Tăng trưởng đứng thứ 2 trong vùng, đứng thứ 10 cả nước
Chỉ còn hai tháng nữa là hết năm, Vĩnh Phúc đang rốt ráo triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp để đạt kết quả cao nhất. Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, dù trong điều kiện thuận lợi, khó khăn đan xen, nhiều khó khăn chưa có tiền lệ, nhưng Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã thống nhất quan điểm chỉ đạo, tập trung lãnh đạo điều hành thực hiện tốt các chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển toàn diện các lĩnh vực.
UBND tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đồng thời kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, những khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, cũng như triển khai các chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách thuế nhằm đẩy mạnh sản xuất kinh doanh… Tỉnh cũng tích cực xúc tiến thu hút đầu tư.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Ảnh: Hiền Lương
Do đó, vượt qua các khó khăn, thách thức, quý III năm 2024, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh có sự phục hồi trở lại; ước tăng trưởng quý III đạt 10,62% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 vùng và thứ 10 toàn quốc (cao nhất từ đầu năm đến nay).
Và đến hết tháng 10, kinh tế của tỉnh tiếp tục khởi sắc ở cả 3 khu vực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 1,69% so với cùng kỳ và tăng 5,81% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng, IIP tăng 11,15% so với cùng kỳ. Sản xuất nông - lâm - thủy sản dù gặp thiên tai, giảm sản lượng, diện tích nhưng vẫn ổn định. Đến nay có 141 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 7.326,2 tỷ đồng, tăng 1,59% so với tháng trước và tăng 16,49% so với cùng kỳ. Lũy kế doanh thu 10 tháng từ lĩnh vực này đạt hơn 65.900 tỷ đồng, tăng 10,29% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất, nhập khẩu tăng cao, tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế 10 tháng ước đạt 13,05 tỷ USD, tăng 12,58% so với cùng kỳ; Kim ngạch nhập khẩu đạt 13,55 tỷ USD, tăng 26,37% so với cùng kỳ.
Thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 21.320 tỷ đồng, đạt gần 70% dự toán năm 2024. Tổng chi ngân sách đạt 18.576 tỷ đồng, giảm 6,63% so với cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 8.864 tỷ đồng, vượt 2,07% so với dự toán, giảm 21,36% so với cùng kỳ; chi thường xuyên đạt 9.559 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt 4.683 tỷ đồng, bằng 60,2% kế hoạch vốn Trung ương giao cao hơn tỷ lệ bình quân chung cả nước, xếp thứ 21/63 địa phương và đứng thứ 2/11 các tỉnh vùng đồng bằng Sông Hồng.
Thu hút đầu tư khởi sắc. Đã có 69 dự án FDI được cấp giấy phép đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 581 triệu USD, vượt 45,25% kế hoạch năm và 23 dự án DDI đạt 4.968 tỷ đồng, đạt trên 90% kế hoạch năm 2024. Trong đó có 30 dự án FDI mới, 39 dự án FDI điều chỉnh vốn, 15 dự án DDI mới, 8 dự án DDI điều chỉnh vốn. Toàn tỉnh có 1.226 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 19.000 lao động, đạt 111,7% kế hoạch năm.
Phấn đấu đầu tư công đạt 95%
Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh thấy rằng tăng trưởng tuy bảo đảm nhưng chưa bền vững, nguồn thu ngân sách chưa ổn định do còn phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn. Trên địa bàn tỉnh, hệ thống ngân hàng khó khăn, thị trường bất động sản phục hồi chậm. Thu hút vốn DDI đạt thấp so với cùng kỳ, chưa thu hút được dự án quy mô lớn. Phát triển nhà ở xã hội không đạt mục tiêu đề ra... Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khó khăn về tìm kiếm thị trường, chi phí cao, ngành sản xuất chủ lực ô tô, xe máy đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh gặp khó khăn.
Trước tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, tiếp tục chỉ đạo điều hành quyết liệt để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, phấn đấu tăng trưởng đạt từ 7,5 - 7,8%. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số. Quyết tâm hoàn thành tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo mốc thời gian quy định được giao. Xác định nhiệm vụ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/11 đạt trên 80%, đến ngày 31/12 đạt trên 90%, đến hết tháng 1/2025 đạt trên 95%.
Đồng thời nâng cao hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào thực tiễn; Đẩy mạnh tiết kiệm, cắt giảm 5% chi thường xuyên; Ban hành giá đất mới trước ngày 31/12, đẩy nhanh giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tồn đọng; Sáp nhập các đơn vị hành chính theo quy định; Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Thúc đẩy hoạt động của các thành phần kinh tế, nhằm tạo động lực, nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực trên toàn tỉnh.
Tinh thần của Vĩnh Phúc là phấn đấu để đạt kết quả tốt nhất, tạo tiền đề cho năm 2025 và giai đoạn 2026-2030. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; hoàn thiện Đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại Vĩnh Phúc. Duy trì tốt việc cấp đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng điện tử, phấn đấu đạt tỷ lệ đăng ký qua mạng cao nằm trong tốp đầu của cả nước.
Vĩnh Phúc hy vọng Chính phủ xem xét chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chính sách phục hồi kinh tế (gia hạn chính sách cũ và bổ sung một số chính sách mới, đặc biệt các chính sách thúc đẩy sản xuất nội địa với chu kỳ dài hơn (từ 3-5 năm để đảm bảo vòng đời của sản phẩm) như chính sách đối với ngành ô tô, xe máy, sản xuất sản phẩm điện tử hoàn thiện để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và thúc đẩy sản xuất trong nước).
Đồng thời đề nghị Chính phủ xem xét giao các bộ, ngành hướng dẫn, có cơ chế để các địa phương giao đất cho các dự án không thu tiền sử dụng đất hoặc miễn tiền sử dụng đất trong vài năm có diện tích lớn như KCN theo đợt các phần đã GPMB để đảm bảo triển khai dự án.
Huy Linh