Năm 2025 là năm đặc biệt quan trọng trong việc triển khai hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2020-2025) và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Mặc dù đối diện với không ít khó khăn, thách thức, song với quyết tâm chính trị cao nhất, Vĩnh Phúc sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng ở mức hai con số, tạo tiền đề, động lực để đưa tỉnh vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dự án Khu công nghiệp Sông Lô II đang được đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư.
Bước qua năm 2024, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại; xung đột địa chính trị diễn ra tại nhiều khu vực trên thế giới, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, Vĩnh Phúc là một trong những địa phương có độ mở kinh tế lớn, nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu chịu tác động của kinh tế thế giới, sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng của tỉnh.
Trước tình hình trên, tỉnh đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từng bước tháo gỡ khó khăn, duy trì tăng trưởng kinh tế - xã hội, hoàn thành và hoàn thành vượt 15/15 chỉ tiêu đề ra, với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,52%.
Quy mô GRDP của tỉnh theo giá hiện hành đạt trên 173 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16 nghìn tỷ đồng, tương đương 10% so với năm 2023. Giá trị GRDP bình quân đầu người đạt trên 141 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7%, tương đương trên 11 triệu đồng so với năm 2023.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đã được Nghị quyết HĐND tỉnh thông qua vào kỳ họp cuối năm 2024, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 8 - 9% trong năm 2025, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông các nguồn lực, nhất là các động lực mới để thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của Trung ương, xác định phấn đấu năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tạo nền tảng, tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030, toàn quốc nỗ lực hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, hướng đến tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Vĩnh Phúc đang khẩn trương chỉ đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tập trung rà soát, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng, góp phần cùng cả nước đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng theo từng quý, từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương; chi tiết hóa bằng các nhiệm vụ, chương trình, dự án cụ thể, dự kiến cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để nỗ lực, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Nghiên cứu bổ sung các nhiệm vụ với mục tiêu, nỗ lực cao hơn, đặc biệt là danh mục, tiến độ các dự án chuẩn bị đi vào hoạt động, bao gồm cả dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và dự án không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng mới trong năm.
Song song với đó, tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội theo chỉ đạo của Trung ương và chương trình, kế hoạch của tỉnh; đẩy mạnh xử lý kịp thời các vướng mắc, tháo gỡ các điểm nghẽn trong tất cả các ngành, lĩnh vực.
Tăng cường các giải pháp thu ngân sách, xử lý nợ thuế, nuôi dưỡng, mở rộng nguồn thu, chống thất thu; điều hành chi ngân sách hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên các chế độ, chính sách đã ban hành liên quan đến chế độ chi cho con người, chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ, chương trình, dự án cấp bách, trọng điểm của tỉnh.
Làm tốt công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tạo đòn bẩy thu hút, dẫn dắt các nguồn lực khác cho phát triển kinh tế - xã hội.
Tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đảm bảo mặt bằng sạch để triển khai các công trình, dự án, nhất là dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp để thu hút đầu tư.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tiếp tục chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược có năng lực, kinh nghiệm, tài chính, các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ "xanh".
Thu hút các dự án thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số, có giá trị gia tăng cao, tham gia toàn diện vào chuỗi giá trị toàn cầu, các ngành công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp sản xuất vật liệu mới... để tạo những bước phát triển đột phá cho công nghiệp nói riêng và cho kinh tế - xã hội toàn tỉnh nói chung.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh