Vĩnh Phúc hướng tới phát triển kinh tế số trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao

Vĩnh Phúc hướng tới phát triển kinh tế số trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao
6 giờ trướcBài gốc
Đây là chủ đề của Diễn đàn xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao do UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia tổ chức sáng 23/4. Nhiều ý kiến tại diễn đàn đã gợi mở xây dựng kinh tế số địa phương trên nền tảng chuỗi cung ứng công nghệ cao cho tỉnh Vĩnh Phúc. Báo Vĩnh Phúc trích nội dung các tham luận tại diễn đàn.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ Tài chính): Đổi mới sáng tạo - Động lực để phát triển Vĩnh Phúc trong kỷ nguyên số.
Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở công nghệ, mà là sự thay đổi toàn diện trong tư duy phát triển và vận hành. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đóng vai trò kết nối giữa Chính phủ, địa phương, doanh nghiệp và các Tập đoàn công nghệ hàng đầu như Dassault Systèmes để cùng xây dựng một mô hình đổi mới sáng tạo bền vững, bắt đầu từ những địa phương có tiềm năng như Vĩnh Phúc. Diễn đàn lần này là một bước tiến quan trọng trong tiến trình đó.
Để tận dụng điểm mạnh của tỉnh Vĩnh Phúc phù hợp với xu thế toàn cầu, nâng cao chất lượng trung tâm công nghiệp ô tô xe máy, tỉnh cần phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; chuẩn bị nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng công nghệ, kỹ thuật số; thiết kế chính sách đặc thù cấp tỉnh để hỗ trợ đổi mới sáng tạo; triển khai các chương trình đồng hành cụ thể cùng doanh nghiệp.
Thông qua các hoạt động cụ thể như tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của Vĩnh phúc như cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử, chế biến thực phẩm, nông nghiệp hiệu quả cao; đầu tư nền tảng số điều hành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối doanh nghiệp – chuyên gia – quỹ đầu tư – chính sách.
Tổ chức các chương trình bồi dưỡng tư duy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số cho lãnh đạo các cấp. Liên kết với các trường đại học kỹ thuật tại Hà Nội mở lớp ngắn hạn về IoT, AI, quản trị sáng tạo cho sinh viên và cán bộ kỹ thuật địa phương.
Xây dựng trung tâm hạ tầng dùng chung cho doanh nghiệp tại các khu công nghiệp hoặc đô thị mới, tích hợp không gian làm việc, phòng lab, trung tâm dữ liệu. Thiết kế gói ưu đãi thuế, mặt bằng cho doanh nghiệp có hoạt động R&D.
Thành lập Quỹ đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, ưu tiên dự án công nghệ số trong nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ. Thí điểm sandbox công nghệ mới. Phối hợp với NIC và các đối tác liên quan tổ chức chương trình cố vấn trực tiếp tại doanh nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số và cải tiến sản phẩm. Phát triển chương trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp truyền thống nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Ding Ming Chee - Tổng Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực Nam Á - Thái Bình Dương của Dassault Système: Vai trò của chuyển đổi số trong quản lý sản xuất và chuỗi cung ứng hiệu quả.
Việt Nam đang có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất. Dassault Systèmes cam kết đồng hành để cùng các địa phương như Vĩnh Phúc xây dựng năng lực nội tại mạnh mẽ, phát triển nền công nghiệp tích hợp số hóa, bền vững và kết nối với mạng lưới toàn cầu thông qua công nghệ bản sao số (Virtual Twin). Đặc biệt, nền tảng số có thể biến đổi chuỗi cung ứng sản xuất tại Việt Nam thành đòn bẩy chiến lược cho phát triển công nghiệp quốc gia.
Ông Ng Aik Hock, Giám đốc phụ trách Smart Cities khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Dasault Systems: Ứng dụng nền tảng số phát triển đô thị thông minh thông qua công nghệ song lập thực tế ảo.
Việc ứng dụng nền tảng số phát triển đô thị thông minh thông qua công nghệ song lập thực tế ảo giúp nhà quản lý, địa phương giải quyết tốt vấn đề về già hóa dân số, tốc độ đô thị hóa, biến đổi khí hậu toàn cầu, ùn tắc giao thông. Vì vậy, Tập đoàn sẵn sàng hợp tác với địa phương để xây dựng đô thị phù hợp với yêu cầu thực tế, tạo không gian phát triển hài hòa, hợp lý; nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
PGS. TS Nguyễn Hồng Thái, Trường Đại học Giao thông vận tải: Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế số và công nghệ chiến lược
Sự dịch chuyển trong chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu gần đây đã mở ra cơ hội cho ngành bán dẫn tại Việt Nam. Với lợi thế về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng; hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ vững chắc; môi trường thu hút FDI tốt; nguồn nhân lực có sẵn tay nghề là điều kiện thuận lợi cho Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu chuỗi sản xuất bán dẫn toàn cầu.
Với mục tiêu đến năm 2030 hình thành được đội ngũ nhân lực số, địa phương cần xây dựng chính sách phát triển kinh tế số gắn với quy hoạch nguồn nhân lực. Phân bổ ngân sách, ban hành cơ chế khuyến khích đào tạo, đầu tư nhân lực số. Thiết lập trung tâm chuyển đổi số cấp tỉnh/huyện; liên thông dữ liệu số giữa các ngành. Làm “nhạc trưởng” kết nối doanh nghiệp – nhà trường – người dân trong hệ sinh thái đào tạo và ứng dụng số.
Cùng với đó, đặt hàng chương trình đào tạo kỹ năng số theo nhu cầu thực tiễn; hợp tác cùng trường học đào tạo kép vừa học – vừa làm; đầu tư nâng cấp kỹ năng cho người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp số; phối hợp đào tạo, chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực dữ liệu lớn và AI, quản lý trong lĩnh vực logistics, giao thông đô thị, quản lý cơ sở hạ tầng giao thông và những lĩnh vực quản trị doanh nghiệp.
Mai Liên (lược ghi)
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/127164//vinh-phuc-huong-toi-phat-trien-kinh-te-so-tren-nen-tang-chuoi-cung-ung-cong-nghe-cao