây dựng hạ tầng KCN Sông Lô II vẫn thiếu hơn 3 triệu m3 đất san lấp.
Cụ thể, 2 mỏ đất được đưa vào kế hoạch đấu giá gồm: Mỏ đất san lấp khu Gò Vàu và khu Gò Da, thuộc thôn Thống Nhất, xã Phương Khoan. Trong đó, mỏ Gò Vàu có diện tích khoảng 5ha với trữ lượng gần 670.000m³; còn mỏ Gò Da rộng 3ha, trữ lượng khoảng 400.000m³. Dự kiến tổ chức đấu giá trong tháng 6/2025.
UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND huyện Sông Lô và cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu và tổ chức triển khai đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định đối với khu vực khoáng sản đấu giá được phê duyệt; chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) có Văn bản số 2208/STNMT-KSTNN&KTTV ngày 12/8/2024 và Văn bản số 2266/STNMT-KSTNN&KTTV ngày 16/8/2024 đề nghị tham gia ý kiến vào dự thảo Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025; đề nghị khẳng định sự phù hợp các vị trí đề xuất đấu giá thí điểm quyền khai thác khoáng sản với quy hoạch tỉnh.
Góp ý kiến về các vị trí điểm mỏ cụ thể trong Dự thảo kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh năm 2024-2025, Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, có 7 vị trí tại huyện Sông Lô và 1 vị trí tại huyện Lập Thạch phù hợp danh mục các vị trí được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 7664/UBND-CN3 ngày 22/9/2023.
Với 4 vị trí tại huyện Tam Đảo, đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc rà soát, bổ sung thông tin vị trí, diện tích đảm bảo phù hợp các khu vực đã được UBND tỉnh đồng ý tại Văn bản số 7664/UBND-CN3 ngày 22/9/2023.
Nhật Nguyên