Ngành công nghiệp chủ lực giữ nhịp tăng trưởng
Theo Chi cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - động lực chính của tăng trưởng - tăng 6,17% trong tháng 4. Một số ngành khác cũng ghi nhận tăng: sản xuất, phân phối điện và khí đốt tăng 4,70%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,86%. Riêng ngành khai khoáng không thay đổi.
Trong tháng 4/2025 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại tỉnh Vĩnh Phúc tăng 6,17%. Ảnh: Sỹ Hào
Chỉ số sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực tháng 4/2025 và 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước cũng ghi nhận những kết quả tăng trưởng, cụ thể: ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng mạnh nhờ đa dạng hóa thị trường và nhiều dự án mới vào hoạt động (tháng 4/2025 tăng 27,37%, lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 15,30%).
Ngành sản xuất ô tô duy trì ổn định nhờ sức mua cải thiện (giảm 0,27% trong tháng 4 và tăng 16,28% trong 4 tháng đầu năm); ngành sản xuất xe máy gặp khó khăn do nhu cầu tiêu dùng yếu và cạnh tranh từ xe điện nên sản xuất giảm (giảm 19,52% trong tháng 4 và tăng 0,06% trong 4 tháng).
Ngành sản xuất gạch chịu tác động từ thị trường bất động sản trầm lắng và cạnh tranh sản phẩm nhập khẩu (giảm 10% trong tháng 4 và tăng 2,66% trong 4 tháng); ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng mạnh nhờ duy trì đơn hàng xuất khẩu và cải tiến công nghệ (tăng 18,46% trong tháng 4 và tăng 34,12% trong 4 tháng đầu năm).
Tháng 4/2025, ngoài gạch ốp lát và xe máy các loại có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước, các sản phẩm chủ yếu còn lại đều có sản lượng tăng. Tính chung 4 tháng đầu năm, ước tính sản lượng sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh như thức ăn gia súc, giày thể thao, gạch ốp lát, linh kiện điện tử, xe ô tô các loại đều tăng so với cùng kỳ năm trước…
Chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính giảm 4,95% so với tháng trước và giảm 1,77% so với cùng kỳ năm 2024. So với tháng trước, 9 trong tổng số 18 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tiêu thụ tăng, một số ngành có mức tăng khá như ngành sản xuất trang phục tăng 5,29%; ngành sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,13%; ngành sản xuất máy móc, thiết bị tăng 30,37%.
Còn lại 9 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tiêu thụ giảm, trong đó giảm mạnh nhất là ngành dệt và ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan với mức giảm tương ứng lần lượt là 51,02% và 24,38%.
Nhiều ngành công nghiệp có chỉ số tiêu thụ giảm, tồn kho cao
Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 4/2025 giảm 7,44% so với tháng trước và giảm 16,64% so với cùng kỳ. So với tháng trước, 9 ngành công nghiệp cấp 2 có chỉ số tồn kho tăng, 8 ngành có chỉ số tồn kho giảm, riêng ngành sản xuất kim loại có chỉ số tồn kho không thay đổi.
Trong tháng 4/2025 sản xuất công nghiệp tại Vĩnh Phúc vẫn giữ được đà tăng trưởng, song mức tiêu thụ giảm và tồn kho tăng tại nhiều ngành chế biến, chế tạo. Ảnh: Sỹ Hào
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao như ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 59,70%; ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện tăng 17,78%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 19,18%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 12,19%.
Các ngành có chỉ số tồn kho giảm đáng kể là ngành sản xuất chế biến thực phẩm giảm 14,08%; ngành sản xuất trang phục giảm 14,27%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 18,83%.
Như vậy, trong tháng 4/2025 sản xuất công nghiệp tại Vĩnh Phúc vẫn giữ được đà tăng trưởng, song mức tiêu thụ giảm và tồn kho tăng tại nhiều ngành chế biến, chế tạo là dấu hiệu cảnh báo về sức ép từ các chính sách thương mại quốc tế, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Điều này đang đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp và chính quyền địa phương cần sớm có giải pháp thích ứng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh ổn định, phát triển bền vững.
Sỹ Hào