Tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các sở, ngành triển khai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến nhân dân, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm tính ổn định, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Du khách bốn phương hào hứng về với Mẫu Tây Thiên.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, dự kiến toàn tỉnh sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 36 đơn vị hành chính cấp xã (32 xã, 4 phường), giảm 85 đơn vị hành chính, hơn 70% tổng số đơn vị hành chính cấp xã.
Trong đó, 13 phường, xã mới được đặt tên gọi gắn với lịch sử, truyền thống văn hóa địa phương gồm: phường Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Phúc Yên và các xã Sông Lô, Lập Thạch, Sơn Đông, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Thổ Tang, Yên Lạc, Tề Lỗ, Bình Xuyên.
Nhiều ý kiến của nhân dân mong muốn và đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét việc còn lại 23 xã, phường mới – sau khi sắp xếp, hợp nhất (có tên dự kiến gắn với thứ tự số đếm) sẽ được đặt lại tên theo hướng gắn với yếu tố lịch sử, văn hóa của địa phương.
Ông Lưu Đình Phúc (trú tại Hồ Sơn, Tam Đảo) cho biết, ngay từ thời điểm thông tin về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều ý kiến từ cư dân đều bày tỏ mong muốn các phường xã mới dự kiến thành lập mà có gắn theo các số đếm thứ tự, cần phải được điều chỉnh lại.
Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, anh hùng đã đóng góp công sức cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Việc đặt tên các xã phường, địa danh mới gắn thứ tự theo số đếm thì sẽ rất máy móc, không nói lên được bề dày giá trị truyền thống văn hóa lịch của quê hương.
“Quê tôi dưới dãy Tam Đảo, có danh thắng Tây Thiên hàng nghìn năm nay, có các địa danh gắn với người dân lâu đời như Hồ Xạ Hương, Đạo Trù, rừng lim Phù Mây…tất cả đã trở nên thân thuộc với người dân ở đây. Tôi nghĩ rằng, các phường xã, địa danh mới được thành lập trên cơ sở sắp xếp, hợp nhất 3 hay 4 đơn vị hành chính thì tên mới phải có yếu tố bao chứa được những giá trị đặc sắc và nổi bật của quê hương, mang ý nghĩa thiêng liêng và là niềm tự hào của cư dân mỗi khi nhắc đến. Đổi với để xứng tầm vị thế đất nước vươn mình như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, nhưng không để mất đi bản sắc quê hương”, ông Phúc mong muốn.
Trước đó, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc có Nghị quyết số 43-NQ/TU của nêu rõ tỉnh này sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn hiện nay thành 36 đơn vị hành chính cấp xã mới (32 xã, 4 phường), giảm 85 đơn vị hành chính cấp xã, tương ứng trên 70%. Theo đề án, dự kiến tên gọi, nơi đặt trụ sở 36 xã, phường sau sắp xếp sẽ là địa danh TP, huyện sau đó là các số thứ tự 1, 2, 3, 4.
Ví dụ như Thành phố Vĩnh Yên sẽ sắp xếp thành lập 2 phường mới là Vĩnh Phúc và Vĩnh Yên; thành phố Phúc Yên sắp xếp thành 2 phường mới là Phúc Yên và Phúc Yên 1; Huyện Sông Lô dự kiến thành lập các xã Sông Lô, Sông Lô 1, Sông Lô 2, Sông Lô 3…
Sau đó, lắng nghe, tiếp thu ý kiến Trung ương và người dân, lãnh đạo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai công tác lấy ý kiến nhân dân đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Vĩnh Phúc và đề án sáp nhập tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Phú Thọ bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, minh bạch, công bằng, công tâm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân.
Yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các sở, ngành triển khai nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Nhân dân, đặt tên các đơn vị hành chính cấp xã mới bảo đảm tính ổn định, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy chỉ đạo triển khai phương án đặt lại tên và tổ chức lấy ý kiến nhân dân về phương án đổi tên đơn vị hành chính cấp xã từ tên xã gắn với số thứ tự sang gắn với yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương.
Đề án sắp xếp, sáp nhập các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ vừa được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ thông qua cho thấy, tỉnh Phú Thọ mới sẽ có 148 xã, phường. Trong đó, tỉnh Phú Thọ hiện nay sẽ sắp xếp thành 66 xã, phường; tỉnh Hòa Bình sắp xếp thành 46 phường, xã và tỉnh Vĩnh Phúc sắp xếp thành 36 phường, xã mới.
Dự kiến từ ngày 29/4 đến 1/5, đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ sẽ được hoàn thiện để báo cáo Trung ương.
Trụ sở làm việc khối cơ quan Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ mới bố trí tại phường Tân Dân, thành phố Việt Trì. Trụ sở làm việc khối cơ quan Ủy ban MTTQ, các đoàn thể bố trí tại trụ sở hiện tại của MTTQ và các cơ quan đoàn thể của tỉnh Phú Thọ. Trụ sở làm việc của các sở và cơ quan chuyên môn thuộc 3 tỉnh bố trí tại trụ sở làm việc các sở, cơ quan chuyên môn thuộc tỉnh Phú Thọ.
Phi Long/VOV.VN